Đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp
(LSO) – Chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới nhiệm kỳ 2015 – 2020 đạt được nhiều kết quả quan trọng. Để tiếp tục triển khai chương trình có hiệu quả, ông Lý Việt Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đóng góp ý kiến làm rõ thêm kết quả đạt được trong giai đoạn 2015 – 2020 và góp ý kiến về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện trong nhiệm kỳ 2020 – 2025.
Về dự thảo báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, ông Lý Việt Hưng cơ bản nhất trí với dự thảo báo cáo.
Ông Lý Việt Hưng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Tại nội dung đánh giá kết quả đạt được trong nhiệm kỳ 2015 -2020 về chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, lãnh đạo ngành nông nghiệp nhấn mạnh: việc thực hiện chương trình đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Theo đó, chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới được chú trọng, hướng vào phát triển các vùng sản xuất gắn với cây, con chủ lực, thế mạnh các ngành, nghề truyền thống, đặc sản của địa phương; từng bước hình thành, nhân rộng các mô hình liên kết kinh tế, hợp tác xã nông nghiệp; phát triển các vùng sản xuất an toàn theo các tiêu chuẩn tiên tiến, tập trung đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, xây dựng nhãn mác, thương hiệu để nâng cao giá trị sản phẩm;… Sản lượng lương thực hằng năm đạt trên 310 nghìn tấn. Phong trào trồng rừng phát triển, kinh tế đồi rừng đã và đang được người dân và doanh nghiệp hưởng ứng mạnh mẽ; bình quân hằng năm trồng rừng mới được trên 10,3 nghìn ha, nâng độ che phủ rừng từ 54,5% năm 2015 lên 63% năm 2020.
Chương trình xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo quyết liệt, toàn diện trên địa bàn tỉnh. Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội khu vực nông thôn được tăng cường đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, kết hợp nhà nước và nhân dân cùng làm;… Đến năm 2020, có 65/181 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 35,9%, bình quân toàn tỉnh đạt 12,7 tiêu chí/xã, tăng 5,3 tiêu chí/xã so với năm 2015; có 7 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; xây dựng được 180 khu dân cư kiểu mẫu; thành phố Lạng Sơn được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được triển khai có hiệu quả, có 20 sản phẩm được chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên.
Đối với nhiệm vụ giải pháp, nhiệm kỳ trước là thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới thì nhiệm kỳ 2020 – 2025 là đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, phát triển mạnh các sản phẩm chủ lực, hình thành vùng nguyên liệu tập trung gắn với cấp mã số vùng trồng đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng và truy xuất nguồn gốc; đẩy mạnh ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất, xây dựng nhãn hiệu và quảng bá sản phẩm để từng bước hình thành chuỗi giá trị từ sản xuất đến thị trường tiêu thụ. Phát triển chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại tập trung gắn với các cơ sở giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm;…
Thúc đẩy triển khai Chương trình OCOP nhằm phát triển các sản phẩm đặc sản của địa phương, phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới. Triển khai có hiệu quả chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi nhất thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển nông lâm nghiệp;…. Đặc biệt, phấn đấu có 32 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 12 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu và 1 huyện hoàn thành xây dựng nông thôn mới.
ĐỖ HOẠT
Ý kiến ()