Đẩy mạnh xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP
– Thời gian qua, công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) được các cấp, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh quan tâm đẩy mạnh, góp phần đưa sản phẩm OCOP của tỉnh vươn xa, rộng mở thị trường tiêu thụ.
Ngày 13/8/2019, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2019 – 2020, định hướng đến năm 2030 (OCOP). Đây là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị sản phẩm. Trọng tâm là phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có thế mạnh ở mỗi xã thuộc các huyện, thành phố theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện. Sau hơn 2 năm triển khai, chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tính đến nay, tỉnh đã có 47 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận OCOP, trong đó, 15 sản phẩm 4 sao, 32 sản phẩm 3 sao với sự tham gia của 39 chủ thể.
Các sản phẩm OCOP được trưng bày tại hội nghị trực tuyến xúc tiến thương mại sản phẩm na Chi Lăng và sản phẩm OCOP tỉnh Lạng Sơn năm 2021
Để sản phẩm OCOP gắn kết với thị trường, các cấp, ngành chức năng của tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy xúc tiến thương mại sản phẩm. Ông Phạm Tuyến, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết: Từ năm 2019 đến nay, chúng tôi đã tham mưu cho sở xây dựng kế hoạch tổ chức các hội chợ triển lãm và các tuần hàng quảng bá sản phẩm, phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hội nghị, hội thảo, tập huấn đào tạo kỹ năng tham gia hội chợ, triển lãm, kỹ năng thiết kế bao bì, nhãn hiệu và quảng bá thương hiệu sản phẩm. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19, chúng tôi đã tham mưu sở quảng bá các sản phẩm nông sản và OCOP thông qua các hội nghị trực tuyến.
Theo đó, từ năm 2019 đến nay, Sở NN&PTNT đã tạo điều kiện cho các chủ thể có sản phẩm OCOP tham gia 14 hội chợ, hội nghị xúc tiến đầu tư, chương trình kết nối cung cầu như: Hội chợ triển lãm nông nghiệp quốc tế (Agroviet), Hội chợ triển lãm sản phẩm OCOP tại Quảng Ninh, chương trình “Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam”, hội nghị trực tuyến xúc tiến thương mại sản phẩm na Chi Lăng và sản phẩm OCOP tỉnh Lạng Sơn năm 2021… Ngoài ra, Sở NN&PTNT hỗ trợ các chủ thể OCOP quảng bá sản phẩm bằng việc đăng tải thông tin sản phẩm trên một số website như: nongsanlangson.com, ocopvietnam.gov.vn…
Cùng với hoạt động của Sở NN&PTNT, Sở Công Thương cũng chú trọng xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP trên địa bàn. Ông Trần Anh Thuần, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại, Sở Công Thương cho biết: Từ năm 2019 đến nay, trung tâm đã xây dựng 1 cửa hàng OCOP tại thành phố, đây là điểm trưng bày, quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm đặc trưng của tỉnh, trong đó có 47 sản phẩm OCOP của 11 tổ hợp tác, HTX. Gian hàng này đã thu hút sự quan tâm của người dân trên địa bàn, mở ra cơ hội quảng bá sản phẩm rộng rãi đến người tiêu dùng. Bên cạnh đó, trung tâm cũng tổ chức 5 hội chợ thương mại tại Trung tâm Hội chợ thương mại (thành phố Lạng Sơn) quảng bá các sản phẩm nông sản, OCOP trên địa bàn.
Đặc biệt, trong năm 2021, thực hiện chương trình phát triển kinh tế số, các sản phẩm được các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, người dân đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử, trong đó, ưu tiên các sản phẩm gắn sao OCOP, VietGAP, GlobalGAP… Đây là một trong những hình thức hiệu quả, góp phần quảng bá, tiêu thụ sản phẩm, nhất là trong thời điểm dịch COVID-19. Theo số liệu thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, từ ngày 20/7/2021 đến trung tuần tháng 9/2021, toàn tỉnh đã có gần 49.000 cửa hàng số với 4.300 mặt hàng trên cửa hàng số.
