Đẩy mạnh xây dựng vùng cơ sở an toàn dịch bệnh
Tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017 của ngành thú y, ông Đàm Xuân Thành, Phó cục trưởng Cục Thú y cho biết, năm 2017, một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành là phối hợp với các địa phương đẩy mạnh phong trào xây dựng vùng cơ sở an toàn dịch bệnh.
Đây là yếu tố quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Hội nghị do Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức ngày 16/12, tại Hà Nội.
Theo ông Đàm Xuân Thành, ưu điểm của vùng cơ sở an toàn dịch bệnh là không phải thực hiện kiểm dịch trong quá trình vận chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác. Điều này sẽ tạo điền kiện cho các tổ chức và cá nhân hưởng ứng phong trào xây dựng vùng cơ sở an toàn dịch bệnh. Do đó, sẽ tạo thuận lợi cho việc phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, từ Trung ương đến địa phương có các kế hoạch phòng chống dịch chủ động.
Ông Thành cũng lưu ý, trong dịp Tết Nguyên đán săp tới, nhu cầu sử dụng thực phẩm tăng cao, tình hình vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm vì thế cũng gia tăng. Do đó, các địa phương không thể lơ là trong phòng chống dịch, có kế hoạch túc trực 24/24h nhằm đảm bảo phát hiện dịch sớm để có kế hoạch khống chế kịp thời.
Ông Phạm Văn Đông , Cục trưởng Cục Thú y cho biết, hiện nay thời tiết diễn biến bất thường nên nguy cơ bùng phát dịch bệnh là rất cao, do đó các địa phương cần chủ động các biện pháp phòng, chống khi có dịch, bệnh xảy ra.
Do đó, Cục Thú y đề nghị trong năm 2017 các địa phương tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh cúm gia cầm, tai xanh lợn, lở mồm long móng, bệnh dại động vật. Bên cạnh đó, các địa phương triển khai tiêm phòng vắc xin sớm để chủ động phòng bệnh trước thời điểm có thể xảy ra diễn biến bất thường của thời tiết. Đồng thời vệ sinh, khử trùng tiêu độc, dự phòng vắc xin và hóa chất để xử lý ổ dịch; lập phương án dự trữ thức ăn, nước uống cho đàn vật nuôi kết hợp tăng cường chăm sóc nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi.
Cùng với đó, các địa phương chủ động tăng cường giám sát chặt địa bàn, nhằm phát hiện xử lý kịp thời các ổ dịch trên đàn gia súc, gia cầm, không để lây lan ra diện rộng. Đồng thời, tăng cường thông tin tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức của các hộ nuôi về các loại dịch, bệnh và các biện pháp phòng, chống.
Ông Đàm Xuân Thành cho biết, năm 2016 các dịch bệnh trên gia súc, gia cầm cơ bản được khống chế. Tuy nhiên vẫn xảy ra một số ổ dịch nhỏ lẻ ở hộ chăn nuôi, nhưng do phát hiện sớm nên đã khống chế kịp thời không để lây lan ra diện rộng. Có được thành công này là Việt Nam đã chuyển được từ hình thức chạy theo dịch sang phòng chống dịch chủ động. Từ Trung ương đến địa phương đã có kế hoạch phòng chống dịch cụ thể.
Bên cạnh đó, từ ngày 1/7/2016, Luật Thú y có hiệu lực, thẩm quyền công bố dịch ở cấp độ nhỏ thì chính quyền cấp huyện có thể quyết định công bố dịch. Chính vì vậy, việc phát hiện và xử lý dịch ngay trong diện hẹp đã hạn chế lây lan ra diện rộng.
Tuy nhiên, việc triển khai phòng, chống dịch bệnh vẫn còn nhiều bất cập như hệ thống thú y địa phương không đồng nhất và thiếu ổn định. Bên cạnh đó, thời tiết diễn biến bất thường làm giảm sức đề kháng của vật nuôi cũng như nguy cơ bùng phát dịch bệnh cao. Tại một số địa phương, việc cập nhật các văn bản chỉ đạo còn chậm, xử lý ổ dịch chưa đảm bảo theo yêu cầu kỹ thuật…/.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()