Đẩy mạnh ứng dụng đề tài nghiên cứu khoa học vào thực tiễn
(LSO) – Các đề tài nghiên cứu khoa học đều xuất phát từ thực tiễn, vì vậy, sau khi nghiên cứu, các đơn vị thực hiện đã đánh giá sự phù hợp, khả năng ứng dụng. Đây chính là cơ sở để các cơ quan, đơn vị, người dân, doanh nghiệp quyết định đầu tư, áp dụng vào sản xuất và thực tiễn công tác.
Là tỉnh miền núi, thu nhập của người dân chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã đẩy mạnh triển khai các đề tài, dự án khoa học nhằm giúp người dân có nhiều lựa chọn trong phát triển kinh tế cũng như tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, từ đó nâng cao thu nhập.
Ông Trần Hữu Đắc, Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết: Từ năm 2016 đến nay, Sở KH&CN triển khai thực hiện 71 đề tài, dự án. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn 36 đề tài; xã hội – nhân văn 16; y dược 8; kỹ thuật – công nghệ 11. Trong thời gian này, đã có 35 đề tài, dự án được nghiệm thu, đa số được áp dụng vào thực tiễn và phát huy hiệu quả tích cực góp phần tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế.
Nông dân huyện Chi Lăng chăm sóc na theo tiêu chuẩn VietGAP
Trong lĩnh vực văn hóa – xã hội đã ứng dụng các giải pháp phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao hiệu quả công tác chuyên môn như: nghiên cứu giải pháp nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh theo phương pháp tiếp cận năng lực; nghiên cứu giải pháp nhằm nâng cao chất lượng kiểm tra các tổ chức đảng trực thuộc Tỉnh ủy và cán bộ, đảng viên thuộc diện Tỉnh ủy quản lý khi có dấu hiệu vi phạm trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn trong giai đoạn hiện nay. Các đề tài nghiên cứu triển khai kỹ thuật nẹp vít qua cuống để điều trị gãy xương cột sống lưng, thắt lưng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh; nghiên cứu hiệu quả điều trị thiểu năng tuần hoàn não mạn tính bằng cao lỏng “Ích khí điều vinh thang gia giảm”… trong lĩnh vực y dược được ứng dụng vào thực tiễn, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị tại các bệnh viện…
Được ứng dụng vào thực tiễn nhiều nhất là lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Từ năm 2016 đến nay, đã có 50 mô hình được ứng dụng vào thực tiễn và phát huy hiệu quả tích cực trong đời sống. Điển hình như: đề tài nghiên cứu một số giải pháp canh tác giải vụ na tại huyện Chi Lăng. Sau khi nghiên cứu, các nhà khoa học đã đưa ra phương pháp kéo dài vụ na thêm gần 1 tháng. Với phương pháp này, cây na ra quả làm 2 đợt, khoảng cách gần 1 tháng. Điều này không chỉ tránh hiện tượng quả chín rộ cùng lúc mà còn khiến cho kích thước quả na to hơn, chất lượng, giá thành cũng cao hơn so với phương pháp canh tác như trước đây. Ông Mã Văn Lét, xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng cho biết: Nhờ phương pháp này mà nguồn thu nhập của gia đình tôi tăng gần gấp đôi so với sản xuất truyền thống. Na trái vụ vốn đã được giá nay quả to, đồng đều lại càng giá trị hơn.
Để các dự án phát huy hiệu quả, cùng với công tác nghiên cứu, từ năm 2017 trở lại đây, Sở KH&CN đặc biệt chú trọng liên kết “4 nhà” trong sản xuất, hướng đến tìm đầu ra ổn định cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Trong đó, đã thu hút được một số doanh nghiệp, đơn vị tham gia tạo ra chuỗi sản xuất khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ đối với một số sản phẩm như: tinh dầu hồi, quế, cà gai leo, đẳng sâm, hà thủ ô, khoai tây, măng tre bát độ… từng bước hướng đến hình thành các vùng nguyên liệu tập trung.
Để các đề tài nghiên cứu khoa học được các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh biết và ứng dụng vào thực tiễn sản xuất, Sở KH&CN đẩy mạnh tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như: xây dựng chuyên mục khoa học và đời sống trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Lạng Sơn, xây dựng trang chuyên đề về KH&CN trên cổng thông tin của sở. Tại đây, thường xuyên đăng tải tiến độ các đề tài nghiên cứu khoa học, thông tin về thành tựu của các đề tài. Cùng đó, thường xuyên tổ chức các hội nghị đầu bờ giới thiệu về hiệu quả mang lại từ dự án.
Những đề tài, dự án sau khi hoàn thành và được áp dụng trong thực tiễn đã phát huy hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, công tác này cũng gặp phải không ít khó khăn như: kinh phí thực hiện đề tài còn thấp nên việc xây dựng các mô hình cũng như độ hấp dẫn đối với người dân và doanh nghiệp còn hạn chế. Do đó, các mô hình triển khai còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa tạo được sự lan tỏa trong xã hội. Chính vì vậy, thời gian tới, công tác này cần tiếp tục được các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ.
THỤC QUYÊN
Ý kiến ()