Đẩy mạnh xây dựng môi trường văn hóa học đường
– Nhằm xây dựng, phát triển trường học thành môi trường giáo dục lành mạnh, thời gian qua, ngành giáo dục tỉnh đã quan tâm giáo dục văn hóa ứng xử, kỹ năng sống cho học sinh, qua đó, góp phần xây dựng môi trường văn hóa học đường.
Toàn tỉnh hiện có 674 đơn vị trường học với tổng số hơn 200.000 học sinh; trên 20.500 cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên, nhân viên. Những năm qua, bên cạnh việc đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, ngành giáo dục và đào tạo tập trung triển khai hiệu quả Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, giai đoạn 2018 – 2025” theo Quyết định 1299/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cùng đó là Chỉ thị 08/CT-TTg ngày 1/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường.
Học sinh Trường THPT Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn tham gia hoạt động tại tuần sinh hoạt công dân do nhà trường phối hợp tổ chức
Tìm hiểu tại Trường THPT Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn về thực hiện công tác này, thầy Đặng Ngọc Tú, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học mới 2022 – 2023, toàn trường có 30 lớp với gần 1.200 học sinh, trong đó, có hơn 400 học sinh đầu cấp khối lớp 10. Để chuẩn bị bước vào năm học này, cuối tháng 8/2022, nhà trường đã tổ chức “Tuần sinh hoạt công dân”. Tại đây, ngoài truyên truyền, định hướng tích cực cho các em trong việc xây dựng nét đẹp văn hóa ứng xử học đường, nhà trường còn phối hợp với các đơn vị như Thành đoàn, Đoàn Thanh niên Công an tỉnh phổ biến kiến thức về phòng, chống tệ nạn xã hội, ma túy và phòng tránh bạo lực học đường trong nhà trường. Qua đó, góp phần giúp các em học sinh hình thành hành vi, hành động đúng, lối sống đẹp.
Tương tự, tại Trường Tiểu học thị trấn Bình Gia, huyện Bình Gia, năm học 2021 – 2022 vừa qua, 100% học sinh được xếp loại đạt về năng lực và phẩm chất, hoàn thành chương trình môn học, lớp học; tỉ lệ chuyển lớp đạt 100%. Cô Hà Kim Oanh, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Trường hiện có 400 học sinh. Với phương châm xây dựng trường tiểu học văn hóa, tạo dựng sự tin tưởng cho phụ huynh, từ đầu năm học, nhà trường đã xây dựng kế hoạch đưa nội dung giáo dục đạo đức lối sống, xây dựng môi trường văn hóa vào các buổi sinh hoạt tập thể, hoạt động ngoại khóa, giáo dục ngoài giờ lên lớp; các buổi chào cờ, sinh hoạt lớp, trải nghiệm sáng tạo… dạy cho các em học sinh cách ứng xử từ những điều nhỏ nhất như: văn hóa xếp hàng, tự phục vụ, cách xưng hô với bạn bè, thái độ khi giao tiếp ứng xử với những người xung quanh…
Nhận thức rõ tầm quan trọng của văn hóa ứng xử, xây dựng môi trường văn hóa học đường, những năm qua, ngành giáo dục tỉnh đã chỉ đạo các nhà trường đẩy mạnh triển khai thực hiện xây dựng môi trường học đường văn hoá. Do đó, không chỉ có 2 trường học kể trên mà nhiều trường học từ cấp mầm non đến phổ thông trên địa bàn tỉnh đã lồng ghép, tích hợp giáo dục văn hóa học đường cho học sinh vào hoạt động giảng dạy chính khóa các môn học, cân đối giữa dạy “chữ” và dạy “người”, trong đó, bậc mầm non là giáo dục lễ giáo, bậc tiểu học là môn đạo đức, bậc trung học là môn giáo dục công dân. Cùng đó, các trường sử dụng website nội bộ, fanpage… để đẩy mạnh hoạt động truyền thông; đặc biệt, chú trọng việc kết nối, phối hợp với gia đình, ban đại diện cha mẹ học sinh để giáo dục học sinh (100% đơn vị trường học đều yêu cầu các lớp thành lập nhóm zalo riêng để phối hợp với phụ huynh trong trao đổi thông tin).
Em Vy Văn Lượng, học sinh lớp 10A1, Trường Phổ thông dân tộc nội trú THCS-THPT Cao Lộc cho biết: Ở trường nội trú, sinh hoạt và học tập trong môi trường tập thể, xa nhà nên ngoài việc học tập, các thầy cô còn thường xuyên dạy bảo, hướng dẫn chúng em về văn hóa ứng xử, giao tiếp trong và ngoài nhà trường và các kỹ năng sống khác. Qua đó, chúng em học được nhiều điều hay, lẽ phải, sinh hoạt nền nếp, lành mạnh và luôn tôn trọng thầy cô, bạn bè, luôn phấn đấu trong học tập, rèn luyện.
Cùng với công tác tuyên truyền, các trường đã chú trọng xây dựng bộ quy tắc ứng xử (100% trường học đều áp dụng); phát động phong trào giáo viên giúp đỡ học sinh tiến bộ không chỉ về học tập mà còn tiến bộ về đạo đức. Cụ thể, năm học 2021 – 2022 vừa qua, có 12.246 giáo viên tham gia giúp đỡ hơn 26.000 học sinh tiến bộ về học tập và đạo đức, trong đó, có 64,2% học sinh tiến bộ rõ rệt và 34,6% học sinh có tiến bộ. Với việc thực hiện các hoạt động giáo dục văn hóa, đạo đức phù hợp cho học sinh, trong 2 năm học trở lại đây tỉ lệ học sinh cấp THCS, THPT đạt hạnh kiểm khá, tốt luôn đạt trên 96%.
Cùng với các giải pháp trên, các trường còn tổ chức, hướng dẫn, vận động, thu hút học sinh tham gia các hoạt động văn hóa – văn nghệ, thể dục – thể thao,… mang đến cho học sinh nhiều sân chơi bổ ích, hấp dẫn. Bên cạnh đó, các trường học còn tăng cường định hướng giúp học sinh sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin, mạng xã hội trong học tập, rèn luyện, hướng nghiệp, giải trí lành mạnh và ứng xử văn hóa trên môi trường mạng… góp phần xây dựng trường học văn hóa, văn minh.
Ý kiến ()