Đẩy mạnh tuyên truyền chi trả lương hưu, trợ cấp xã hội qua ATM
– Trong những năm qua, việc chi trả lương hưu, trợ cấp xã hội qua tài khoản ATM đã được Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh quan tâm triển khai, phối hợp với các ngân hàng, đại lý thu tuyên truyền sâu rộng trong các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần thực hiện chủ trương thanh toán không sử dụng tiền mặt theo chỉ đạo của Chính phủ.
Theo thống kê của BHXH tỉnh, tính đến hết tháng 3/2022, chi trả qua ATM đối với người nhận trợ cấp thất nghiệp đạt 78%, cao hơn 3%; người nhận trợ cấp một lần đạt 81%, cao hơn 6% so với BHXH Việt Nam giao nhưng số người nhận lương hưu, trợ cấp hằng tháng qua tài khoản ATM là 6.782 người, chỉ đạt 22,4%, thấp hơn 8,6% so với chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao tại Quyết định số 999/QĐ-BHXH ngày 31/3/2022.
Cán bộ BHXH tỉnh hướng dẫn người hưởng lương hưu trên địa bàn thành phố Lạng Sơn về tiện ích chi trả qua tài khoản ATM và cài đặt ứng dụng VssID
Bà Nông Thị Phương Thảo, Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: Nguyên nhân số người nhận lương hưu, trợ cấp hằng tháng qua tài khoản ATM còn thấp chủ yếu là do tâm lý, thói quen sử dụng tiền mặt của đa số người hưởng còn khá phổ biến hoặc người hưởng chế độ không có tài khoản cá nhân; người hưởng lương hưu cao tuổi nên gặp nhiều khó khăn khi sử dụng và rút tiền từ tài khoản. Mặt khác, thời gian qua, do ảnh hưởng dịch bệnh kéo dài nên việc tuyên truyền gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, trên thực tế, các cây ATM chủ yếu ở tại trung tâm huyện, do đó, việc mở tài khoản và đăng ký nhận tiền qua tài khoản cá nhân đối với những người sinh sống ở địa bàn các xã, xa trung tâm huyện còn hạn chế… Vì vậy, hiện tại, ngành BHXH tiếp tục đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị liên quan khắc phục khó khăn, nỗ lực tuyên truyền sâu rộng nhằm nâng tỷ lệ này và để có thể đạt chỉ tiêu BHXH Việt Nam giao năm 2022.
Theo đó, đối với ngành ngân hàng, ngành BHXH đề nghị các ngân hàng thương mại quan tâm trang bị thêm cây ATM tại các huyện, địa bàn tập trung đông dân cư nhưng xa trung tâm huyện để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận với dịch vụ ngân hàng và có những hỗ trợ kịp thời để khuyến khích người hưởng mở tài khoản.
Cùng với đó, BHXH tỉnh phối hợp với Bưu điện tỉnh và Trung tâm Dịch vụ việc làm tăng cường tuyên truyền, đề nghị người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH, người lao động hưởng trợ cấp BHXH một lần, trợ cấp thất nghiệp cung cấp số tài khoản cá nhân ATM hoặc đăng ký, mở tài khoản cá nhân (đối với người chưa có thẻ) cung cấp cùng hồ sơ đề nghị giải quyết các chế độ để cơ quan BHXH thực hiện chi trả.
Đơn cử như tại huyện Hữu Lũng, là địa bàn đông dân cư, nhiều doanh nghiệp, người lao động. BHXH huyện đã phối hợp với các ngân hàng trên địa bàn, bưu điện huyện tích cực tuyên truyền cho các đối tượng thụ hưởng về tiện ích nhận lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản ATM. Hiện nay, tổng số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng trên địa bàn huyện được BHXH Hữu Lũng quản lý là 3.361 người, trong đó có 919 người hưởng qua tài khoản ATM (chiếm 27%) tổng số người hưởng; số hưởng trợ cấp 1 lần đạt 100% qua tài khoản ATM.
Chị Liễu Thị Chuyến, xã Minh Hoà, huyện Hữu Lũng cho biết: Tôi đi làm thủ tục khai báo BH thất nghiệp, được cán bộ BHXH huyện và Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Chi nhánh huyện Hữu Lũng tuyên truyền về cung cấp số tài khoản ATM để đăng ký nhận trợ cấp nhưng tôi chưa có tài khoản, vì vậy, tôi được hướng dẫn đăng ký mở tài khoản cùng hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ. Sau này, cơ quan BHXH thực hiện chi trả về tài khoản ATM cũng tiện hơn là đến nhận trực tiếp.
Qua thực tế cho thấy, việc chi trả các dịch vụ an sinh xã hội qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt mang lại rất nhiều lợi ích cho người hưởng như: hạn chế tình trạng đơn vị sử dụng lao động chiếm dụng, chậm chi trả tiền chế độ cho người lao động, tiết kiệm được thời gian, công sức, tránh được rủi ro, đảm bảo an toàn cá nhân… Tin tưởng rằng, với nỗ lực của ngành BHXH và các đơn vị liên quan, thời gian tới, số người hưởng chế độ qua tài khoản cá nhân trên địa bàn tỉnh sẽ tăng cao, không chỉ đảm bảo an toàn cho người nhận mà còn góp phần thực hiện hiệu quả chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ.
Ý kiến ()