Đẩy mạnh xuất khẩu gạo chất lượng cao
Theo Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), trong năm 2018, phân khúc gạo chất lượng cao sẽ tiếp tục chiếm ưu thế và đây là xu hướng tốt trong bối cảnh Việt Nam không ngừng nỗ lực thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu.
Thực tế, trong những năm gần đây, các loại gạo trắng chất lượng cao, gạo thơm luôn có tỷ trọng xuất khẩu tăng theo từng năm. Đối với gạo trắng cao cấp, năm 2016, tỷ trọng xuất khẩu chiếm 21,65% tổng khối lượng xuất khẩu toàn ngành, đến năm 2017 đạt 24,33%. Còn gạo thơm, năm 2016 chiếm 28,47% tỷ trọng khối lượng xuất khẩu toàn ngành, đến năm 2017 chiếm 29,22%. Ngoài ra, phân khúc gạo đặc sản, gạo nếp cũng ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong tỷ trọng xuất khẩu gạo. Đáng chú ý, trong năm 2017, có những thời điểm giá gạo trong nước cũng như xuất khẩu vào nhiều thị trường có sự giảm sút, thì giá xuất khẩu gạo thơm của các doanh nghiệp vẫn ổn định do nhu cầu tăng mạnh từ thị trường nội địa Trung Quốc, Hồng Công (Trung Quốc), Ga-na, Bờ Biển Ngà…
Trước nhu cầu ngày càng cao của thị trường thế giới về các loại gạo chất lượng cao, trong năm 2017, Bộ Công thương đã khuyến cáo ngành nông nghiệp cần bố trí cơ cấu giống linh hoạt theo tín hiệu thị trường, định hướng sử dụng nhóm lúa chất lượng cao chiếm khoảng 50%; giống lúa thơm chiếm khoảng 25%; giống nếp, đặc sản địa phương khoảng 15% và giống chất lượng trung bình chỉ chiếm 10% trong tổng diện tích gieo trồng. Trên thực tế, thời gian qua, nông dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đã tăng diện tích trồng các loại lúa chất lượng cao như OM 4900, OM 6976, ST 21, Long Hồ 8 và các loại lúa thơm như Đài Thơm 8, Jasmine.
Việc xuất khẩu gạo chất lượng cao đang là một xu hướng tốt và đem lại lợi nhuận lớn cho người trồng lúa cũng như doanh nghiệp xuất khẩu. Tuy nhiên, hiện nay giá bán các loại gạo này của Việt Nam vẫn ở mức khá khiêm tốn, như OM 4900 có giá trung bình khoảng 500 USD/tấn; ST 21 giá 520 USD/tấn, còn gạo nếp dao động 440 đến 460 USD/tấn. Trong khi đó, giá gạo thơm Hom mali của Thái- lan đạt xấp xỉ 1.000 USD/tấn, gạo thơm của Cam-pu-chia khoảng 800 USD/tấn. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra đối với xuất khẩu gạo chất lượng cao của nước ta là làm sao nâng cao giá trị thương hiệu cũng như bảo đảm chất lượng đồng đều của các lô hàng để ngày càng nâng cao giá bán. Ngoài yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, các doanh nghiệp cần chú ý đến việc xuất khẩu gạo thơm giống thuần chủng, có xác nhận vì nếu trồng lúa thơm lẫn với lúa thường thì chất lượng gạo sẽ bị ảnh hưởng do hiện tượng thụ phấn chéo. Ngoài ra, cần có các biện pháp hữu hiệu, cứng rắn để ngăn chặn triệt để tình trạng một số doanh nghiệp xuất khẩu dựa vào nhu cầu tăng cao của thị trường cho nên mua gạo thơm không bảo đảm chất lượng hoặc trà trộn thêm gạo không cùng loại để bán với giá cạnh tranh, gây tổn hại đến sản phẩm chất lượng thật. Quan trọng hơn, cần đẩy mạnh khâu xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm để người tiêu dùng trên thế giới ngày càng biết và sử dụng nhiều hơn các loại gạo chất lượng cao của Việt Nam. Từ đó mở rộng thị trường phân khúc gạo này, tránh tình trạng phụ thuộc vào những thị trường quen thuộc, truyền thống như đã từng xảy ra với những mặt hàng gạo thường của nước ta.
Theo Nhandan
Ý kiến ()