Đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trong cơ quan Nhà nước
(LSO) – Hiện nay, việc ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trong các cơ quan Nhà nước là nhu cầu cần thiết nhằm cải cách hành chính, từng bước xây dựng chính quyền điện tử. Vì vậy, thời gian qua, UBND tỉnh đã đẩy mạnh việc ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trong cơ quan Nhà nước.
Năm 2015, UBND tỉnh ban hành kế hoach triển khai sử dụng chữ ký số chuyên dùng trong các cơ quan hành chính Nhà nước. Theo đó, hằng năm, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND huyện, UBND cấp xã tổng hợp nhu cầu đăng ký sử dụng chứng thư số, chữ ký số chuyên dùng gửi Ban Cơ yếu Chính phủ cấp phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử và các giao dịch điện tử giữa cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo Phòng Tư pháp huyện Hữu Lũng thực hiện ký số trên văn bản điện tử
Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo việc thực hiện chữ ký số đạt hiệu quả ở tất cả các cấp, ngành, hằng năm, Sở TT&TT tổ chức tập huấn phổ biến, hướng dẫn quy trình ứng dụng chữ ký số cho 100% cán bộ, công chức được cấp chữ ký số trên địa bàn tỉnh; lồng ghép bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin (CNTT) của các các cơ quan, đơn vị nhằm đảm bảo sẵn sàng hỗ trợ người dùng ứng dụng chữ ký số tại các cơ quan, đơn vị. Sở cũng tập trung rà soát hạ tầng kỹ thuật CNTT, hệ thống mạng nội bộ, mạng Internet, mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng và Nhà nước hoạt động thông suốt, liên tục và đảm bảo an toàn thông tin.
Với sự quan tâm, chỉ đạo của UBND tỉnh, đến nay, 100% sở, ban, ngành, các cấp ngành chức năng từ huyện đến xã được cấp chứng thư số, chữ ký số và ứng dụng chữ ký số trong việc trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan Nhà nước. Đến thời điểm này, Sở TT&TT đã đề nghị Cục Chứng thực số và Bảo mật Thông tin thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ cấp mới 669 chứng thư số cá nhân, 263 chứng thư số tổ chức và cấp 1.572 chữ ký số cho tổ chức và cá nhân từ cấp tỉnh đến cấp xã. Số lượng văn bản điện tử có chữ ký số được trao đổi, gửi – nhận liên thông 4 cấp từ đầu năm 2020 đến nay là 166.607 văn bản, đạt tỷ lệ gần 100% (trừ văn bản mật).
Sở Công Thương là một trong những đơn vị tiên phong ứng dụng CNTT trong việc ứng dụng chữ ký số chuyên dùng nói riêng. Ông Phùng Quang Hội, Giám đốc Sở Công thương cho biết: Ngay sau khi được cấp chữ ký số cho sở và chữ ký số cá nhân, sở đã triển khai đồng bộ cùng với việc tích hợp sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành công việc. Từ đầu năm đến nay, sở đã ban hành 1.578 văn bản, trong đó có 1.500 văn bản ký số điện tử, đạt tỷ lệ 95%. Việc áp dụng chữ ký số giúp tiết kiệm thời gian và chi phí. Trong năm 2020, ước tính sở tiết kiệm được 20 triệu đồng chi phí tem thư khi gửi văn bản giấy.
Việc triển khai ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trong hoạt động các cơ quan Nhà nước đã góp phần giảm chi phí, tiết kiệm thời gian lưu trữ, gửi, nhận văn bản; thay đổi lề lối làm việc sang giải quyết công việc trên môi trường mạng nhằm thúc đẩy cải cách hành chính, từng bước xây dựng thành công chính quyền điện tử. Bà Triệu Thị Hồng Nhung, Trưởng Phòng Tư pháp huyện Hữu Lũng cho biết: Sử dụng chữ ký số trong gửi – nhận văn bản điện tử rất tiện ích. Trước đây, khi còn dùng văn bản giấy, thời gian gửi, nhận và xử lý văn bản rất tốn thời gian. Hiện tại, chỉ cần có máy tính và đường truyền mạng ổn định, tôi có thể xử lý các văn bản tức thời và yên tâm về giá trị pháp lý của nó.
Ông Nguyễn Trọng Hùng, Trưởng phòng CNTT, Sở TT&TT cho biết: Để đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trong cơ quan Nhà nước, thời gian tới, sở sẽ tiếp tục rà soát và gửi đề nghị Cục Chứng thực số và Bảo mật Thông tin cấp chữ ký số cho các đối tượng còn lại. Đồng thời tiếp tục giám sát, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị thực hiện ký số theo quy định.
Chữ ký số là một dạng chữ ký điện tử với việc sử dụng công nghệ mã khóa công khai, được dùng như một chữ ký cá nhân hoặc thay cho con dấu của tổ chức, công ty. Chữ ký số được công nhận về mặt pháp lý. |
Ý kiến ()