Các hoạt động xúc tiến thương mại đã tạo điều kiện cho các chủ thể giới thiệu, quảng bá sản phẩm, xây dựng nhãn hiệu hàng hoá, mở rộng thị trường tiêu thụ… Hiện nay, các sản phẩm OCOP của tỉnh đã có mặt trong hệ thống siêu thị lớn (BigC, Vinmart…) góp phần nâng cao thương hiệu, đưa sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước. Đồng thời, các chủ thể có cơ hội tìm kiếm các đối tác để thực hiện liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm như: Hợp tác xã (HTX) Nông sản sạch Tràng Định; Hợp tác xã Nông sản huyện Chi Lăng, HTX Rau, củ, quả, sạch Gia Cát…
Ông Hoàng Văn Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX Nông sản sạch Tràng Định cho biết: Trong năm 2020 và 2021, HTX có 2 sản phẩm: gạo bao thai hồng, gạo nếp cái ong vàng đạt sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh. Thời gian qua, được các cấp, ngành tạo điều kiện, sản phẩm OCOP của HTX đã được đưa đi tham gia các hội chợ trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó, thị trường tiêu thụ mở rộng, trước đây, các loại gạo của HTX chỉ tiêu thụ trong tỉnh, nay sản phẩm đã được tiêu thụ tại các tỉnh, thành như: Thái Nguyên, Hà Nội… Hiện nay, trung bình một ngày, HTX tiêu thụ khoảng 1 tấn gạo (tăng gấp đôi so với năm 2018).
Việc thúc đẩy xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP đóng vai trò rất quan trọng. Qua đó, giúp các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh vươn xa, không chỉ được người tiêu dùng trong nước đón nhận mà còn hướng đến thị trường xuất khẩu trong tương lai
Ông Phùng Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng
“Chương trình OCOP được triển khai trên địa bàn huyện Chi Lăng từ cuối năm 2019. Đến nay, huyện đã xây dựng thành công 6 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận OCOP cấp tỉnh, trong đó có 4 sản phẩm 3 sao và 2 sản phẩm đạt 4 sao. Sau khi các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, UBND huyện đã đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm. Cụ thể, từ năm 2019 đến nay, thực hiện Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nông trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 – 2025 (nay là Nghị quyết số 15/2021/NQ-HĐND ngày 17/7/2021 của HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 08), UBND huyện đã trình cấp có thẩm quyền hỗ trợ kinh phí cho 5 chủ thể của 5 sản phẩm OCOP để tuyên truyền, quảng bá sản phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng và tham gia triển lãm hội trợ trong và ngoài tỉnh.
Cùng với đó, huyện đã hỗ trợ xây dựng website giới thiệu cho từng sản phẩm OCOP với đầy đủ nội dung thông tin. Đặc biệt, năm 2021, thực hiện phát triển kinh tế số, UBND huyện đã hướng dẫn, vận động người dân đăng ký trên 9.000 gian hàng số đưa các mặt hàng nông sản, trong đó có sản phẩm OCOP lên sàn thương mại điện tử để thúc đẩy tiêu thụ và quảng bá sản phẩm. Nhờ đó, thị trường tiêu thụ các sản phẩm OCOP của huyện, đặc biệt là sản phẩm na trải dài khắp cả nước, trong đó, phổ biến tiêu thụ ở các chợ đầu mối nông sản, siêu thị ở Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Nghệ An”.
Ông Hoàng Văn Hưng, Giám đốc HTX Hoàng Việt, huyện Văn Lãng
“HTX thành lập năm 2019, có 8 thành viên sản xuất hồng vành khuyên với diện tích 50 ha, trong đó có 30 ha sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2020, được UBND huyện hướng dẫn tham gia chương trình OCOP, sản phẩm hồng vành khuyên của hợp tác xã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao, đến tháng 9/2021, sản phẩm đã được nâng lên 4 sao. Từ khi được chứng nhận sản phẩm OCOP, chúng tôi đã chủ động đưa sản phẩm đi trưng bày tại các hội nghị, hội chợ xúc tiến thương mại sản phẩm nông sản trong và ngoài tỉnh do UBND huyện giới thiệu. Bên cạnh đó, HTX còn đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá sản phẩm trên các trang mạng xã hội như: facebook, zalo… Vì vậy, sản phẩm hồng vành khuyên của HTX được nhiều người biết đến, tiếp cận được các thị trường tiêu thụ tiềm năng. Nếu như trước đây, sản phẩm chỉ được bán duy nhất cho thương lái, thì nay, hồng vành khuyên đã được tiêu thụ tại siêu thị BigC (Hà Nội) và các chợ đầu mối nông sản. Riêng năm 2021, mặc dù là huyện bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 song 60 tấn hồng của hợp tác xã vẫn tiêu thụ tốt, không có sản phẩm bị tồn đọng.”
Ý kiến ()