Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động công chứng
- Hiện nay nhu cầu của cá nhân, tổ chức về hoạt động công chứng, chứng thực ngày càng cao. Những năm qua, hoạt động công chứng trên địa bàn tỉnh được quan tâm đẩy mạnh xã hội hóa, đã có sự phát triển tích cực, nhiều văn phòng công chứng tư nhân được thành lập, góp phần giảm tải áp lực cho phòng công chứng Nhà nước.
Trước năm 2010, toàn tỉnh chỉ có 1 Phòng Công chứng số 1 thuộc Sở Tư pháp, 10/10 huyện chưa có tổ chức hành nghề công chứng hoạt động. Do đó mọi thủ tục, giấy tờ công chứng của người dân đều được thực hiện tại Phòng Công chứng số 1, vì vậy xảy ra tình trạng quá tải, người dân phải chờ đợi lâu để thực hiện thủ tục công chứng.
Từ thực tế đó, những năm qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp, UBND các huyện, thành phố tăng cường tuyên truyền, phổ biến các nội dung pháp luật về công chứng đến cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân. Qua các hình thức tuyên truyền, phổ biến Luật Công chứng, nhận thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của hoạt động công chứng được nâng lên rõ rệt, tạo tiền đề cho việc xã hội hóa hoạt động công chứng.
Cùng đó, UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác công chứng trên địa bàn tỉnh và khuyến khích cá nhân có đủ điều kiện tham gia thành lập văn phòng công chứng và đăng ký hoạt động trong lĩnh vực này. Đồng thời tạo điều kiện để các tổ chức hành nghề công chứng hoạt động ổn định. Thực hiện chủ trương xã hội hóa hoạt động công chứng, các văn phòng công chứng tư nhân ra đời, ngày càng tăng về số lượng, giảm tải áp lực cho phòng công chứng Nhà nước, tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các tổ chức hành nghề công chứng, đáp ứng nhu cầu của cá nhân, tổ chức.
Đơn cử như Văn phòng Công chứng Hoàng Thị Thúy Dung, phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn (trước đây là Văn phòng công chứng Ấn Vượng) là văn phòng công chứng xã hội hóa đầu tiên được thành lập trên địa bàn tỉnh. Bà Hoàng Thị Thúy Dung, Trưởng Văn phòng Công chứng cho biết: Văn phòng được thành lập từ tháng 12/2009, chính thức hoạt động từ năm 2010. Hiện nay, văn phòng có 2 công chứng viên, 8 nhân viên. Trong quá trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, công chứng viên đã giải thích cho người yêu cầu công chứng hiểu rõ về quyền, nghĩa vụ, hậu quả pháp lý phát sinh của hợp đồng, giao dịch được yêu cầu công chứng. Văn phòng thực hiện công khai phí và thu phí, thù lao công chứng theo đúng quy định. Riêng từ năm 2023 đến nay, văn phòng thực hiện công chứng trên 3.300 hợp đồng, giao dịch, chứng thực trên 15.000 bản sao, tổng số phí công chứng, chứng thực thu được trên 3 tỷ đồng, nộp ngân sách gần 400 triệu đồng.
Không riêng văn phòng công chứng trên, hiện nay, toàn tỉnh đã có 7 tổ chức hành nghề công chứng tại thành phố Lạng Sơn, huyện Cao Lộc, huyện Hữu Lũng với 14 công chứng viên, tăng 5 tổ chức hành nghề, 11 công chứng viên so với năm 2010. Riêng từ năm 2023 đến nay, các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết trên 33.000 việc công chứng, chứng thực hợp đồng giao dịch các loại với tổng số phí công chứng, chứng thực thu được trên 10 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước trên 1,5 tỷ đồng.
Anh Dương Trùng Mình, xã Công Sơn, huyện Cao Lộc cho biết: Tháng 5/2024, tôi đến Văn phòng Công chứng Trương Hải Nam tại thị trấn Cao Lộc để công chứng hợp đồng mua bán nhà đất, chứng thực các loại giấy tờ cá nhân. Tại đây tôi được cán bộ hướng dẫn tận tình, các loại phí được niêm yết công khai, thời gian giải quyết hồ sơ nhanh gọn, tạo thuận lợi cho người dân khi đến giao dịch.
Song song với việc thúc đẩy xã hội hóa hoạt động công chứng, Sở Tư pháp còn luôn quan tâm nâng cao chất lượng công chứng, chứng thực trên địa bàn, hằng năm, sở tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về công chứng, chứng thực cho đội ngũ công chứng viên, công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã trên địa bàn tỉnh. Bà Tô Thị Hợi, Trưởng Phòng Hành chính tư pháp và Bổ trợ tư pháp, Sở Tư pháp cho biết: Chúng tôi luôn tạo điều kiện, hướng dẫn các văn phòng công chứng về điều kiện, thủ tục thành lập, đăng ký hoạt động. Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động công chứng, bảo đảm an toàn pháp lý cho các bên tham gia hợp đồng giao dịch, phòng ngừa tranh chấp, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức trong hợp đồng, giao dịch, Sở Tư pháp đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành lĩnh vực công chứng theo đúng quy định của pháp luật. Các tổ chức hành nghề công chứng và đội ngũ công chứng viên đã phát triển về số lượng, từng bước nâng cao về chất lượng chuyên môn nghiệp vụ. Qua công tác chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện và kiểm tra hằng năm, cơ bản hợp đồng, giao dịch do các tổ chức hành nghề công chứng thực hiện đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về công chứng và các quy định pháp luật liên quan.
Thực tế trên cho thấy, công tác xã hội hoá hoạt động công chứng đã đảm bảo an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, đáp ứng nhu cầu của người dân, tổ chức.
Từ năm 2023 đến nay, các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết trên 33.000 việc công chứng, chứng thực hợp đồng giao dịch các loại với tổng số phí công chứng, chứng thực thu được trên 10 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước trên 1,5 tỷ đồng.
|
Ý kiến ()