Đẩy mạnh thị trường bán lẻ trong năm 2014
LSO-Theo thống kê của Sở Công thương Lạng Sơn, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong cả năm 2013 trên toàn địa bàn tỉnh đạt gần 12 nghìn tỷ đồng, tăng 29,35% so với năm 2012.
Qua con số này cho thấy, thị trường nội địa của tỉnh Lạng Sơn vẫn liên tục phát triển, sức mua của các khu vực dân cư vẫn tăng đều, đặc biệt trong các ngày lễ, tết. Thống kê của Sở Công thương Lạng Sơn cũng cho thấy, giá trị hàng hóa lưu chuyển qua các siêu thị, các chợ mới chỉ đạt khoảng 30% trên tổng mức lưu chuyển toàn tỉnh. Như vậy, để tăng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ, trong năm 2014, Sở Công thương sẽ còn nhiều việc phải làm.
Vừa qua, nhằm đảm bảo đủ nguồn hàng tiêu dùng và giữ giá ổn định, từ những tháng trước, Sở Công thương, Sở Tài chính đã cung ứng 20 tỷ đồng cho 4 doanh nghiệp vay ưu đãi với lãi suất 0% để thực hiện công tác bình ổn giá trong dịp tết Nguyên đán. Bốn doanh nghiệp tham gia bình ổn giá là: Doanh nghiệp tư nhân Trần Lệnh Thương, Công ty TNHH Hoa Lê Hoàng, Công ty Cổ phần Vật tư nông nghiệp và Công ty Giống cây trồng Lạng Sơn. Trong 4 doanh nghiệp này, chỉ có 2 doanh nghiệp tham gia cung ứng các loại hàng hóa tiêu dùng, 2 doanh nghiệp còn lại cung ứng nhu cầu về vật tư nông nghiệp, phục vụ sản xuất vụ Đông – Xuân sắp tới. Theo đăng ký, 2 doanh nghiệp Trần Lệnh Thương và Hoa Lê Hoàng đã mở khoảng 40 điểm bán hàng bình ổn giá và một số xe bán hàng lưu động. Tuy vậy, các điểm bán hàng này chắc chắn sẽ không đủ để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng trong dịp tết Nguyên đán này. Ví dụ điển hình cho thấy Lạng Sơn đang rất thiếu các doanh nghiệp cung ứng, phân phối hàng hóa bán lẻ, đặc biệt hàng tiêu dùng do Việt Nam sản xuất.
Khách hàng mua sắm hàng Việt tại Hội chợ thương mại năm 2013 – Ảnh: THANH SƠN |
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Hải, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 1.400 doanh nghiệp đang hoạt động, nhưng số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phân phối hàng hóa bán lẻ không nhiều, nhất là các doanh nghiệp có tiềm năng. Điểm qua cũng chỉ có khoảng 4 – 5 doanh nghiệp như: Doanh nghiệp tư nhân Trần Lệnh Thương, Công ty cổ phần Thành Đô, Công ty Thương mại và Xuất nhập khẩu Lạng Sơn và năm nay có thêm công ty TNHH Hoa Lê Hoàng. Chính việc thiếu đơn vị phân phối hàng hóa bán lẻ nên việc cung ứng hàng hóa tiêu dùng chủ yếu vẫn dựa vào các đầu mối của các công ty lớn ở các địa phương khác, kênh phân phối cũng chủ yếu dựa vào các đại lý đại diện của các doanh nghiệp. Việc qua nhiều tầng phân phối khiến giá cả hàng hóa thường bị đẩy lên. Chính điều này khiến việc thu hút doanh nghiệp hoạt động phân phối hàng hóa bán lẻ lớn đến lập trụ sở, đầu tư vào thị trường Lạng Sơn ngày càng trở nên cấp thiết.
Trên thực tế, ở một số địa phương khác như Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên…, một số tập đoàn phân phối hàng hóa bán lẻ lớn đã mở chuỗi siêu thị lớn như Metro, BigC…, từ những chuỗi siêu thị này, người tiêu dùng luôn có nhiều lựa chọn hàng hóa, đặc biệt là luôn được mua hàng với giá ưu đãi. Có nhiều doanh nghiệp cùng tham gia vào thị trường bán lẻ, được lợi nhất chính là người tiêu dùng. Là một tỉnh biên giới với tổng dân số hơn 73 vạn người dân, tiềm năng của Lạng Sơn là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, vấn đề là làm thế nào để thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào địa bàn mới là vấn đề khó khăn. Để giải quyết khó khăn này, trong năm 2014, Sở Công thương Lạng Sơn đã xây dựng một kế hoạch cụ thể. Theo đó, Sở Công thương sẽ tổ chức nhiều hội chợ, phiên chợ bán lẻ hàng Việt và chương trình đưa hàng Việt về nông thôn nhằm đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, qua đó quảng bá tiềm năng về thị trường nội tỉnh đến với các doanh nghiệp ở các địa phương khác.
Thu hút doanh nghiệp đầu tư mở mới các siêu thị, qua đó sẽ tăng lưu lượng hàng hóa bán lẻ |
Ông Nguyễn Quốc Hải cho biết rằng, ngoài công tác xúc tiến thương mại, thu hút các doanh nghiệp tham gia vào thị trường bán lẻ tại Lạng Sơn, trong năm 2014, Sở cũng sẽ tiếp tục tham mưu với UBND tỉnh về công tác thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng chợ trung tâm các huyện. Trong năm 2013, 2 chợ Đình Lập và chợ trung tâm thị trấn Đồng Mỏ đã mang lại những tín hiệu tích cực cho thị trường bán lẻ tại các địa phương này. Cùng với đó, thời gian tới, Sở Công thương sẽ rà soát lại các chợ, nhất là các chợ cụm xã, chợ xã. Vì thực chất hoạt động bán lẻ chủ yếu thông qua 2 kênh chính là các chợ và các cửa hàng đơn lẻ. Với đặc điểm của tỉnh miền núi, bà con các xã vẫn thường họp chợ theo phiên, do đó, tạo cơ sở hạ tầng cho chợ cụm xã, gián tiếp góp phần tăng sức mua tại khu vực nông thôn. Không những vậy, thời gian tới, Sở Công thương còn tuyên truyền vận động các doanh nghiệp phân phối hàng hóa bán lẻ trên địa bàn và các địa phương khác thường xuyên đưa hàng hóa tiêu dùng về cung ứng ở địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa.
Đó là một số giải pháp bước đầu mà Sở Công thương Lạng Sơn đang triển khai nhằm đẩy mạnh thị trường bán lẻ trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Hy vọng, với sự nỗ lực của mình, ngành Công thương Lạng Sơn sẽ hoàn thành kế hoạch đề ra cho năm 2014 với tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ đạt 13.610 tỷ đồng, tăng 14,97% so với năm 2013.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()