Đẩy mạnh trồng rừng phòng hộ ven biển
Công tác bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển đang ngày càng được các ngành, địa phương và cộng đồng xã hội quan tâm. Thông qua đó, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ hệ thống đê biển, phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và củng cố quốc phòng, an ninh quốc gia…
Người dân chăm sóc cây trồng trên đất ngập mặn. Ảnh: Dũng Minh |
Phó Cục trưởng Lâm nghiệp Triệu Văn Lực cho biết, hiện nay toàn quốc có 14,79 triệu héc-ta rừng, trong đó diện tích rừng ven biển có 276.000ha. Mặc dù, diện tích rừng ven biển chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng diện tích rừng quốc gia nhưng đây là loại rừng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ bờ biển và sinh kế của người dân. Giai đoạn 2015-2020, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cả nước đã trồng mới 46.058 ha rừng và trồng bổ sung, phục hồi 9.602 ha rừng phòng hộ ven biển kém chất lượng.
Xác định rừng phòng hộ ven biển đóng vai trò rất quan trọng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 120/QĐ-TTg về Đề án bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015-2020.
Ngày 4/10/2021, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 1662/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030”.
Đề án ban hành nhằm phấn đấu đạt được mục tiêu quản lý, bảo vệ và sử dụng bền vững diện tích rừng vùng ven biển hiện có và diện tích rừng được tạo mới trong giai đoạn 2021-2030. Phát huy hiệu quả vai trò, chức năng của rừng vùng ven biển trong việc phòng hộ, bảo vệ môi trường và hệ thống kết cấu hạ tầng vùng ven biển; chống sa mạc hóa, suy thoái đất; bảo tồn đa dạng sinh học, giảm phát thải khí nhà kính; tạo việc làm, thu nhập cho người dân vùng ven biển, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường và củng cố quốc phòng-an ninh, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu ngành lâm nghiệp và các địa phương bảo vệ và sử dụng hiệu quả diện tích rừng vùng ven biển hiện có, nhất là đối với diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất là rừng tự nhiên vùng ven biển; trồng mới 20.000ha rừng, trồng bổ sung phục hồi và làm giàu rừng 15.000ha; tăng cường năng lực và phát triển sinh kế cho cộng đồng, người dân tham gia bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển. Cùng với sự hưởng ứng tích cực của các địa phương, đề án bảo vệ và phát triển rừng ven biển đã thu hút được sự quan tâm các tổ chức quốc tế đầu tư, hỗ trợ phát triển rừng với nhiều dự án. Đến nay, đề án đã trồng mới được hơn 2.800ha, các địa phương cũng trồng bổ sung phục hồi và làm giàu rừng đạt gần 4.500ha trong số 15.000ha.
So với trồng rừng trên đất liền thì phát triển rừng ven biển có nhiều khó khăn. Đây là khu vực chịu tác động mạnh của thiên tai, triều cường và nước biển dâng gây xói lở bờ biển, cửa sông gây mất rừng và khó khăn trong trồng rừng. Nhiều diện tích trồng rừng do bãi bồi ngập nước sâu, khó gây bồi tạo bãi để trồng cũng như đất hoang hóa từ nuôi trồng thủy sản… Bên cạnh đó, đất quy hoạch rừng ven biển thường xuyên biến động do nhu cầu sử dụng đất để phát triển kinh tế-xã hội. Tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng đất quy hoạch cho trồng rừng ven biển sang mục đích khác, xâm lấn đất rừng để nuôi trồng, đánh bắt thủy sản… đã ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả trồng rừng ven biển.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng các địa phương ven biển đã có nhiều nỗ lực để bảo vệ và phát triển rừng hiệu quả.
Tỉnh Sóc Trăng có bờ biển dài 72km với gần 10.300ha rừng; trong đó, rừng phòng hộ ven biển chiếm hơn 6.800ha, tập trung chủ yếu tại huyện Cù Lao Dung, Trần Đề và thị xã Vĩnh Châu. Đến nay, đã có hơn 20ha rừng được trồng mới, góp phần tăng diện tích rừng ven biển, tạo ra những bức tường che chắn sóng biển, bảo vệ đê an toàn và ổn định cuộc sống người dân.
Tỉnh Tiền Giang cũng có gần 1.300ha rừng phòng hộ ven biển, chủ yếu là dạng rừng ngập mặn ven biển với cây đước, bần, mắm, dừa nước… Giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh phấn đấu trồng mới thêm 250ha rừng phòng hộ ven biển, gấp hai lần so với diện tích trồng rừng giai đoạn 2015-2020. Cùng với việc trồng rừng, tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng của công tác trồng rừng, giữ rừng và bảo vệ rừng.
Từ năm 2018, Dự án “Hiện đại hóa ngành lâm nghiệp và tăng cường tính chống chịu ven biển (FMCR)” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, đã triển khai tại tám tỉnh, thành phố ven biển gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế.
Mục tiêu của dự án là khôi phục, phát triển và quản lý bền vững rừng ven biển của các địa phương. Qua đó, góp phần tái cấu trúc ngành lâm nghiệp và tăng cường khả năng chống chịu, tăng tuổi thọ và giảm chi phí xây dựng, duy tu, bảo dưỡng đê biển và các công trình cơ sở hạ tầng vùng ven biển khác; phát triển sinh kế và nâng cao thu nhập cho cộng đồng ven biển thông qua hoạt động trồng rừng và bảo vệ rừng. Đến nay, tại các địa phương nêu trên, công tác bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển đã triển khai hiệu quả, mang lại giá trị về kinh tế, xã hội, ổn định đời sống nhân dân vùng ven biển.
Để công tác bảo vệ và phát triển rừng bền vững, ngành lâm nghiệp đã xác định mục tiêu quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng ven biển gắn với quy hoạch sử dụng đất, bảo đảm ổn định lâu dài, định vị trên bản đồ và thực địa; quản lý chặt chẽ việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất rừng ven biển sang mục đích khác.
Về cơ chế đầu tư, kinh phí đầu tư bảo vệ và phát triển rừng ven biển đã được thực hiện lồng ghép từ các nguồn vốn. Về khoa học và công nghệ, ngành lâm nghiệp đã xây dựng, ban hành các hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng ven biển, hướng dẫn canh tác tổng hợp bền vững, hiệu quả; ứng dụng công nghệ viễn thám, công nghệ thông tin trong quản lý, theo dõi diễn biến rừng. Đồng thời, ngành cũng cần nghiên cứu xây dựng chính sách quản lý bảo vệ và phát triển rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu; chính sách đầu tư và cơ chế hưởng lợi đối với rừng ven biển; tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, nhằm khuyến khích mọi thành phần trong xã hội tham gia bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ ven biển…
Chúng tôi chân thành cảm ơn. Mong bạn đọc, cộng tác viên tiếp tục cộng tác. Tin, bài xin gửi về địa chỉ: Ban Bạn đọc, Báo Nhân Dân, 71 Hàng Trống, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Điện thoại: 024.38254231.Email: [email protected] |
Nguồn: https://nhandan.vn/day-manh-trong-rung-phong-ho-ven-bien-post792082.html
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()