Chủ nhật, 24/11/2024 23:29 [(GMT +7)]
Ðẩy mạnh và nâng cao chất lượng Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"
Thứ 3, 18/05/2010 | 07:50:00 [(GMT +7)] A A
Tổ chức sơ kết bốn năm thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là một nội dung quan trọng mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang tiến hành để thiết thực kỷ niệm 120 năm Ngày sinh của Người. Nhân dịp này, phóng viên Báo Nhân Dân phỏng vấn đồng chí TÔ HUY RỨA, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, Phó Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư Cuộc vận động, về những nội dung nói trên. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc nội dung cuộc phỏng vấn.
PV: Thưa đồng chí, xin đồng chí đánh giá khái quát tình hình và kết quả nổi bật đã đạt được sau hơn ba năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và những nhiệm vụ cơ bản cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.
Đồng chí Tô Huy Rứa: Tổng hợp tình hình trong hơn 3 năm qua cho thấy, với sự cố gắng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã được triển khai sâu rộng và đạt những kết quả quan trọng.
Trong công tác tổ chức, chỉ đạo, cấp ủy các cấp đã có nhận thức ngày càng rõ hơn ý nghĩa của Cuộc vận động, thật sự coi đây là một nhiệm vụ chính trị quan trọng, một nội dung của công tác xây dựng Đảng, nhiệm vụ thường xuyên trong sinh hoạt đảng và triển khai có hiệu quả Cuộc vận động nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương, đơn vị. Từ đó, đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết, thi đua khen thưởng…, làm cho việc thực hiện Cuộc vận động được tiến hành mạnh mẽ hơn, thống nhất, đồng bộ trong cả nước.
Trên thực tế, các ngành, địa phương có các hình thức rất phong phú, sinh động, sáng tạo trong tổ chức học tập, tuyên truyền, giới thiệu nội dung tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác, hướng dẫn xây dựng chương trình làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Nội dung Cuộc vận động đã gắn kết chặt chẽ với thực hiện nhiệm vụ chính trị, các cuộc vận động, phong trào thi đua do Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị – xã hội, các ngành, địa phương phát động. Công tác tuyên truyền về Cuộc vận động được đẩy mạnh, góp phần làm cho tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có tác động ngày càng rõ đến nhận thức, tình cảm của nhiều người, phát huy mặt tích cực, trong sáng, trách nhiệm của mỗi người với đất nước, xã hội và nhân dân.
Trong xã hội, kết quả triển khai Cuộc vận động đã thể hiện rõ hơn bằng những chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động rèn luyện đạo đức, lối sống theo gương Bác Hồ. Xã hội đã quan tâm hơn đến vấn đề đạo đức, về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Phục vụ cho Cuộc vận động đã có rất nhiều sách, báo về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và về Cuộc vận động được xuất bản. Cuộc vận động đã tạo nên một khí thế chung phấn khởi, đoàn kết ở nhiều địa phương. Theo kết quả điều tra dư luận xã hội năm 2009 của Ban Tuyên giáo Trung ương, Cuộc vận động được đánh giá là sự kiện có kết quả đáng phấn khởi nhất trong 35 sự kiện được coi là có kết quả trong năm. Qua thực tiễn triển khai, đã phát hiện ngày càng nhiều những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, cả trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống và trong thực hiện nhiệm vụ chính trị. Hằng năm các tỉnh, thành phố đã biểu dương, khen thưởng hàng trăm tập thể, cá nhân gương mẫu, có việc làm cụ thể, thiết thực trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tại Hội nghị toàn quốc gặp mặt, giao lưu tọa đàm giữa các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến tổ chức tháng 1 năm nay đã có 68 tập thể và 144 cá nhân được Ban Chỉ đạo Trung ương biểu dương, khen thưởng.
