Đẩy mạnh truyền thông dự thảo chính sách
- Sau 2 năm thực hiện Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027” (Đề án 407), các cơ quan, ban, ngành tỉnh đã tập trung các giải pháp đẩy mạnh truyền thông dự thảo chính sách trong cộng đồng.
Truyền thông dự thảo chính sách là một nội dung, yêu cầu theo Đề án 407, là hoạt động do các cơ quan, đơn vị, cá nhân chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin, báo chí và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện. Để kịp thời triển khai hiệu quả Đề án 407 trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 91/KH-UBND ngày 25/4/2022 về triển khai, thực hiện Đề án 407. Trên cơ sở kế hoạch của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án 407 phù hợp với tình hình thực tiễn tại cơ quan, đơn vị. Sở Tư pháp, cơ quan thường trực của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh đã ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai, thực hiện Đề án 407.
Ông Dương Công Luyện, Trưởng Phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật Sở Tư pháp phân tích: Truyền thông dự thảo chính sách là nhiệm vụ quan trọng trong quá trình xây dựng và ban hành chính sách, nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, góp phần nâng cao chất lượng chính sách, thể chế, tính khả thi của VBQPPL. Thực hiện Đề án 407, chúng tôi đã tham mưu lãnh đạo sở tăng cường bồi dưỡng đội ngũ thực hiện công tác truyền thông dự thảo chính sách, trong đó nòng cốt là đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên cơ sở, cán bộ pháp chế các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh. Qua đó đã quán triệt, hướng dẫn cách thức triển khai hiệu quả Đề án 407; kỹ năng truyền thông, xử lý thông tin khi thực hiện truyền thông dự thảo chính sách và bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
Theo đó, từ năm 2022 đến nay, Sở Tư pháp tham mưu tổ chức 4 hội nghị bồi dưỡng báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh và 2 hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng truyền thông dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng VBQPPL cho tuyên truyền viên pháp luật cơ sở. Các sở, ban, ngành chủ trì tham mưu xây dựng dự thảo VBQPPL trình HĐND, UBND tỉnh thực hiện đúng theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL, thường xuyên xây dựng, đăng tải tài liệu truyền thông trên trang thông tin điện tử, mạng xã hội để cung cấp thông tin dự thảo chính sách cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp; tổ chức hội nghị, tọa đàm, phản biện, đối thoại để trao đổi, thông tin về dự thảo chính sách...
Trong 2 năm qua, thực hiện Đề án 407, căn cứ tình hình thực tiễn, các cơ quan, đơn vị chủ trì tham mưu xây dựng dự thảo VBQPPL hoặc là cơ quan phụ trách lĩnh vực của dự thảo luật linh hoạt lựa chọn hình thức phù hợp để tổ chức truyền thông dự thảo chính sách. Đơn cử: Văn phòng UBND tỉnh đăng tải toàn văn hồ sơ dự thảo VBQPPL trên Cổng thông tin điện tử tỉnh ngay sau khi các cơ quan chủ trì tham mưu xây dựng dự thảo VBQPPL gửi đến trong thời hạn ít nhất 30 ngày để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia ý kiến theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL. Sở Tài Nguyên và Môi trường truyền thông về một số dự thảo VBQPPL có tác động lớn như: dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)... Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức truyền thông, lấy ý kiến về một số dự thảo VBQPPL có tác động lớn như dự thảo Luật Điện ảnh, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình...
Bà Nguyễn Thị Hồng Vân, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam tỉnh cho cho biết: Xác định vai trò quan trọng của công tác tuyên truyền pháp luật nói chung và truyền thông dự thảo chính sách nói riêng, hằng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác tuyên truyền. Đơn cử như: phối hợp tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, nâng cao chất lượng Trang thông tin điện tử của MTTQ tỉnh; thành lập các nhóm Zalo, “Trang Fanpage MTTQ Lạng Sơn”. Đến nay đã có 100% đơn vị huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn thành lập được trang fanpage hoặc tài khoản Facebook, kết quả trong 5 năm gần đây (từ năm 2019 - 2024), Ủy ban MTTQ các cấp đã đăng tải trên 1.000 tin, bài tuyên truyền pháp luật, trong đó có truyền thông dự thảo chính sách. Đồng thời, từ 2022 – 2023, ban thường trực Ủy ban MTTQ các cấp đã phối hợp với các tổ chức thành viên lồng ghép tổ chức trên 800 hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, với trên 28.000 đại biểu tham gia, với hơn 4.200 ý kiến góp ý; trên 1.500 hội nghị lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Đất đai… Qua đó, tạo điều kiện để người dân góp ý, phản biện trong quá trình đề xuất chính sách, tăng cường dân chủ, phát huy quyền công dân trong tham gia quản lý nhà nước, quản lý xã hội.
Cùng đó, các cơ quan báo chí trong tỉnh cũng tham gia đẩy mạnh truyền thông dự thảo chính sách. Từ năm 2022 đến nay, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã thực hiện gần 1.500 tin bài, phóng sự liên quan đến công tác truyền thông dự thảo chính sách; Báo Lạng Sơn duy trì chuyên mục “Thông tin pháp luật” trên báo in, đăng tải trên 200 tin, bài, ảnh có nội dung tuyên truyền về công tác phổ biến giáo dục pháp luật, trong đó có tin, bài tuyên truyền về các nội dung dự thảo chính sách, pháp luật có tác động lớn đến xã hội.
Ông Trần Xuân Hòa, Bí thư Chi bộ, Khối trưởng khối 7, thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc chia sẻ: Qua theo dõi báo, đài, dự các hội nghị lấy ý kiến về dự thảo luật, tôi được nâng cao hiểu biết pháp luật. Như tháng 2/2023, chúng tôi tham dự hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi do UBND huyện tổ chức, người dân đã được phát huy dân chủ, đóng góp ý kiến về những nội dung cụ thể của dự thảo luật. Theo đó, khi luật được ban hành chúng tôi đồng tình, sẵn sàng thực hiện đúng các quy định khi luật có hiệu lực.
Bằng nhiều hình thức, các dự thảo chính sách pháp luật được truyền thông rộng rãi đến Nhân dân. Qua đó phát huy dân chủ ngay từ quá trình xây dựng dự thảo VBQPPL, bám sát nhu cầu thực tiễn, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của người dân, góp phần tạo đồng thuận xã hội để sau khi chính sách được ban hành có tính khả thi cao, đi vào cuộc sống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.
Ý kiến ()