Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào khu vực Tây Nguyên
Nhiều năm qua, ngành ngân hàng đã bám sát chủ trương, định hướng phát triển kinh tế vùng của Đảng và Chính phủ, định hướng phát triển kinh tế địa phương, để đẩy mạnh đầu tư tín dụng, phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) vùng Tây Nguyên, từng bước nâng cao đời sống của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số.
Đẩy nhanh tiến độ các dự án cam kết Tây Nguyên là địa bàn chiến lược, đặc biệt quan trọng về kinh tế, an ninh, quốc phòng của đất nước. Nhận rõ vị trí quan trọng, tiềm năng to lớn và cả những khó khăn trong việc phát triển KTXH của vùng Tây Nguyên, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của đồng bào các dân tộc và sự góp sức của cả nước, KTXH Tây Nguyên đã đạt những thành tựu quan trọng trên nhiều mặt, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, nguồn vốn đầu tư vào Tây Nguyên liên tục tăng. Từ 2011 đến nay, tổng vốn đầu tư toàn vùng Tây Nguyên đạt 147 nghìn tỷ đồng. GDP bình quân đầu người tăng từ 18,24 triệu đồng năm 2011 lên 23,08 triệu đồng năm 2014. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 18,92% (năm 2011) xuống 11,22% (năm 2014).
Tại hội nghị xúc tiến đầu tư và an sinh xã hội khu vực Tây Nguyên tổ chức vào tháng 4-2013 tại Gia Lai, có năm ngân hàng thực hiện ký kết 28 hợp đồng nguyên tắc tài trợ vốn cho các DN hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực cà-phê, cao-su, thủy điện và ký kết hai biên bản ghi nhớ thỏa thuận đầu tư vốn với UBND tỉnh Đác Lắc và Lâm Đồng với số tiền 23.889 tỷ đồng.
Đến cuối năm 2014, các ngân hàng đã giải ngân cho vay 17 dự án, với số tiền 3.620 tỷ đồng, dư nợ đạt hơn 1.961 tỷ đồng.
Các ngân hàng đã chỉ đạo các chi nhánh, các tổ chức tín dụng trên địa bàn phối hợp các địa phương và các chủ dự án tổ chức thực hiện nhằm đẩy nhanh tiến độ các dự án như cam kết.
Đến nay, các ngân hàng đã giải ngân cho vay nhiều dự án, việc thực hiện giải ngân sẽ tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Cụ thể: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) đã giải ngân được hơn 1.000 tỷ đồng; trong đó, cho Chương trình hỗ trợ tín dụng tái canh cà-phê là 310 tỷ đồng. Ngân hàng BIDV đã phê duyệt tài trợ vốn, ký hợp đồng tín dụng và giải ngân cho năm dự án xây dựng, thủy điện, trồng mới cao-su. Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB) đã ký hợp đồng tín dụng và giải ngân cho bảy dự án hỗ trợ trồng, tái canh, chăm sóc và phát triển cao-su. Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đã ký hợp đồng tín dụng và giải ngân cho sáu dự án hỗ trợ trồng, xuất khẩu mủ cao-su, cà-phê, sản xuất điện năng. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã ký hợp đồng tín dụng và giải ngân bốn dự án cho các lĩnh vực: thủy điện, trồng, chăm sóc, khai thác cao-su tự nhiên. Ngân hàng Chính sách xã hội đã tổ chức thực hiện cho vay 12 chương trình tín dụng chính sách đối với hộ nghèo như: vay sản xuất, tạo việc làm, làm nhà ở, nước sinh hoạt, vay vốn đến trường…
Tính đến hết quý I – 2015, tổng số tiền các ngân hàng cam kết cho vay đạt hơn 25 nghìn tỷ đồng cho hơn 2.800 khách hàng DN; các hình thức hỗ trợ khác như cơ cấu nợ, điều chỉnh giảm lãi suất cho các khoản vay cũ…
đạt dư nợ hơn 4.000 tỷ đồng cho khoảng 200 DN. Trong năm 2015, để phát huy tiềm năng thế mạnh của Tây Nguyên và góp phần vào phát triển KTXH của vùng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tiếp tục vận động các ngân hàng thương mại cam kết số tiền dự kiến đầu tư trung và dài hạn vào Tây Nguyên khoảng 15 nghìn tỷ đồng.