Kết quả làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã thể hiện ngày càng rõ hơn, gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, trực tiếp giải quyết các vấn đề nổi cộm, bức xúc của ngành, địa phương, đơn vị, trong quan hệ trực tiếp với nhân dân, nhất là ở cơ sở. Đó là ý thức trách nhiệm của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp trong giải quyết các công việc liên quan đến đời sống hằng ngày của nhân dân được nâng lên. Trách nhiệm và tinh thần phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức có chuyển biến tích cực. Lề lối làm việc được chú ý sửa đổi; cải cách hành chính được đẩy mạnh. Các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… đã xác định rõ hơn nhiệm vụ và quyết tâm vượt qua khó khăn, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, coi đó là biểu hiện cụ thể nhất học tập và làm theo Bác. Qua học tập đạo đức Hồ Chí Minh ý thức tiết kiệm, chống quan liêu, lãng phí thể hiện ngày càng rõ. Tinh thần tương thân, tương ái trong xã hội theo truyền thống dân tộc đang ngày càng được phát huy. Công tác xây dựng Đảng được quan tâm hơn và có kết quả tích cực. Các tổ chức cơ sở đảng đã thật sự lấy việc làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một trong những tiêu chuẩn đánh giá đảng viên. Các vụ việc tham nhũng, tiêu cực lớn, vi phạm tiêu chuẩn đạo đức, lối sống bị xử lý kỷ luật… của tổ chức đảng và đảng viên có xu hướng giảm. Ở một số nơi, vai trò nêu gương của cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên đã được quan tâm, công bố công khai và có tác dụng tích cực, nhân rộng. Những kết quả phát triển kinh tế – xã hội ba năm qua, đặc biệt năm 2009 với tác động rất lớn của khủng hoảng kinh tế toàn cầu, đã có sự đóng góp của việc thực hiện Cuộc vận động.
Tuy nhiên, với tinh thần nghiêm túc, nhìn thẳng vào sự thật, chúng ta cũng thấy những kết quả đạt được chưa như mong muốn. Thể hiện rõ nhất là nhận thức chung về Cuộc vận động trong Đảng và trong xã hội còn chưa thật đầy đủ, sâu sắc; công tác lãnh đạo, chỉ đạo còn nhiều hạn chế. Kết quả triển khai Cuộc vận động chưa đồng đều, chưa bền vững. Sự phối hợp trong triển khai Cuộc vận động giữa các tổ chức chính trị – xã hội chưa chặt chẽ. Các hoạt động gắn kết, lồng ghép nội dung Cuộc vận động với thực hiện nhiệm vụ chính trị và các phong trào thi đua, các cuộc vận động khác còn lúng túng, thiếu thống nhất; có nơi, có lúc thực hiện chưa tốt. Công tác tuyên truyền chưa thật mạnh mẽ, thường xuyên, liên tục, nội dung còn đơn điệu, thiếu hấp dẫn; tuyên truyền trên in-tơ-nét còn nhiều hạn chế… Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các cấp đang triển khai nhiều biện pháp để khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trên.
Nhiệm vụ cơ bản triển khai Cuộc vận động từ nay đến cuối năm là tổ chức học tập chủ đề “Tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, “là đạo đức, là văn minh” gắn với việc tiến hành đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội XI của Đảng và kỷ niệm những ngày lễ lớn, trọng đại của đất nước, của dân tộc, trước mắt là kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 65 năm thành lập nước, 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Triển khai Cuộc vận động còn nhằm hoàn thành thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2010, tạo không khí phấn khởi, tự hào của toàn Đảng, toàn dân tiến tới Đại hội XI của Đảng.
Việc tổng kết thực hiện Cuộc vận động sau bốn năm, đánh giá đúng các việc đã làm được, chưa làm được, rút ra những kinh nghiệm đề xuất với Đại hội đảng các cấp và Đại hội XI là công việc quan trọng, có ý nghĩa trước mắt và lâu dài, sẽ được tiến hành từ cơ sở đến toàn quốc, hoàn thành trong khoảng tháng 11-2010. Triển khai mạnh mẽ, có hiệu quả Cuộc vận động theo chương trình, kế hoạch năm 2010 có ý nghĩa thiết thực đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta hiện nay và trực tiếp phục vụ cho việc tổ chức thành công Đại hội XI của Đảng, bầu cử Quốc hội khóa XIII vào đầu năm 2011.
PV: Xin đồng chí cho biết những bài học kinh nghiệm nào cần được tổng kết để tiếp tục nâng cao chất lượng Cuộc vận động lớn.
