LSO-Trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã có khá nhiều loại nông sản có thể phát triển thành hàng hóa trên phạm vi rộng. Tuy nhiên những sản phẩm ấy mới chỉ đang được sản xuất nhỏ lẻ, người nông dân chưa yên tâm bởi một lẽ, nông sản chỉ được bao tiêu thông qua hợp đồng miệng. Câu chuyện về cây bí xanh chỉ là một ví dụ. Nông dân thôn Nà Chanh, xã Tràng Phái (Văn Quan) chăm sóc bí xanhMấy ngày nay dọc từ xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn đến tận ngã ba Pác Ve xã Tân Thành huyện Cao Lộc nườm nượp xe vận tải nhỏ ngược xuôi. Ấy là xe của các thương nhân trong và ngoài tỉnh tới thu mua bí xanh. Năm nay bí xanh được giá, từ 4.000 đồng đến hơn 5.000 đồng/kg, tùy từng nơi và tùy từng thời điểm. Nghe tin ấy người dân xã Tràng Phái, huyện Văn Quan cứ khấp khởi mừng thầm. Bởi thời điểm này bí xanh ở Tràng Phái mới chỉ đang đậu quả, giá cứ đà này, năm nay nhà nông sẽ trúng. Bà Vi Thị Bơ, thôn Nà Chanh...
LSO-Trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã có khá nhiều loại nông sản có thể phát triển thành hàng hóa trên phạm vi rộng. Tuy nhiên những sản phẩm ấy mới chỉ đang được sản xuất nhỏ lẻ, người nông dân chưa yên tâm bởi một lẽ, nông sản chỉ được bao tiêu thông qua hợp đồng miệng. Câu chuyện về cây bí xanh chỉ là một ví dụ.
Nông dân thôn Nà Chanh, xã Tràng Phái (Văn Quan) chăm sóc bí xanh
Mấy ngày nay dọc từ xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn đến tận ngã ba Pác Ve xã Tân Thành huyện Cao Lộc nườm nượp xe vận tải nhỏ ngược xuôi. Ấy là xe của các thương nhân trong và ngoài tỉnh tới thu mua bí xanh. Năm nay bí xanh được giá, từ 4.000 đồng đến hơn 5.000 đồng/kg, tùy từng nơi và tùy từng thời điểm. Nghe tin ấy người dân xã Tràng Phái, huyện Văn Quan cứ khấp khởi mừng thầm. Bởi thời điểm này bí xanh ở Tràng Phái mới chỉ đang đậu quả, giá cứ đà này, năm nay nhà nông sẽ trúng.
Bà Vi Thị Bơ, thôn Nà Chanh kể: từ năm 2002, Nà Chanh là thôn điểm của xã Tràng Phái triển khai dự án trồng bí xanh của Trung tâm phát triển bền vững miền núi. Năm ấy bà Bơ được giao làm tổ trưởng đi vận động bà con thực hiện dự án. Thời gian đầu có vài gia đình tham gia với diện tích chỉ vài sào ít ỏi. Thế nhưng chỉ qua vài vụ, bí xanh đã thể hiện được những ưu điểm của mình, chịu được hạn, phù hợp với đất đồi. Năng suất cao, nếu chăm sóc tốt có thể đạt gần 2 tấn/sào. Điều đặc biệt quan trọng là loại nông sản này dễ bảo quản, nếu như dưa hấu để vài ngày đã hỏng, bán tháo chẳng ai mua, thì bí xanh để được vài tháng. Vậy là Nà Chanh bắt đầu chuyển đổi hàng loạt, từ dưa sang trồng bí, giá cả có vụ lên, vụ xuống, nhưng cơ bản có lãi cho nhà nông. Dự án của Trung tâm phát triển miền núi kết thúc đã hoàn thành “sứ mệnh” của mình là hướng dẫn, giúp đỡ nông dân phát triển loại cây trồng mới có giá trị kinh tế. Trong vòng 3 năm trở lại đây, diện tích bí xanh ở Nà Chanh lên đến hơn chục ha. Năm nào gia đình bà Lành Thị Vệ cũng dành ra gần mẫu đất để trồng bí, bà bảo: dự án kết thúc, chúng tôi cũng đã quen trồng, giống thì liên hệ với tư thương ở dưới xuôi, rồi họ cho số điện thoại, lúc nào được thu thì gọi điện, họ lại lên thu mua. Năm trước được mùa, gần mẫu bí của bà Vệ cho thu khoảng chục tấn bí, mặc dù giá hơi xuống, chỉ ở mức 3.000 đồng/kg, nhưng thu nhập 1 vụ như thế cũng hơn trồng thứ khác. Có thể khẳng định, từ cây bí, đời sống của nhân dân Nà Chanh được nâng lên trông thấy. Ổn định cuộc sống họ góp công, góp của làm đường giao thông nông thôn, xây nhà văn hóa thôn, cải tạo hệ thống thủy lợi…
Hiệu quả là vậy, nhưng vẫn còn đó những trăn trở. Năm nay ở Nà Chanh, diện tích trồng bí vẫn hơn chục ha. Bí ở Tràng Phái đang đậu quả thì nghe ở nơi khác đang bán với giá cao hơn năm trước, ai cũng vui, nhưng cũng thấp thỏm lo âu. Bà Vệ chia sẻ: chẳng biết đến lúc mình thu hoạch, mức giá còn được như bây giờ hay không, bởi mình phụ thuộc vào người thu mua, hợp đồng tiêu thụ chẳng có gì ngoài mấy số điện thoại, gọi người ta lên mua cho là may. Cũng vì trăn trở ấy mà dù hiệu quả cao thật, nhưng diện tích trồng bí cũng chỉ dừng lại ở đó. Ông Triệu Hồng Tứ, Chủ tịch UBND xã Tràng Phái cho biết: trồng bí chỉ tập trung nhiều ở Nà Chanh và Bản Tháu, năm nay toàn xã trồng khoảng 17ha, xã cũng chưa dám chủ trương mở rộng thêm nữa bởi đầu ra không chắc chắn.
Mấy năm trở lại đây, diện tích trồng bí xanh trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng lên, Chi Lăng, Văn Quan, Cao Lộc rồi thành phố…hiệu quả ban đầu phải khẳng định là khá tốt, nhưng cũng giống như Tràng Phái, bởi đầu ra không chắc chắn, nên chưa có nơi nào dám mở rộng thêm diện tích. Ông Đặng Văn Huân, Chủ tịch UBND xã Tân Liên bộc bạch: Tân Liên mấy năm nay cũng phát triển bí xanh, nhưng chỉ dăm hộ trồng, thực tế nếu có chương trình liên kết bao tiêu sản phẩm Tân Liên chắc chắn sẽ hình thành một vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Hiện nay đang có một số hình thức hợp tác liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân để trồng và tiêu thụ sản phẩm như ớt, cà chua bi… Người trồng bí xanh cũng đang mong một hình thức liên kết như thế để yên tâm về một đầu ra ổn định, phát triển sản xuất, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Vũ Như Phong
Ý kiến ()