LSO-Thời gian qua, tình hình kinh tế - xã hội của Lạng Sơn đã có những chuyển biến tích cực: kinh tế có mức tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá và phát triển bền vững. Hệ thống cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm y tế, các công trình phúc lợi xã hội đang được quan tâm đầu tư; đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận quần chúng nhân dân được cải thiện qua từng năm. Hơn nữa, với lợi thế về Khu KTCK, Lạng Sơn đang đẩy mạnh thu hút đầu tư để từng bước tạo hướng chuyển dịch kinh tế một cách bền vững. Hạ tầng cửa khẩu Tân Thanh ngày càng phát triểnĐồng chí Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban quản lý Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn cho biết: Giải pháp quan trọng hàng đầu đã được tỉnh xác định đó là cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tập trung vào vấn đề cải cách hành chính theo cơ chế...
LSO-Thời gian qua, tình hình kinh tế – xã hội của Lạng Sơn đã có những chuyển biến tích cực: kinh tế có mức tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hoá và phát triển bền vững. Hệ thống cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm y tế, các công trình phúc lợi xã hội đang được quan tâm đầu tư; đời sống vật chất và tinh thần của đại bộ phận quần chúng nhân dân được cải thiện qua từng năm. Hơn nữa, với lợi thế về Khu KTCK, Lạng Sơn đang đẩy mạnh thu hút đầu tư để từng bước tạo hướng chuyển dịch kinh tế một cách bền vững.
Hạ tầng cửa khẩu Tân Thanh ngày càng phát triển
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban quản lý Khu KTCK Đồng Đăng – Lạng Sơn cho biết: Giải pháp quan trọng hàng đầu đã được tỉnh xác định đó là cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Tập trung vào vấn đề cải cách hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một đầu mối”, trong thu hút đầu tư với phương châm “đơn giản, thuận tiện, nhanh chóng, tin cậy”.
Hướng đi này đã và đang tạo nên một nền tảng bền vững để đẩy nhanh tốc độ phát triển. Trong 5 năm 2006 – 2010, hoạt động thu hút các nguồn vốn đầu tư đạt kết quả tích cực so với thời kỳ trước. Số lượng dự án triển khai tương đối lớn với tổng vốn đầu tư tăng mạnh. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội huy động được khoảng 19.500 tỉ đồng, gấp 2,1 lần thời kỳ 2001 – 2005. Theo dõi biểu thống kê tổng vốn đăng ký đầu tư trong nước từ 2006 đến nay, có thể thấy Lạng Sơn đang trở thành một mảnh đất mang lại nhiều triển vọng đối với các nhà đầu tư. Năm 2006, cả tỉnh chỉ thu hút được 3 dự án với tổng vốn đăng ký đầu tư trên 60 tỉ đồng, năm 2007 con số này đã là 30 dự án với tổng vốn đăng ký trên 2.500 tỉ đồng, năm 2008 là 64 dự án với tổng vốn đăng ký trên 4000 tỉ đồng. Và cao điểm nhất, trong năm 2009, Lạng Sơn có 42 dự án với tổng vốn đăng ký gần 5.300 tỉ đồng. Năm 2010, mặc dù tình hình kinh tế thế giới và trong nước có nhiều biến động, Lạng Sơn vẫn thu hút được 37 dự án với tổng vốn đăng ký gần 2000 tỉ đồng. Bước sang năm 2011, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 30 dự án đầu tư của các doanh nghiệp trong nước với tổng vốn đầu tư là 1.087 tỷ đồng và thực hiện điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 7 dự án đầu tư nước ngoài. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh có 31 dự án có vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đạt trên 241 triệu USD.
Có thể khẳng định kết quả thu hút đầu tư trong nước giai đoạn vừa qua rất đáng khích lệ về số lượng dự án, quy mô dự án cũng ngày càng lớn, các dự án tập trung vào những lĩnh vực có khả năng thu hồi vốn nhanh như thương mại, dịch vụ, kho tàng, bến bãi, khai thác và chế biến khoáng sản… tập trung tại các địa bàn có điều kiện về kết cấu hạ tầng tương đối phát triển, gần trung tâm đô thị, góp phần không nhỏ thúc đẩy sự phát triển của tỉnh trong thời gian qua. Không chỉ vậy, hướng đi của tỉnh trong việc thu hút đầu tư trong năm 2011 – năm đầu thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tinh lần thứ XV cũng đã những bước chuyển rõ nét. Số lượng đầu tư vào Lạng Sơn đã có sự chuyển hướng từ lĩnh vực những lĩnh vực cơ bản là xây dựng cơ sở hạ tầng sang lĩnh vực đầu tư xây dựng khách sạn, nhà hàng và hàng tiêu dùng. Và đặc biệt là chuyển hướng sang lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Các lĩnh vực thu hút đầu tư cũng được trải đều và phát huy tốt các tiềm năng thế mạnh của Lạng Sơn. Theo lĩnh vực đầu tư gồm có: 2 dự án sản xuất xi măng, tổng mức đầu tư 1.775 tỉ đồng; 7 dự án thủy điện tổng mức đầu tư 1.231 tỉ đồng; 24 dự án sản xuất công nghiệp, tổng mức đầu tư 916 tỷ đồng; 79 dự án khai thác khoáng sản, tổng mức đầu tư 1.331 tỉ đồng; 12 dự án trồng rừng, tổng mức đầu tư 1.900 tỉ đồng; 6 dự án hạ tầng, tổng vốn đầu tư 4.184 tỉ đồng; 12 dự án đầu tư khác, tổng mức đầu tư 344 tỉ đồng. Trong đó, một số dự án tiêu biểu như: Nhà máy nhiệt điện Na Dương đã vận hành với tổng vốn đầu tư 1.900 tỉ đồng, do Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam đầu tư; Công ty cổ phần xi măng Đồng Bành đã đưa vào vận hành nhà máy xi măng công suất 91 vạn tấn/năm tại huyện Chi Lăng, tổng vốn đầu tư 1.505 tỉ đồng…Ngoài ra, các nhà đầu tư đã quan tâm đầu tư ở một số lĩnh vực khác như kinh doanh bất động sản, dịch vụ lưu trú và ăn uống, khai khoáng… Tuy nhiên, một lĩnh vực mà tỉnh còn thiếu đó là cho đến nay, đầu tư tại Lạng Sơn mới tập trung ở những ngành nghề thông thường, chưa có dự án nào đầu tư ở lĩnh vực công nghệ cao với vốn đầu tư lớn.
So với cả nước, Lạng Sơn vẫn là tỉnh có lượng vốn đầu tư trong và ngoài nước thấp, tuy nhiên không thể phủ nhận những tiềm năng phát triển của tỉnh trong những giai đoạn tới. Khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn đang kêu gọi một lượng vốn đầu tư khổng lồ với những ưu đãi đặc thù của tỉnh dành cho doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Tỉnh cũng đã và đang thực hiện nhiều bước đi có tính đột phá trong việc cải thiện môi trường đầu tư trên địa bàn. Hy vọng với sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền, sự hợp tác tích cực của các nhà đầu tư, trong những năm tới, Lạng Sơn sẽ thực sự trở thành một “ thỏi nam châm” thu hút các nguồn lực đầu tư vì mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.
Trí Dũng
Ý kiến ()