Đẩy mạnh xuất khẩu hàng địa phương
LSO-Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh trong những tháng qua lúc tăng, lúc giảm. Nhưng đối với một số mặt hàng địa phương như: hoa hồi, chè, thạch đen, nhựa thông, sản phẩm gỗ rừng trồng… kim ngạch xuất khẩu lại tăng đều.
![]() |
Sơ chế hoa hồi tại Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu nông sản Lạng Sơn – Ảnh: VŨ NHƯ PHONG |
Thời gian qua, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động hơn trong việc thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng địa phương, trong đó kim ngạch xuất khẩu lớn nhất là sản phẩm hoa hồi. Theo thống kê của ngành công thương, kim ngạch xuất khẩu hoa hồi đạt khoảng 15 triệu USD, tăng khoảng 12% so với cùng kỳ. Bà Phạm Thu Giang, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu nông sản Lạng Sơn cho biết: Thời gian qua, công ty đã chủ động xuất khẩu sản phẩm hoa hồi và các sản phẩm chế biến từ hoa hồi sang thị trường Trung Quốc và một số thị trường khác. Điều thuận lợi cho việc xuất khẩu là công ty đã chủ động đăng ký thương hiệu bảo hộ sản phẩm hoa hồi, cùng đó sản phẩm hoa hồi cũng đã được cấp chỉ dẫn địa lý và được nhà nước bảo hộ.
Không chỉ sản phẩm hoa hồi xuất khẩu tăng, các sản phẩm nông, lâm sản địa phương như: chè, thạch đen, sản phẩm gỗ từ rừng trồng… xuất khẩu cũng tăng. Cụ thể, trong 5 tháng đầu năm 2017, kim ngạch xuất khẩu hàng địa phương đạt 44 triệu USD, tăng 23,9% so với cùng kỳ năm 2016. Ông Nguyễn Quốc Hải, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Nhờ những thuận lợi từ ưu đãi thuế trong Hiệp định thương mại Trung Quốc – Asean, nên lượng hàng nông sản địa phương cũng được các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hơn để tăng giá trị thu được.
![]() |
Đóng gói hoa hồi xuất khẩu tại Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu nông sản Lạng Sơn |
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Sở Công thương, hoạt động xuất khẩu hàng địa phương của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thực sự bền vững, một số sản phẩm vẫn chủ yếu xuất khẩu dạng thô, xuất tiểu ngạch. Để cải thiện hiệu quả hoạt động xuất khẩu, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng địa phương trên địa bàn tỉnh cần chủ động tìm đối tác tốt, tăng cường năm bắt cơ chế, chính sách quản lý thương mại biên giới. Cùng đó là xây dựng kế hoạch thu mua, xuất khẩu lâu dài. Đồng thời chủ động đầu tư hệ thống máy móc chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã hàng xuất khẩu, đáp ứng tốt các tiêu chuẩn theo quy định. Đặc biệt, khi đã có đủ năng lực, sản phẩm đạt tiêu chuẩn về chất lượng thì các doanh nghiệp nên xuất khẩu chính ngạch, điều này không chỉ đảm bảo quyền lợi cho doanh nghiệp mà còn tạo vị thế và nâng cao giá trị gia tăng kinh tế của sản phẩm hàng địa phương xuất khẩu.
Nhằm đẩy mạnh hàng địa phương xuất khẩu, thời gian qua, các cơ quan chức năng cũng đã chủ động tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Công thương đã chủ động giới thiệu, quảng bá sản phẩm địa phương thông qua các hoạt động thương mại giữa Lạng Sơn (Việt Nam) và Quảng Tây (Trung Quốc), điều này góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu hàng địa phương sang thị trường Trung Quốc. Cùng đó, Sở Công thương tạo điều kiện cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa một cách thuận tiện nhất cho các doanh nghiệp địa phương.
Lạng Sơn có nhiều sản phẩm nông, lâm sản đặc sản có giá trị kinh tế cao như: hoa hồi, thạch đen, na… Đặc biệt, với lợi thế là sản phẩm thu hoạch ngay trên địa bàn, cước phí vận chuyển trong hoạt động xuất khẩu đã giảm tối đa, đây cũng là một yếu tố thuận lợi để doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh xuất khẩu hàng địa phương hơn nữa.
TRÍ DŨNG
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()