Dạy nghề cho LĐNT: Cần chủ động trong giai đoạn mới
LSO-Thực hiện quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 73/QĐ-UBND ngày 20/01/2011 của UBND tỉnh Lạng Sơn về phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020”, tỉnh Lạng Sơn đã triển khai thực hiện theo giai đoạn và có các chỉ tiêu cụ thể.
LSO-Thực hiện quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 73/QĐ-UBND ngày 20/01/2011 của UBND tỉnh Lạng Sơn về phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020”, tỉnh Lạng Sơn đã triển khai thực hiện theo giai đoạn và có các chỉ tiêu cụ thể. Theo đánh giá của Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định 1956 của tỉnh, thì cơ bản, từ năm 2010 đến năm 2012, tỉnh ta chủ yếu tập trung vào dạy nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng cho LĐNT. Và mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh ta cũng đã nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh từ 33% (năm 2010) lên 37% (năm 2012). Trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 25% (năm 2010) lên 29% (năm 2012); bình quân tỷ lệ lao động qua đào tạo và đào tạo nghề mỗi năm tăng 2%.
![]() |
Lãnh đạo Sở LĐTB&XH trao chứng chỉ nghề cho các giáo viên |
Trong 3 năm thực hiện đề án dạy nghề cho LĐNT, tỉnh ta đã xác định phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề công lập trên địa bàn huyện; hỗ trợ đầu tư tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề đối với các cơ sở dạy nghề cấp huyện. Cùng với đó tập trung phát triển chương trình, giáo trình, học liệu dạy nghề; phát triển đội ngũ giáo viên, người dạy nghề, cán bộ quản lý dạy nghề đáp ứng được yêu cầu dạy nghề trên địa bàn tỉnh. Đáng chú ý, tỉnh ta đã tập trung triển khai thí điểm đào tạo nghề theo mô hình. Bà Trương Thị Hợp, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH, thành viên Ban chỉ đạo thực hiện Quyết định 1956 của tỉnh cho rằng: trong thời gian qua, Ban chỉ đạo đã tập trung chỉ đạo xây dựng và nhân rộng các mô hình như nghề kỹ thuật trồng, chăm sóc, và bảo quản na; chăn nuôi gà; kỹ thuật nuôi lợn; kỹ thuật trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu… Với những nghề nói trên, việc áp dụng quá trình phát triển kinh tế hộ phù hợp với điều kiện tại địa phương, đảm bảo trên 80% lao động sau đào tạo sử dụng đúng nghề, áp dụng có hiệu quả sau đào tạo, sản phẩm tiêu thụ nhanh và đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần giảm nghèo bền vững, một số hộ còn vươn lên thành hộ khá và giàu.
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Chi Lăng cho biết: thực hiện đề án 1956 của Chính phủ, huyện Chi Lăng được chỉ đạo thí điểm xây dựng mô hình chăn nuôi, chúng tôi đã chỉ đạo Trung tâm dạy nghề tập trung vào mô hình chăn nuôi gà tại thị trấn Chi Lăng, vừa kết hợp nuôi tại chuồng và thả vườn. Đến nay đã có 50 hộ đầu tư chăn nuôi theo mô hình trang trại từ 200-500 con gà/hộ. Mô hình đã góp phần làm thay đổi tư duy chăn nuôi theo phương pháp truyền thống sang phát triển đàn già theo hướng kinh doanh hàng hóa.
Đánh giá về công tác dạy nghề, ông Lê Quang Hồng, Trưởng phòng Dạy nghề, Sở LĐTB&XH tỉnh chia sẻ: Năm 2010, toàn tỉnh tổ chức được 81 lớp nghề; năm 2011 là 83 lớp, năm 2012 là 57 lớp. Trong 3 năm qua đã có 6.753 LĐNT được học nghề, trong đó nghề nông nghiệp chiếm khoảng 60%, nghề phi nông nghiệp chiếm 40%. Trong các lớp đào tạo đó thì các lớp theo mô hình được LĐNT đánh giá cao và tham gia học tích cực hơn bởi các lớp học được các giáo viên đầu ngành về chăn nuôi, trồng trọt, có kinh nghiệm, kiến thức chuyên sâu giảng dạy và giải đáp các vướng mắc của học viên trong thực tế.
Tuy nhiên, nhìn lại sau 3 năm thực hiện đề án 1956 tại tỉnh ta vẫn còn nhiều tồn tại, yếu kém, trong đó trở ngại lớn nhất là vấn đề chậm kinh phí dẫn đến việc xây dựng kế hoạch, thực hiện công tác dạy nghề chậm. Chính vì thế năm 2012 toàn tỉnh mới tổ chức được 57 lớp đào tạo nghề cho LĐNT. Bên cạnh đó, hiện nay, đội ngũ giáo viên cơ hữu ở các trung tâm dạy nghề cấp huyện còn thiếu; cán bộ quản lý dạy nghề còn hạn chế về năng lực chuyên môn; một số xã chưa xác định được nghề đào tạo, chưa tư vấn được cho người dân học nghề gì để sau khi học nghề có việc làm và nâng cao thu nhập.
Giai đoạn mới 2013-2015, tỉnh đặt ra mục tiêu tuyển sinh và dạy nghề các cấp trình độ cho 7.900 người, trong đó có 6.000 người là dạy nghề cho LĐNT trình độ sơ cấp và thường xuyên. Phấn đấu tăng tỷ lệ qua đào tạo năm 2013 là 39%, trong đó qua đào tạo nghề là 31%, tăng 2% so với năm 2012. Cùng với đó xây dựng kế hoạch tổ chức bồi dưỡng, đào tạo 371 lượt cán bộ công chức xã. Để thực hiện được các chỉ tiêu đó, đồng chí Tô Hùng Khoa, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo thực hiện Quyết định 1956 của tỉnh khẳng định: năm 2013 và trong giai đoạn mới, ban chỉ đạo tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành, các địa phương vào cuộc đồng bộ hơn, chủ động hơn, nhất là Sở LĐTB&XH – cơ quan thường trực trong thực hiện công tác dạy nghề. Trong đó nâng cao vai trò chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các địa phương đối với công tác này. Các ngành liên quan, các địa phương cần chủ động khắc phục những tồn tại, yếu kém, tập trung vào đào tạo các lớp nghề gắn với tư duy phát triển kinh tế của LĐNT và nhu cầu học nghề của họ. Sở LĐTB&XH cần chủ động lập kế hoạch sớm, các cơ sở dạy nghề định hướng, tư vấn nghề phù hợp với nhu cầu, điều kiện phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương.
THANH HUYỀN

Ý kiến ()