LSO-Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Lộc Bình đã có nhiều giải pháp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đối với lĩnh vực lao động việc làm, huyện cũng đã tạo điều kiện để Trung tâm dạy nghề (TTDN) của huyện phát huy vai trò, chức năng của mình nhằm nâng cao chất lượng, số lượng lao động nông thôn (LĐNT) được đào tạo nghề, có việc làm, có thu nhập, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo.Đào tạo nghề sửa chữa xe máy cho lao động nông thôn ở huyện Lộc BìnhTheo số liệu điều tra của năm 2010, số lao động trong độ tuổi có khả năng lao động của toàn huyện là 42.101 người, trong số đó có 7.261 người có nhu cầu học nghề, chiếm 17,25% tổng số lao động được điều tra, khảo sát. Phần lớn LĐNT có nhu cầu học nhóm nghề nông nghiệp và dịch vụ trong nông nghiệp, một số ít có nhu cầu học nhóm nghề công nghiệp – xây dựng và nhóm...
LSO-Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền huyện Lộc Bình đã có nhiều giải pháp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế – xã hội và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đối với lĩnh vực lao động việc làm, huyện cũng đã tạo điều kiện để Trung tâm dạy nghề (TTDN) của huyện phát huy vai trò, chức năng của mình nhằm nâng cao chất lượng, số lượng lao động nông thôn (LĐNT) được đào tạo nghề, có việc làm, có thu nhập, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo.
|
Đào tạo nghề sửa chữa xe máy cho lao động nông thôn ở huyện Lộc Bình |
Theo số liệu điều tra của năm 2010, số lao động trong độ tuổi có khả năng lao động của toàn huyện là 42.101 người, trong số đó có 7.261 người có nhu cầu học nghề, chiếm 17,25% tổng số lao động được điều tra, khảo sát. Phần lớn LĐNT có nhu cầu học nhóm nghề nông nghiệp và dịch vụ trong nông nghiệp, một số ít có nhu cầu học nhóm nghề công nghiệp – xây dựng và nhóm nghề dịch vụ. Ông Nguyễn Văn Oanh, Phó Giám đốc TTDN huyện Lộc Bình chia sẻ: Các lớp nghề được tổ chức với mục đích nhằm trang bị cho LĐNT những kiến thức cơ bản để ứng dụng thành thạo tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng dần trình độ kỹ thuật thâm canh, chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, phát triển ngành nghề ở nông thôn. Cùng với đó, tạo nguồn lực tại chỗ phục vụ cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, giải quyết việc làm, góp phần xóa đói giảm nghèo cho nông dân.
Tính từ năm 2006-2010, TTDN của huyện đã đào tạo nghề ngắn hạn cho 2.850 lao động trên địa bàn. Các nghề đào tạo chủ yếu là sửa chữa máy nông nghiệp, sửa chữa xe máy, dạy nghề nông nghiệp tập trung vào đào tạo kỹ thuật chăn nuôi gia súc, kỹ thuật trồng cây lương thực, trồng nấm ăn… Qua các lớp đào tạo, nhìn chung LĐNT đã biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng vật nuôi, có nhiều lao động đã tự mở được các cơ sở dịch vụ, phát triển thêm nghề phụ, nâng cao hiệu quả sử dụng thời gian lao động, từ đó tạo thu nhập ổn định, nâng cao chất lượng đời sống gia đình, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo, giảm các tệ nạn xã hội và ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.
Thực hiện các mục tiêu của đề án “đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020” huyện Lộc Bình, giai đoạn 2011-2015, TTDN Lộc Bình đã bám sát mục tiêu đề ra. Tính đến hết tháng 10/2011, TTDN Lộc Bình đã tổ chức được 10 lớp đào tạo nghề cho 310 LĐNT. Trong đó có 2 lớp phối hợp với TTDN Phụ nữ tỉnh tổ chức học kỹ thuật chăn nuôi gia cầm cho 70 học viên. Hiện nay, TTDN Lộc Bình đang tiến hành dạy 3 lớp về kỹ thuật chăn nuôi gà cho LĐNT xã Ái Quốc, sửa chữa máy nông nghiệp ở xã Tú Đoạn và xã Nam Quan. Ngoài ra, TTDN Lộc Bình còn phối hợp với các đơn vị tổ chức dạy nghề theo nhu cầu xã hội như đào tạo, cấp giấy phép lái xe mô tô hạng A1, ô tô hạng B2, tuyển sinh lớp từ Trung cấp liên thông Đại học Sư phạm cho các giáo viên Tiểu học và Mầm non trên địa bàn huyện.
Bên cạnh những kết quả tích cực ấy, trong công tác đào tạo nghề cho LĐNT trên địa bàn huyện Lộc Bình vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc nhất định. Ông Nguyễn Văn Oanh cho biết: Trong công tác tuyển sinh hiện nay vẫn còn một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quan tâm, vào cuộc. Cùng với đó, do chương trình dạy nghề ngắn hạn nên những kiến thức LĐNT nắm được vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động. Đối với bộ máy của TTDN, hiện có 4 cán bộ, nhân viên, huyện cho thêm 1 biên chế giáo viên dạy nghề cơ khí nhưng đến nay vẫn chưa tuyển dụng được cũng ảnh hưởng nhiều đến công tác đào tạo chung. Mặt khác, công tác tuyên truyền, phối kết hợp với các ban ngành, đoàn thể trong vấn đề đào tạo nghề cho LĐNT chưa thực sự được sâu sát, hiệu quả chưa cao. Một khó khăn nữa là LĐNT của huyện chưa thực sự mặn mà với việc chuyển đổi nghề, chủ yếu vẫn là chăn nuôi gà, lợn, sửa chữa máy nông nghiệp phục vụ kinh tế hộ gia đình.
Tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi được biết, thời gian qua đã có nhiều Công ty, doanh nghiệp đặt hàng tuyển lao động với TTDN Lộc Bình như Công ty may xuất khẩu Kiến Giang (Bắc Ninh) tuyển lao động nghề may; Trường Cao đẳng nghề mỏ Hồng Cẩm TKV (Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam) đóng tại Quảng Ninh tuyển sinh Trung cấp nghề kỹ thuật khai thác mỏ hầm lò… nhưng thông báo liên tục vẫn không có LĐNT đăng ký học và làm việc… Chính vì vậy, làm thế nào để thay đổi tư duy về lao động, việc làm trong LĐNT luôn là một vấn đề nan giải không của riêng TTDN Lộc Bình mà còn của các địa phương khác trong tỉnh.
Tuy còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhưng những kết quả đạt được trong thời gian qua đã khẳng định sự nỗ lực của TTDN Lộc Bình trong việc thực hiện đề án đào tạo nghề cho LĐNT. Những kết quả này đã và đang góp phần vào thực hiện thắng lợi công cuộc giảm nghèo của huyện nhà cũng như tạo bước chuyển biến tích cực trong chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay.
Thanh Huyền
Ý kiến ()