Đẩy mạnh tiền mới vào lưu thông giảm thiểu lây nhiễm nCoV
Tiền mặt luôn được luân chuyển từ tay người này sang người khác, và theo đó, các nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm do các loại virus có thể xảy ra.
Đẩy mạnh tiền mới vào lưu thông.
Với thói quen sử dụng tiền mặt lên đến 90% dân số như hiện nay thì tiền giấy hay tiền polymer đều có nguy cơ là nguồn của các tác nhân gây bệnh và là rủi ro đối với sức khỏe cộng đồng, không chỉ là virus corona mà có thể lây nhiễm một số mầm bệnh khác.
Ổ bệnh từ tiền giấy
Tiền mặt luôn được luân chuyển từ tay người này sang người khác, và theo đó, các nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm do các loại virus có thể xảy ra.
Vi khuẩn và virus gây bệnh có ở khắp mọi nơi nhưng tiền dường như là thứ cuối cùng mọi người sẽ nghĩ tới phòng bị do phải sử dụng thường xuyên, dù ít hay nhiều đều biết tiền mặt qua tay rất nhiều người và là một ổ vi khuẩn và virus khổng lồ.
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (2019-nCoV), để giảm rủi ro lây nhiễm dịch, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo ngân hàng thương mại đưa tiền mới vào lưu thông. Số tiền cũ quay vòng sẽ tạm lưu ở khu vực cách ly với thời gian cần thiết và chỉ đưa vào sử dụng vào thời điểm thích hợp, nhưng vẫn bảo đảm an toàn khi giao dịch.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết thanh toán bằng tiền mặt vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong giao dịch ở Việt Nam nhưng hiện nay, Ngân hàng Nhà nước lại chưa có đủ phương tiện để khử trùng tiền mặt, hơn nữa việc này có thể gây chậm trễ, gián đoạn giao dịch.
Tại cuộc họp với 21 ngân hàng thương mại về việc triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị ảnh hưởng bới dịch nCoV Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú chỉ đạo toàn hệ thống cần đảm bảo hoạt động bình thường, không có chuyện đóng cửa, không giao dịch, mà cần đảm bảo các giao dịch cho người dân, doanh nghiệp.
“Không vì dịch bệnh mà gián đoạn, ảnh hưởng đến hoạt động chung, nhất là việc phục vụ người dân, doanh nghiệp giao dịch với ngân hàng,” Phó Thống đốc yêu cầu.
Ngoài ra, Phó Thống đốc giao Vụ Thanh toán nghiên cứu cơ chế hướng dẫn bổ sung mở rộng hạn mức thanh toán trực tuyến (online) cho người dân và doanh nghiệp.
Phó Thống đốc cũng khuyến cáo người dân bên cạnh việc dùng các biện pháp để bảo vệ bản thân thì cần hạn chế dùng tiền mặt, hạn chế tiếp xúc, đến chỗ đông người, tăng cường sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến để giảm nguy cơ lây lan nCoV.
Đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết mặc dù chưa có nghiên cứu chính thức tiền có là mối lo ngại lay lan virus nCoV hay không song người dân cũng nên cẩn trọng trong sử dụng tiền mặt và tiếp xúc với các đồ vật khác bởi cũng có những nghiên cứu cho thấy tiền giấy là nơi cư ngụ của 3.000 vi khuẩn khác nhau có nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người.
Chị Nguyễn Thu Hà (quận Long Biên-Hà Nội) cho hay: “Tôi là người thường xuyên đi mua sắm nên đơn vị nào chấp nhận cho thanh toán qua QR hoặc quẹt thẻ tôi đều sử dụng. Còn đi chợ bắt buộc phải dùng tiền mặt thì tôi cố gắng tiêu hết số tiền dự định cầm sẵn và tránh không để tiền thừa vào trong ví.”
Thanh toán trực tuyến để phóng tránh virus
Bà Ninh Thị Lan Phương, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng SHB, cho hay SHB coi đây là cơ hội đẩy mạnh các biện pháp giao dịch không dùng tiền mặt cũng như thanh toán, gửi tiết kiệm trực tuyến. Vì thế, nhiều ngân hàng đã nỗ lực miễn giảm phí chuyển tiền online, ngân hàng điện tử cũng như cải thiện các dịch vụ, ứng dụng trực tuyến.