Đồng chí Tô Huy Rứa: Hằng năm, Trung ương và các địa phương đều tiến hành sơ kết, tổng kết triển khai Cuộc vận động nói chung và từng lĩnh vực hoạt động cụ thể, rút ra những kinh nghiệm, những bài học để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động. Có thể nhấn mạnh một số bài học kinh nghiệm chung như sau:
Một là, phải quan tâm, quán triệt kỹ, trước hết là trong các cấp ủy đảng, cán bộ chủ chốt các cấp, để có nhận thức đúng đắn về mục đích, yêu cầu, ý nghĩa, tầm quan trọng của Cuộc vận động, qua đó xác định rõ trách nhiệm và quyết tâm lãnh đạo; không chủ quan nóng vội, cũng không được do dự, chậm trễ.
Hai là, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, Ban Chỉ đạo các cấp và trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan là vô cùng quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong huy động toàn Đảng, toàn dân tham gia. Sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, trong đó có cơ quan quản lý nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội, có ý nghĩa rất lớn đối với kết quả triển khai Cuộc vận động hiện nay.
Ba là, cần gắn “học tập” với “làm theo” tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, từ xác định mục tiêu, lý tưởng phấn đấu, đến thực hiện những công việc bình thường, cụ thể hằng ngày, ai cũng có thể và cần phải làm theo. Quan tâm xây dựng các chuẩn mực đạo đức phù hợp với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức ở mỗi vị trí công tác để hướng dẫn mọi người làm theo. Đồng thời, phải xây dựng và ban hành các quy chế thực hiện để kiểm tra, giám sát; để các đoàn thể, nhân dân cùng tham gia giám sát cán bộ, đảng viên làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Chú trọng giải quyết các vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống hằng ngày của người dân để tăng thêm niềm tin và động viên nhân dân tham gia.
Bốn là, gắn nội dung triển khai Cuộc vận động với thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, địa phương, với việc triển khai các phong trào khác. Coi thực hiện Cuộc vận động nhằm tạo nên sự thống nhất tư tưởng và hành động, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị là giải pháp cơ bản, lâu dài, góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của đất nước, thắng lợi của sự nghiệp cách mạng; đồng thời góp phần trực tiếp vào giải quyết các nhiệm vụ trước mắt của công tác xây dựng Đảng.
Năm là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bảo đảm thường xuyên, liên tục, sâu rộng, đến tất cả các đối tượng trong xã hội với những hình thức phù hợp, hấp dẫn. Kết hợp tuyên truyền về tư tưởng, tấm gương đạo đức của Bác và tuyên truyền về những gương điển hình học tập, làm theo để có sức thuyết phục cao. Phát huy vai trò hướng dẫn làm theo của báo chí, tuyên truyền.
Sáu là, cần có những quy định cụ thể thực hiện trách nhiệm, phát huy vai trò nêu gương của cán bộ chủ trì, chủ chốt, cán bộ, đảng viên trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác; coi đây là một trong những giải pháp quan trọng để tạo nên những kết quả, việc làm cụ thể, làm tăng thêm niềm tin và sự hưởng ứng của toàn Đảng, toàn dân thực hiện Cuộc vận động.
PV: Thưa đồng chí, chúng ta cần làm gì để mỗi tổ chức đảng và từng cán bộ, đảng viên thấm nhuần sâu sắc và nỗ lực cao hơn, tiếp tục đưa Cuộc vận động lớn đi vào chiều sâu, góp phần nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng.
Đồng chí Tô Huy Rứa: Trước hết, cần phát huy những bài học kinh nghiệm, kể cả kinh nghiệm riêng của mỗi ngành, mỗi cấp đã rút ra được trong những năm qua, khắc phục những yếu kém, hạn chế. Đồng thời, phải tập trung thực hiện thật tốt các nhiệm vụ năm 2010 đã được xác định, tạo nên những kết quả cụ thể hơn trong công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế-xã hội, hoàn thành kế hoạch năm 2010 và kế hoạch năm năm 2006-2010, Chiến lược phát triển kinh tế 10 năm 2001-2010, tạo điều kiện để tiếp tục thực hiện các nội dung Cuộc vận động có hiệu quả trong những giai đoạn tiếp theo.
