Đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường kiểm tra
LSO-Triển khai đợt cao điểm hành động năm vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp (từ tháng 11/2015 đến nay), các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tập trung vào công tác tuyên truyền và thanh, kiểm tra.
Nông dân Hữu Lũng trồng dưa chuột Nhật xuất khẩu |
Chỉ trong 4 tháng kể từ khi triển khai đợt cao điểm, rất nhiều hoạt động tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp đã được tổ chức. Trong đó các đối tượng hướng đến là các hộ sản xuất, kinh doanh nông sản, cơ sở giết mổ, cán bộ xã, ban quản lý các chợ trên địa bàn. Trên 21 nghìn tờ rơi tuyên truyền về an toàn thực phẩm trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, giết mổ gia súc, gia cầm đã được cấp phát.
Bà Hoàng Thị Vang, Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp Hợp tác xã sản xuất kinh doanh thực phẩm an toàn Lạng Sơn cho biết: công tác tuyên truyền đã góp phần quan trọng nâng cao trách nhiệm của các hộ sản xuất trong các hợp tác xã thành viên của liên hiệp. Không những vậy, ngành chức năng còn hướng dẫn, xúc tiến tiêu thụ, nâng cao giá trị các sản phẩm an toàn được chứng nhận.
Ngoài việc tiếp tục giám sát các cơ sở đã được chứng nhận VietGap ( Công ty chè Thái Bình, vùng sản xuất na Chi Lăng), ngành hữu quan đã cấp 81 giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm và 5 giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Bà Lê Thị Thanh Nhàn – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: để khuyến khích phát triển sản xuất an toàn, ngành đã kết nối nông sản thực phẩm an toàn với người tiêu dùng. Đó là những chương trình hợp tác với các siêu thị tại thủ đô Hà Nội; các hội thi rau an toàn; hồng Bảo Lâm… tạo cơ hội cho các cơ sở sản xuất an toàn ký kết hợp đồng với một số nhà hàng, khách sạn trên địa bàn.
Một mặt tuyên truyền, hướng dẫn, kết nối sản phẩm an toàn với người tiêu dùng, mặt khác ngành chức năng đã tăng cường công tác thanh, kiểm tra. Ông Nguyễn Đức Việt, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản cho biết: nội dung thanh, kiểm tra tập trung vào phát hiện, triệt phá các cơ sở lưu thông, buôn bán chất cấm trong chăn nuôi (như Salubtamol, Vàng O) và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau, củ, quả.
Các đợt kiểm tra hầu hết được thực hiện đột xuất. Từ tháng 11/2015 đến đầu tháng 3/2016, cơ quan chức năng tại địa bàn đã kiểm tra 37 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi và hộ chăn nuôi gia súc gia cầm. Trong đó đã lấy 26 mẫu thức ăn, sản phẩm gia súc, gia cầm để phân tích. Đồng thời tiến hành giám sát các cơ sở sản xuất rau, củ, quả và các chợ đầu mối trên địa bàn; lấy 51 mẫu rau các loại để kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm.
Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản cho biết thêm: qua kiểm tra, lấy mẫu, trên địa bàn tỉnh chưa phát hiện hiện tượng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi hay dư lượng hóa chất vượt ngưỡng cho phép trên rau, củ, quả. Trên địa bàn tỉnh, từ đầu năm 2015 đến nay chưa xảy ra trường hợp ngộ độc thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp.
Đó chính là những thông tin đáng mừng đối với người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, đối với người sản xuất chăn nuôi, trồng trọt, đó là sự khẳng định về chất lượng sản phẩm mà họ sản xuất ra đối với thị trường. Điều quan trọng để duy trì, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chính là đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, xúc tiến tiêu thụ, nâng cao giá trị của các sản phẩm an toàn, kết hợp với tuyên truyền và tăng cường thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt.
VŨ NHƯ PHONG
Ý kiến ()