Một số ngân hàng cũng cũng khuyến khích khách hàng chuyển qua giao dịch online trong thời gian này. Ngân hàng Nam Á vừa có văn bản yêu cầu nhân viên giới thiệu, hướng dẫn khách hàng sử dụng các sản phẩm ngân hàng điện tử như Internet banking, open banking… để kiểm tra số dư, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, thanh toán thẻ, gửi tiết kiệm mà không phải đến ngân hàng.
Ngân hàng An Bình cũng khuyến khích khách hàng nên chuyển sang giao dịch online nhằm hạn chế và phòng tránh tối đa các nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh.
Ví điện tử MoMo cũng đưa ra khuyến cáo người dùng hạn chế sử dụng tiền mặt. Thay vào đó ưu tiên chọn lựa các phương thức, các kênh thanh toán điện tử để hạn chế tối đa các nguy cơ tiếp xúc với mầm bệnh, phòng chống virus corona.
Thêm một cách thức thanh toán hữu hiệu nữa được ưa chuộng vào mùa dịch bệnh virus corona bùng phát đó là giao dịch bằng thẻ thanh toán không tiếp xúc. Người dùng được trải nghiệm tính vượt trội của hình thức thanh toán này không chỉ thanh toán đơn giản hơn mà còn đảm bảo an toàn. Với Contactless, thẻ thanh toán sẽ không bao giờ rời khỏi tay, cho phép chủ thẻ vẫn kiểm soát được thẻ trong suốt quá trình giao dịch. Nếu dùng thẻ ATM để quẹt ở POS chủ thẻ vẫn sẽ phải đưa cho thu ngân quẹt thẻ nhưng nếu sử dụng thẻ thanh toán không tiếp xúc sẽ giảm thiểu rủi ro lây truyền virus (nếu có).
Hiện nay, các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt đã được phát triển khá nhiều, đặc biệt là tại các thành phố lớn như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội… với nhiều hình thức khác nhau như ví điện tử, ngân hàng số.
Người dùng có thể sử dụng các dịch vụ trên ví để phục vụ nhu cầu cuộc sống hàng ngày như chuyển tiền, nhận tiền miễn phí, nạp tiền điện thoại (trả trước, trả sau) của tất cả nhà mạng, thanh toán tại quầy của các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, quán cà phê, nhà hàng, hàng quán vỉa hè; mua vé máy bay, vé tàu, thanh toán các trang thương mại điện tử; thanh toán điện, nước, chung cư, dịch vụ công, vay tiêu dùng, bảo hiểm; thanh toán viện phí tại các bệnh viện…
Đẩy mạnh tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ là chủ trương của Chính phủ mà còn là xu hướng mang tính thời đại, đặc biệt có tác dụng hữu ích trong việc ngăn chặn các hành vi tham nhũng, trốn thuế, rửa tiền…
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định chủ trương tăng cường các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt đã được Ngân hàng Nhà nước định hướng từ lâu.
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước, cho biết tính đến cuối tháng 11/2019, số lượng giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đạt gần 146,040 triệu món, tương ứng với 87,591 triệu tỷ đồng (tăng 17,77% về số lượng và 32,49% về giá trị so với cùng kỳ năm 2018). Bình quân số lượng giao dịch đạt gần 635.000 giao dịch/ngày, giá trị giao dịch bình quân đạt trên 380.000 tỷ đồng/ngày. Tuy nhiên, đây vẫn là con số khiêm tốn trong tổng lượng giao dịch tiền mặt tại Việt Nam.
Dù tại thời điểm này chưa thể xác định tiền có là mối lo ngại lây lan dịch bệnh hay không thì một số nhà khoa học đã khuyến cáo người dân cũng nên dần chuyển sang các hình thức thanh toán số, tận dụng các tiện ích mà thương mại điện tử mang lại, thay vì giao tiếp trực tiếp và giao dịch tiền mặt với nhau trong giai đoạn nCoV bùng phát./.
Ý kiến ()