Dạy nghề cho lao động nông thôn: Nỗ lực của Đình Lập
(LSO) – Trong những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) của huyện Đình Lập mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng huyện đã nỗ lực tổ chức triển khai theo hướng gắn với chương trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Qua đó, đẩy mạnh đào tạo nghề cho LĐNT, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn huyện.
Thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020”, trong những năm qua, Ban Chỉ đạo thực hiện đề án của huyện đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo cơ quan chuyên môn tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách về phát triển ngành nghề ở nông thôn, chính sách hỗ trợ dạy nghề. Đồng thời, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và các cơ quan liên quan phối hợp tư vấn, tuyên truyền, vận động, tuyển sinh để tổ chức lớp học.
Người dân xã Bắc Lãng tham gia học nghề sửa chữa máy nông nghiệp
Xác định thế mạnh của huyện Đình Lập là phát triển nông nghiệp, trong đó chú trọng kinh tế đồi rừng, thời gian qua, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện đã tuyên truyền, định hướng cho LĐNT tham gia học các ngành nghề phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế và nhu cầu. Theo đó, các nghề được đưa vào đào tạo gồm: kỹ thuật chăn nuôi gà, kỹ thuật trồng cây thông, sửa chữa máy nông nghiệp… Đây là những nghề mà người lao động sau khi học nghề có cơ hội tìm việc làm hoặc tự tạo việc làm thường xuyên, bền vững.
Ông Trịnh Minh Khanh, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện cho biết: Trung tâm đã phối hợp với phòng Lao động, Thương binh, Xã hội – Dân tộc, các tổ chức chính trị xã hội và các công ty, doanh nghiệp, các đơn vị xuất khẩu lao động ngoài tỉnh đến cơ sở tổ chức các buổi tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm và xuất khẩu lao động tại địa phương; từ đó vận động, tuyển sinh để tổ chức lớp học nghề phù hợp với tình hình phát triển kinh tế ở huyện (chủ yếu là nhóm nghề nông nghiệp) nhằm tạo việc làm cho học viên sau khi kết thúc khóa học.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm GDNN-GDTX huyện, trong 3 năm (2016 – 2018), huyện đã mở được 19 lớp dạy nghề trên địa bàn với 655 học viên tham gia học các nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp; giải quyết việc làm cho 1.060 người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 43%; tỷ lệ người lao động sau học nghề sử dụng và làm việc đúng nghề đạt trên 80%. Riêng năm 2018, Trung tâm GDNN-GDTX huyện phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các xã: Bắc Xa, Đình Lập, Bính Xá, Bắc Lãng tổ chức được 6 lớp đào tạo nghề cho 210 LĐNT.
Bà Sầm Thị Vui, Bí thư Đảng ủy xã Đình Lập cho biết: Thời gian qua, xã tích cực phối hợp tuyên truyền về chính sách học nghề cho LĐNT trên địa bàn. Trong năm 2018, Trung tâm GDNN-GDTX huyện đã phối hợp với xã mở được 2 lớp nghề về kỹ thuật chăn nuôi gà và kỹ thuật trồng cây thông cho 70 LĐNT trên địa bàn.
Mặc dù đạt một số kết quả nhất định nhưng trong quá trình triển khai thực hiện đào tạo nghề cho LĐNT, huyện cũng gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, cơ sở vật chất cho đào tạo nghề đã được trang bị nhưng thiếu đồng bộ; chưa bố trí được đủ giáo viên các ngành nghề cho trung tâm; chương trình dạy nghề và thời gian đào tạo ngắn hạn, không xác định được mục tiêu rõ ràng về kết quả đào tạo dẫn đến việc đào tạo nghề chưa thực sự gắn kết với giải quyết việc làm và yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế tại địa phương. Kinh phí dạy nghề do Sở LĐTBXH phân bổ chưa đủ cho tổ chức và hoạt động…
Để thực hiện Đề án “Đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020” có hiệu quả hơn, theo ông Trịnh Minh Khanh, trong thời gian tới, trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các xã, thị trấn tăng cường tuyên truyền về dạy nghề, huy động sự vào cuộc của các tổ chức, đoàn thể và nhân dân trong việc tổ chức đào tạo nghề để người dân nhận thức được việc học nghề mang lại cho họ cuộc sống ổn định và phát triển sản xuất.
THANH HUYỀN
Ý kiến ()