Đẩy mạnh thực hiện thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến
- Những năm qua, nhằm phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) qua dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Nhờ đó, hiện nay, việc sử dụng DVCTT trong thực hiện TTHC ngày càng trở nên phổ biến và được tổ chức, cá nhân ưu tiên lựa chọn.
Từ năm 2019, Lạng Sơn bắt đầu khai thác và sử dụng dịch vụ công đối với một số TTHC. Đến nay, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đã triển khai cung cấp 1.811 DVCTT (bao gồm cả DVCTT của Công ty Điện lực), trong đó 1.080 DVCTT toàn trình và 452 DVCTT một phần, còn 279 DVC ở mức cung cấp thông tin tra cứu. Với DVCTT, người dân có thể làm thủ tục ở bất cứ đâu, bất cứ giờ giấc nào, có thể theo dõi tiến độ, việc giải quyết các thủ tục và xác minh được tính công khai, minh bạch trong tiếp nhận và giải quyết hồ sơ.
Để người dân dễ dàng tiếp cận, sử dụng, thời gian qua, UBND tỉnh đã có nhiều giải pháp triển khai DVCTT trong toàn tỉnh. Cụ thể, hằng năm, UBND tỉnh đã ban hành quyết định giao chỉ tiêu tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ trực tuyến và tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến đối với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố (bao gồm cả cấp xã) năm trước cao hơn năm sau, đơn cử, năm 2024, UBND tỉnh giao chỉ tiêu tỷ lệ DVCTT phát sinh hồ sơ trực tuyến (90%) và tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến (từ 80% đến 95% đối với các sở, ngành; 85% đối với UBND các huyện, thành phố). Đồng thời, mỗi năm UBND tỉnh cũng thành lập đoàn kiểm tra, kiểm soát cải cách TTHC, trong đó bao gồm nội dung thực hiện TTHC qua DVCTT tại 11 cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh đến cấp xã và cơ quan ngành dọc trung ương đóng trên địa bàn.
Cùng với đó, UBND tỉnh chỉ đạo Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh phối hợp các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch chỉ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến đối với một số TTHC được cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại trung tâm. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, tại trung tâm có hơn 213 DVCTT phát sinh hồ sơ giải quyết trực tuyến chiếm 90% trên tổng số hơn 236 DVCTT phát sinh hồ sơ và tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến đạt 76%.
Ông Bùi Đức Trung, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh cho biết: Chúng tôi đã trang bị đầy đủ thiết bị phục vụ công việc cho 100% công chức tại quầy tiếp nhận, đồng thời, bố trí 4 máy tính phục vụ công dân tra cứu TTHC tại chỗ, 30 màn hình hiển thị thông tin thực hiện TTHC tại các quầy tiếp nhận… Đặc biệt, chúng tôi đã thành lập tổ hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện TTHC, dịch vụ bưu chính công ích, DVCTT gồm 26 thành viên do phó Giám đốc Trung tâm làm tổ trưởng. Nhờ đó, việc triển khai DVCTT đảm bảo yêu cầu đề ra, công chức, viên chức tiếp nhận và trả kết quả làm việc tại trung tâm đều nắm vững quy trình thực hiện dịch vụ công trực tuyến, hướng dẫn nhiệt tình, hiệu quả cho tổ chức, cá nhân đến thực hiện TTHC.
Tuyên truyền cũng là một trong những giải pháp quan trọng được các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến xã quan tâm triển khai. Theo đó, chính quyền đã chỉ đạo sát sao, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân tham gia bằng nhiều hình thức đa dạng như qua loa truyền thanh; qua tờ rơi, tập gấp... Đặc biệt, mỗi xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã thành lập 1 tổ công nghệ số cộng đồng, 1 tổ hướng dẫn người dân thực hiện TTHC, dịch vụ bưu chính công ích, DVCTT tại bộ phận “một cửa” thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, hướng dẫn người dân tạo tài khoản trên cổng dịch vụ công và thực hiện các thao tác thực hiện thủ tục trên môi trường mạng.
Ông Phùng Văn Quang, Chủ tịch UBND xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng cho biết: Hiện nay, chúng tôi vận hành tốt tổ hướng dẫn hỗ trợ người dân thực hiện TTHC, dịch vụ bưu chính công ích, DVCTT tại bộ phận “một cửa” với 10 thành viên do 1 đồng chí lãnh đạo UBND xã làm tổ trưởng. Theo đó, tổ hướng dẫn người dân tạo tài khoản, trình tự, thủ tục thực hiện, thành phần hồ sơ, cách thức thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến… Trung bình mỗi tháng, tổ hướng dẫn cho hơn 200 lượt người dân, 100% đều tỏ ra rất hài lòng với cách làm này. Ngoài ra, chúng tôi cũng chỉ đạo bộ phận chuyên môn xây dựng tin, bài đăng trên trang thông tin điện tử, fanpage của xã về các bước nộp hồ sơ trên dịch vụ công trực tuyến, giúp người dân thực hiện dễ dàng, thuận tiện.
Với sự vào cuộc tích cực của đơn vị, việc triển khai dịch vụ công ngày càng phổ biến và được người dân ưu tiên lựa chọn khi thực hiện TTHC vì tính ưu việt và tiện lợi của nó. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đã tiếp nhận hơn 96.048 hồ sơ TTHC, trong đó có hơn 80.535 hồ sơ tiếp nhận trực tuyến (chiếm 83,85%, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2023); 100% hồ sơ TTHC này đã được tiếp nhận, xử lý đúng quy định và trả đúng hạn.
Chị Hoàng Thị Thủy, thôn Quảng Trung 2, xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn hiện đang kinh doanh các mặt hàng thuốc thú y nên thỉnh thoảng có những thủ tục lĩnh vực thú y chị phải thực hiện. Hơn một năm trở lại đây, chị Thủy đã lập tài khoản và sử dụng cách thức nộp hồ sơ qua DVCTT tại nhà thay vì chạy ngược chạy xuôi đến tận Trung tâm Phục vụ hành chính công như trước. Chị Thủy chia sẻ: Từ lúc nộp hồ sơ qua DVCTT tôi thấy tiện lợi hơn trước rất nhiều, tiết kiệm được thời gian đi lại vì quãng đường từ nhà tôi đi đến trung tâm khá xa. Ngoài ra, so với cách nộp truyền thống thì thực hiện giao dịch trực tuyến giúp tôi có thể chủ đội theo dõi được tiến độ giải quyết hồ sơ của mình ngay trên hệ thống, góp phần minh bạch thông tin.
Việc đẩy mạnh thực hiện TTHC qua DVCTT còn góp phần tạo chuyển biến tích cực đối với kết quả chỉ số thành phần “xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số” nói riêng và chỉ số cải cách hành chính nói chung. Năm 2023, chỉ số thành phần “xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số” đạt 85%, tăng 16,95% và tăng 33 bậc so với năm 2022.
Việc nỗ lực triển khai thực hiện TTHC qua DVCTT đã đạt được kết quả tích cực, góp phần công khai, minh bạch quy trình giải quyết, giảm chi phí, tiết kiệm thời gian đi lại, tạo sự hài lòng của người dân. Thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường thực hiện TTHC qua DVCTT, trong đó, đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền nâng cao tỷ lệ người dân nộp hồ sơ trực tuyến.
Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn tỉnh đã tiếp nhận hơn 96.048 hồ sơ TTHC, trong đó có hơn 80.535 hồ sơ tiếp nhận trực tuyến (chiếm 83,85%, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2023); 100% hồ sơ TTHC này đã được tiếp nhận, xử lý đúng quy định và trả đúng hạn.
|
Ý kiến ()