Đẩy mạnh xã hội hoá: Thêm nguồn lực lớn cho giáo dục
– Năm học 2021 – 2022 vừa qua, công tác xã hội hóa giáo dục được ngành giáo dục tỉnh chú trọng, đẩy mạnh triển khai và đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần phát triển các loại hình trường, lớp, hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em có thêm điều kiện tới trường.
Trong điều kiện các nguồn lực đầu tư cho giáo dục còn hạn chế, công tác xã hội hóa là giải pháp quan trọng để nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập cho ngành giáo dục, góp phần đảm bảo chất lượng giáo dục, đặc biệt là tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới. Nhận thấy rõ điều này, những năm qua, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã chỉ đạo các đơn vị trường học linh hoạt triển khai công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục.
Đại diện doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tặng quà học sinh nhân dịp khánh thành, bàn giao phòng học từ nguồn xã hội hóa tại xã Trấn Yên, huyện Bắc Sơn
Trên cơ sở hướng dẫn của ngành, hằng năm, các đơn vị giáo dục, trường học đã xây dựng kế hoạch về công tác xã hội hóa giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, từ đó vận động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ tiền, ngày công lao động, hiến đất… để bổ sung trang thiết bị, xây dựng trường, lớp học . Qua đó, từ năm học 2021 – 2022 đến nay, toàn ngành đã huy động được trên 10 tỷ đồng, hơn 7.300 m2 đất và trên 72.300 ngày công lao động để xây dựng trường, lớp học.
Ông Nông Minh Nhường, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bình Gia cho biết: Toàn huyện có 57 trường từ cấp mầm non đến THCS, trong đó có 38 trường học ở khu vực III, nơi điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, nhiều nơi hệ thống phòng, lớp học chưa đảm bảo. Do đó, Phòng GD&ĐT huyện đã yêu cầu các nhà trường linh hoạt trong vận động xã hội hóa giáo dục, phối hợp với chính quyền cơ sở tuyên truyền, vận động người dân tham gia hiến đất, hỗ trợ ngày công lao động để xây dựng, mở rộng khuôn viên trường lớp, đảm bảo môi trường học tập, sinh hoạt của học sinh, qua đó, được người dân đồng tỉnh ủng hộ và đã hiến 3.848 m2 đất.
Còn tại Trường Tiểu học – THCS xã Thống Nhất, huyện Lộc Bình, trước năm học 2021 – 2022, trường chỉ có 10 lớp học trong khi số học sinh là hơn 400 em, không đáp ứng yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày đối với cấp tiểu học. Trong năm học vừa qua, nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, kêu gọi xã hội hóa, trường đã được hỗ trợ đầu tư xây dựng thêm phòng học khang trang. Cô Tô Thu Hà, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Cụ thể trong năm học 2021 – 2022, thông qua huy động xã hội hóa, trường được Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh Lạng Sơn hỗ trợ 5 tỷ đồng, (UBND huyện đối ứng 2 tỷ đồng) để đầu tư xây dựng trường, lớp học. Theo đó, nhà trường được xây thêm 12 phòng học, 6 phòng vệ sinh khép kín và các hạng mục phụ trợ cùng hệ thống đèn chiếu sáng đáp ứng tốt hơn cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học.
Ngoài huy động xã hội hóa đầu tư cơ sở vật chất giáo dục, ngành giáo dục tỉnh còn tích cực vận động các tổ chức, đoàn thể, Nhân dân đóng góp, giúp đỡ đối với học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Qua huy động, đầu năm học 2021 – 2022, Viettel Lạng Sơn tặng quà chương trình “Vì em hiếu học” năm 2021 cho 960 học sinh tiểu học và THCS với số tiền 1,92 tỷ đồng; ủng hộ 1.615 máy tính bảng và 1.000 sim ưu đãi trị giá trên 4,3 tỷ đồng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Cùng đó, Công đoàn ngành triển khai Chương trình Sóng và máy tính cho em, huy động các đơn vị ủng hộ được trên 2,5 tỷ đồng để mua sắm thiết bị học tập cho học sinh vùng khó; phối hợp với Công ty Cổ phần sữa Việt Nam Vinamilk, sữa TH True Milk trao 650 suất quà cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.
Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động xã hội hóa đã góp phần tích cực trong đầu tư cơ sở vật chất giáo dục, giúp tỉnh nâng cao tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đến nay lên 267/674 trường (tăng 16 trường so với năm học 2020 – 2021); góp phần duy trì tỷ lệ huy động học sinh ra lớp, giảm thiểu học sinh nghỉ học và đảm bảo chất lượng phổ cập giáo dục.
Ý kiến ()