Đẩy mạnh việc sản xuất thực phẩm an toàn gắn với phát triển thương hiệu
Ngày 11/6, tại Hà Nội, Báo Công Thương, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương) phối hợp tổ chức hội thảo “Sản xuất thực phẩm an toàn trong xây dựng và phát triển thương hiệu bền vững”.
Ngày 11/6, tại Hà Nội, Báo Công Thương, Vụ Khoa học và Công nghệ, Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương) phối hợp tổ chức hội thảo “Sản xuất thực phẩm an toàn trong xây dựng và phát triển thương hiệu bền vững”.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho rằng, là một ngành có nhiều đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế quốc dân, ngành công nghiệp thực phẩm trong thời gian qua đã có những bước phát triển vượt bậc. Nhiều sản phẩm của Việt Nam không chỉ tạo dựng được chỗ đứng trong nước mà còn vươn ra ngoài thế giới, có sức cạnh tranh cao và dần thay thế được hàng ngoại nhập.
Để tạo điều kiện cho ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam phát triển một cách mạnh mẽ và bền vững, Đảng và Nhà nước ta đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với việc phát triển ngành công nghiệp thực phẩm và tiêu dùng, trong đó tập trung vào các mục tiêu cụ thể như tăng cường bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của nhân dân. Trong thời gian qua, ngành công nghiệp thực phẩm của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nhất định, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể như ngành sữa, với tốc độ tăng trưởng bình quân trên 20%/năm đã góp phần giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 10.000 lao động với mức thu nhập bình quân trên 8 triệu đồng/người/tháng. Hay như ngành sản xuất bánh kẹo trong năm vừa qua đã đạt sản lượng trên 100.000 tấn với tổng giá trị thị trường khoảng trên 8.000 tỷ đồng và được dự báo giai đoạn 2011 –2014 sẽ đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 8 -10%/năm.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp thực phẩm vẫn còn tồn tại nhiều bất cập như: nguyên liệu trong nước còn chưa đáp ứng đủ cho nhu cầu sản xuất nên vẫn phải nhập khẩu; dây chuyền thiết bị nhiều nơi còn lạc hậu, thiếu đồng bộ; đội ngũ cán bộ có trình độ cao còn thiếu dẫn đến việc vận hành, quản lý và kiểm soát còn thiếu chặt chẽ…
Do đó, theo ông Nguyễn Phương Nam –Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công Thương, để có thể xây dựng và phát triển thương hiệu một cách bền vững, các doanh nghiệp cần phải tương trợ lẫn nhau trong việc ứng phó và xử lý khủng hoảng. Thông qua các Hội, Hiệp hội để tạo cầu nối giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Qua đó thiết lập một kênh thông tin riêng để có thể tiếp thu và giải quyết thắc mắc cũng như phản hồi của khách hàng về sản phẩm.
Ngoài ra, do đặc thù ngành công nghiệp thực phẩm có số lượng doanh nghiệp tham gia khá đông so với các ngành kinh tế khác, nên để giảm thiểu các hành vi cạnh tranh không lành mạnh diễn ra, các cơ quan chức năng cần có chế tài và hình thức xử lý mạnh hơn để răn đe các doanh nghiệp thiếu tôn trọng khách hàng, cạnh tranh bằng những chiêu thức không lành mạnh, qua đó góp phần ổn định thị trường, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()