Thứ 3, 08/04/2025 00:33 [(GMT +7)]
Đẩy mạnh XHH giáo dục và xây dựng xã hội học tập
Thứ 4, 23/06/2010 | 08:23:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Trước yêu cầu của việc đào tạo nguồn nhân lực cho việc đẩy mạnh sự nghiệp CNH-HĐH, ngày 14/7/2006, Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy đã ra Chỉ thị số 07-CT/TU về việc đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục (XHHGD) và xây dựng xã hội học tập (XHHT) giai đoạn 2006-2010. Trong quá trình thực hiện, nhiều kết quả đã được khẳng định, song cũng còn một số tồn tại cần khắc phục…
![]() |
Các học viên lớp bổ túc THCS ở xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn |
Xây dựng XHHT- từ “khẩu hiệu” đến hành động
Cụm từ “xã hội học tập” rất ngắn gọn, song được thực hiện ở nước ta chưa đầy 10 năm; với nhân dân Lạng Sơn lại càng mới. Song quán triệt và thực hiện Chỉ thị 07 của BTV Tỉnh ủy, các cấp ủy đảng, chính quyền, các đoàn thể và nòng cốt là ngành GD đã đẩy mạnh tuyên truyền; đồng thời xây dựng và nhân rộng mô hình. Muốn xây dựng XHHT, sự cần thiết phải đưa công tác XHHGD vào chiều sâu. Cùng với tuyên truyền, UBND tỉnh đã ban hành Đề án XHH các hoạt động giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, TDTT; chỉ đạo kiện toàn và đưa Hội Khuyến học các cấp vào hoạt động; giao cho ngành GD đẩy mạnh thực hiện chính sách XHH theo Nghị định 69/2008 của Chính phủ; đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm Học tập cộng đồng (TTHTCĐ) và đưa vào hoạt động có hiệu quả. Nhân dân Lạng Sơn vốn thiết tha với GD, nhiều cấp ủy đảng đã quan tâm đến GD và coi GD là chìa khóa cho phát triển, nên công tác lãnh đạo, chỉ đạo đi vào những phần việc cụ thể. Trong 5 năm qua, tỷ lệ huy động trẻ ra nhà trẻ tăng 5,4% (đạt 22,3%); huy động ra lớp mẫu giáo đạt 93% (tăng 10%); huy động trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 99,6%; huy động vào lớp 6 đạt 98% và tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào lớp 10 đạt 86,79%. Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, chỉ trong 3 năm (2007-2009) ngành GD đã được đầu tư trên 386 tỷ đồng để xây dựng phòng học, phòng chức năng, nhà công vụ cho GV và các công trình phụ trợ theo hướng chính quy hóa, hiện đại hóa; việc xây dựng trường MN nông thôn được coi trọng. Việc thực hiện Nghị định 43/NĐ-CP của Chính phủ về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính của các nhà trường đã góp phần “khơi thông” những gò bó, tạo điều kiện cho các nhà trường hoạt động theo hướng “mở”. Công tác XHHGD đã có những bước tiến lớn. Bằng hành động thiết thực, các cấp ủy đảng, chính quyền và toàn hệ thống chính trị đã và đang “góp sức” cho GD phát triển với những hình thức rất cụ thể phù hợp với tình hình GD ở từng địa phương. Hàng chục ngàn bộ quần áo, sách vở giấy viết, thậm chí cả dày dép… cho học sinh vùng cao đã tạo “lực hút” các cháu tới trường. Riêng cán bộ, viên chức ngành GD đã đóng góp gần 2,8 tỷ đồng hỗ trợ xây nhà công vụ, hỗ trợ HSSV nghèo, hỗ trợ phổ cập; các đơn vị ngoài tỉnh đã đóng góp gần 1 tỷ đồng và nhiều quần áo sách vở đồ dùng học tập cho GD Lạng Sơn. Nhiều hộ dân đã hiến tặng hàng ngàn m2 đất cho xây dựng mở mang trường lớp học. Công tác khuyến học (KH) khuyến tài được đẩy mạnh với trên 35.000 hội viên hoạt động tại 2070 chi hội của 215/226 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Các Trung tâm học tập thường xuyên hoạt động tốt hơn; trung tâm HTCĐ được xây dựng và có chương trình hoạt động, trong 3 năm 2007-2009 đã thu hút trên 350.000 lượt công dân đến học tập.
Phải nói rằng, với Chỉ thị 07 của BTV Tỉnh ủy, công tác XHHGD và xây dựng XHHT ở Lạng Sơn có những bước tiến mới, đã chuyển mạnh từ nâng cao nhận thức đến hành động thực tiễn.
Vẫn còn đó những khó khăn
Vẫn là tâm lý ỷ lại trông chờ vào nhà nước; vẫn còn tư tưởng “khoán trắng” GD cho ngành GD nên mức huy động chưa xứng với tiềm năng. Bản thân các nhà trường vẫn còn hạn chế trong quản lý; việc thực hiện “tự chủ” vẫn còn nhiều lúng túng. Chúng ta mới chỉ đáp ứng được nhu cầu học tập chính quy và một phần nhu cầu học tập không chính quy. Việc thành lập mới các trường ngoài công lập còn khó khăn, “sức ép” về giáo dục mầm non ở khu vực thành phố còn rất lớn, vì nhân dân chưa có được nhận thức mới về cơ sở GD ngoài công lập. Mô hình XHHT ở nông thôn đã hình thành (xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng) song việc nhân rộng còn nhiều khó khăn. Tuy Trung tâm HTCĐ đã phủ khắp, song trên thực tế sự hoạt động còn nghèo nàn, nhiều nơi còn lúng túng về phương thức và kinh phí hoạt động.
Những tồn tại ấy là kết quả tất nhiên của một quá trình chuyển đổi tư duy và hành động ở một tỉnh có tỷ lệ dân số khu vực nông thôn cao, nhiều xã vùng cao, vùng ĐBKK. Sự cần thiết phải thực hiện tất cả các nội dung của Chỉ thị 07 mà cốt lõi là tăng cường sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng, khâu tổ chức thực hiện của chính quyền; tuyên truyền sâu hơn rộng hơn để thực hiện có hiệu quả hơn, tránh tư tưởng cho rằng GD là của ngành GD. Được như vậy, chúng ta sẽ nhanh hơn theo phương châm “đi tắt đón đầu”, cùng cả nước xây dựng một “xã hội học tập”.

Poll
Ý kiến ()