Đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu kinh tế tỉnh Tiền Giang
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Tiền Giang.
Để đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu kinh tế tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2014 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, trong đó ưu tiên rà soát, giải quyết vướng mắc để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất và phát triển, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế – xã hội năm 2015. Phấn đấu hoàn thành mức cao nhất, đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế – xã hội do Đại hội IX của Đảng bộ Tỉnh đã đề ra. Tập trung chỉ đạo thành công Đại hội Đảng các cấp.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu kinh tế tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2014 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh và xuất khẩu, trong đó ưu tiên rà soát, giải quyết vướng mắc để hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất và phát triển. Khai thác, phát huy tốt hơn nữa tiềm năng, lợi thế so sánh, trước hết là vị trí địa lý, đầu mối giao thông… để vươn lên trở thành tỉnh khá của vùng và cả nước.
Huy động, sử dụng tốt mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, đê sông, đê biển gắn với ứng phó biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Tập trung phát triển sản phẩm du lịch riêng biệt; chú trọng mô hình du lịch đặc thù sông nước.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Hậu Giang đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Rà soát, điều chỉnh quy hoạch sản xuất nông nghiệp để có thể tiêu thụ được nông sản. Tiếp tục nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế để đầu tư phát triển nông nghiệp; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng chuyên canh, sản xuất hàng hóa gắn với chế biến, kinh doanh nông sản và doanh nghiệp để bảo đảm phát triển bền vững. Tăng cường liên kết trong sản xuất thông qua mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả các cơ quan hành chính nhà nước các cấp, đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường công tác lập lại trật tự, kỷ cương đô thị, trật tự an toàn giao thông; giải quyết kịp thời và có hiệu quả các vấn đề xã hội. Chú trọng làm tốt hơn nữa phát triển giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; thực hiện tốt các chính sách an ninh xã hội; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Theo CPV
Ý kiến ()