Vốn ngân hàng góp phần phát triển kinh tế – xã hội Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), đến 31-3, nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 87.611 tỷ đồng, tăng 3,38% so với cuối năm 2014, cao hơn bình quân của cả nước (1,58%) và chiếm 1,94% tổng huy động toàn nền kinh tế. Tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn các tỉnh vùng Tây Nguyên đạt 152.427 tỷ đồng, tăng 4,78% so với cuối năm 2014, cao hơn bình quân của cả nước 2,65% và chiếm 3,74% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế. Trong đó, dư nợ tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn khu vực Tây Nguyên đạt 72.971 tỷ đồng, tăng 3,29% so với 31-12-2014 và chiếm tỷ trọng 47,87% tổng dư nợ cho vay đối với nền kinh tế của cả khu vực. Dư nợ cho vay đối với ngành cà-phê tại khu vực Tây Nguyên tính đến cùng thời điểm trên đạt 32.526 tỷ đồng, tăng 8,37% so với 31-12-2014 (chiếm 78,58% dư nợ cho vay và cà-phê toàn quốc). Đặc biệt, nhằm phát triển bền vững cây cà-phê khu vực Tây Nguyên, từ tháng 10-2013, NHNN đã chủ động đề xuất phương án cho vay tái canh cà-phê. Theo đó, Agribank là ngân hàng nòng cốt thí điểm cho vay, đến 31-3, đã ký hợp đồng và giải ngân cho vay tái canh cà-phê trên địa bàn ba tỉnh: Lâm Đồng, Đác Lắc và Gia Lai với dư nợ đạt 585 tỷ đồng, tăng 18,66% so với cuối năm 2014, với 4.810 khách hàng thực hiện tái canh trên diện tích 6.707 ha.
Ngoài ra, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội đến 31-3 tại khu vực Tây Nguyên đạt 11.132 tỷ đồng, chiếm 8,5% tổng dư nợ toàn quốc với gần 517 nghìn hộ còn dư nợ, tăng 2,07% so với 31-12- 2014. Chương trình kết nối ngân hàng – DN cũng được triển khai ở năm tỉnh khu vực Tây Nguyên, với 15 hội nghị đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho DN, hộ dân…
Bên cạnh các hoạt động kinh doanh hiệu quả, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế khu vực Tây Nguyên những năm qua, thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ, ngành ngân hàng đã tích cực trong công tác hỗ trợ an sinh xã hội, góp phần nâng cao chất lượng đời sống cho người nghèo, giảm nghèo bền vững. Trong năm 2014, ngành ngân hàng đã và đang thực hiện các gói hỗ trợ cho mục đích y tế, giáo dục và hộ nghèo các tỉnh hơn 133 tỷ đồng. Tính từ năm 2008 đến 2014, ngành ngân hàng đã dành 556 tỷ đồng để hỗ trợ công tác an sinh xã hội tại Tây Nguyên.
Để phát huy hết tiềm năng, lợi thế của khu vực thời gian tới, ngành ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh đầu tư tín dụng vào các tỉnh Tây Nguyên, trong đó xác định nông nghiệp – nông dân – nông thôn nói chung và đầu tư đối với sản phẩm thế mạnh của khu vực như cà-phê, chè, cao-su… vẫn là những lĩnh vực được ưu tiên. Bên cạnh đó, ngành ngân hàng tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, hộ dân, nâng cao khả năng tiếp cận vốn của khách hàng; NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối đủ vốn phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên phạm vi toàn quốc, tập trung cho vay phát triển KTXH và bảo đảm an sinh xã hội gắn liền thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên khu vực Tây Nguyên.
Lũy kế đến năm 2014, toàn vùng thu hút 148 dự án FDI với tổng số vốn 819,8 triệu USD, bằng 0,83% tổng số dự án và 0,32% tổng số vốn FDI của cả nước. Thu hút vốn FDI vào Tây Nguyên còn hạn chế cả về số dự án, số vốn, vốn bình quân một dự án và tập trung chủ yếu ở tỉnh Lâm Đồng. Về cơ cấu vốn đầu tư tại Tây Nguyên, có thể nhận thấy các ngành sản xuất có thế mạnh (nông nghiệp, thủy điện) của Tây Nguyên đã được tập trung đầu tư.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()