Xin nói thêm một số điểm:
Một là, cần phải tiếp tục giáo dục, nâng cao hơn nữa nhận thức, quán triệt kỹ hơn nữa trong cán bộ, đảng viên, nhân dân, cả trong cán bộ chủ trì, chủ chốt, về ý nghĩa, tầm quan trọng và tính chất lâu dài của Cuộc vận động. “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” là Cuộc vận động lớn nhằm xây dựng nền tảng đạo đức, nền tảng tinh thần của xã hội, thực hiện mục tiêu lâu dài của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, một cuộc đấu tranh tư tưởng phức tạp diễn ra trong mỗi tổ chức, mỗi con người. Nhận thức đúng để xác định trách nhiệm đúng, không đơn giản hóa, chủ quan, nóng vội, hoặc sao nhãng, xem nhẹ, coi thường, làm được đến đâu thì làm.
Hai là, đẩy mạnh việc tổ chức, hướng dẫn làm theo tấm gương đạo đức của Bác với những nội dung cụ thể, thiết thực phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, chức trách của tổ chức, mỗi cá nhân. Phải khắc phục cách nghĩ: làm theo Bác rất khó, không làm được bởi Bác là vĩ nhân…, như một số người từng nói. Trên từng lĩnh vực công tác, trong các mối quan hệ xã hội, sinh hoạt hằng ngày, Bác đều để cho chúng ta những gương sáng rất cụ thể, rất sinh động, ai cũng có thể học được và làm theo được. Xác định rõ trách nhiệm của mỗi người là để việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trở thành nhu cầu tất yếu, tự thân, thể hiện trong các quan hệ hằng ngày của mỗi chúng ta.
Ba là, đạo đức, tư tưởng thuộc ý thức xã hội, mà tồn tại xã hội quyết định ý thức xã hội, nên để cuộc vận động xây dựng đạo đức, lối sống theo tấm gương Bác Hồ có hiệu quả, ngoài việc giáo dục nhận thức, cần có những biện pháp động viên, khuyến khích việc làm tốt, phê phán những hành vi sai trái, vi phạm, tạo dư luận xã hội ủng hộ cái tốt, hạn chế cái xấu, lấy cái đẹp, dẹp cái xấu. Trong quản lý xã hội phải tôn trọng và thực hành nghiêm chỉnh pháp luật của Nhà nước, cái đẹp, cái tốt phải được tôn vinh, cái xấu, cái sai phải bị lên án và trừng phạt. Làm được như vậy tức gắn nâng cao nhận thức với tổ chức, hướng dẫn, tạo điều kiện làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Trong lĩnh vực này báo chí, văn hóa văn nghệ có vai trò rất quan trọng. Trong thời gian qua Báo Nhân Dân, Quân đội Nhân dân đã làm khá tốt. Sắp tới đề nghị các đồng chí cố gắng hơn nữa để làm tốt hơn.
Bốn là, vẫn cần phải nhấn mạnh thêm ý nghĩa và tầm quan trọng của việc nêu gương, trước hết là nêu gương của cán bộ lãnh đạo các cấp, của đảng viên với nhân dân. Tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ rõ, nêu gương là một nguyên tắc trong thực hành đạo đức. Người dạy: “Muốn người ta theo, mình thì phải làm gương trước”. Ngay trong từng gia đình Việt Nam, sự nêu gương của ông bà, cha mẹ, anh chị… thể hiện trong sinh hoạt hằng ngày là một biện pháp giáo dục đạo đức quan trọng hàng đầu. Vừa qua nhiều cán bộ, đảng viên chúng ta đã chủ động, tích cực thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm của mình, qua đó nêu tấm gương sáng trong gia đình, tập thể, cơ quan, đơn vị. Nhiều người dân bình thường, ở trong các tầng lớp, lứa tuổi, vùng miền, tôn giáo, dân tộc… đã tự nguyện làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Cán bộ, đảng viên chúng ta cần học tập quần chúng ngay cả trong việc làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, bởi Bác Hồ luôn luôn dạy chúng ta không chỉ lãnh đạo mà còn phải học tập nhân dân.
Xin cảm ơn và chúc Báo Nhân Dân có nhiều đóng góp hơn cho việc tuyên truyền và hướng dẫn thực hiện Cuộc vận động trong Đảng và trong xã hội.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()