Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong thực hiện dịch vụ công
Sau tám tháng triển khai Cổng Dịch vụ công Quốc gia, đã có 51/63 địa phương (81%), 12 bộ, ngành, cơ quan (58%) hoàn thành kết nối; đồng thời cũng đã bảo đảm việc thanh toán thông qua tài khoản của 43/46 (93,5%) ngân hàng đang hoạt động tại Việt Nam.
Đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) tại Việt Nam là một trong những giải pháp được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, chỉ đạo, đặc biệt trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Trong đó, một trong những nội dung rất quan trọng là thanh toán phí, lệ phí và nghĩa vụ tài chính trong thực hiện dịch vụ công.
Tích hợp với hơn 13.000 đầu mối
Theo quy định, việc nộp phí, lệ phí công là một trong những bước phải hoàn thành trong giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công.
Thống kê từ Cơ sở dữ liệu Quốc gia về thủ tục hành chính, có khoảng 56% (3.786/6.798) thủ tục hành chính hiện nay có yêu cầu phí, lệ phí hoặc nghĩa vụ tài chính khác.
Việc TTKDTM đối với phí, lệ phí công có liên quan đến rất nhiều bên như: Cơ quan, đơn vị cung cấp dịch vụ công, Thuế, Kho bạc Nhà nước, ngân hàng, trung gian thanh toán.
Trước đây, để giúp người dân, doanh nghiệp TTKDTM, ngân hàng, trung gian thanh toán phải ký kết, tích hợp riêng lẻ với từng cơ quan, đơn vị cung cấp dịch vụ công.
Nếu tính đơn giản đầu mối ở 63 tỉnh, thành phố có khoảng 20 sở, ngành và cả nước có khoảng 700 đơn vị cấp huyện, 11.100 đơn vị cấp xã thì số đầu mối mà một ngân hàng/trung gian thanh toán có thể phải ký kết, tích hợp lên đến hơn 13.000 cơ quan.
Tương tự, nếu một cơ quan, đơn vị cung cấp dịch vụ công muốn đa dạng hóa đơn vị thanh toán cho người dùng cũng phải ký kết, tích hợp với 46 ngân hàng thương mại, 39 trung gian thanh toán.
Việc này dẫn đến lãng phí không nhỏ chi phí, thời gian, nguồn lực thực hiện, mà lại không chuẩn hóa, thống nhất được thông tin, dữ liệu, tiêu chuẩn kết nối, tích hợp phục vụ cho việc chia sẻ để thực hiện dịch vụ công.
Trao đổi với báo chí, đồng chí Mai Tiến Dũng, Uỷ viên T.Ư Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho biết, để khắc phục những bất cập trên hiện nền tảng thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công Quốc gia có chức năng hỗ trợ kết nối giữa cơ quan, đơn vị cung cấp dịch vụ công (thông qua Cổng Dịch vụ công, Hệ thống một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh), hệ thống Thuế, Kho bạc nhà nước và các ngân hàng, trung gian thanh toán để ngân hàng, trung gian thanh toán cung ứng các dịch vụ thanh toán trực tuyến cho các nghĩa vụ tài chính trong thực hiện dịch vụ công.
Như vậy, thay vì phải kết nối, tích hợp với hơn 13.000 đầu mối, nay ngân hàng, trung gian thanh toán chỉ cần tích hợp với Nền tảng thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công Quốc gia là có thể cung cấp được cho người dân, doanh nghiệp dịch vụ thanh toán trực tuyến trong thực hiện dịch vụ công – đồng chí Mai Tiến Dũng phân tích
Hệ thống này cũng cho phép các bộ, ngành, địa phương linh hoạt cung cấp dịch vụ, có thể thanh toán trực tuyến với tất cả các thủ tục hành chính, kể cả thủ tục chưa thực hiện trực tuyến và các hồ sơ nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.
Với việc chuẩn hóa dữ liệu, chuẩn hóa tiêu chuẩn kết nối, tích hợp, việc thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia cũng đã giải quyết được bài toán khâu nối với các bước tiếp theo trong quá trình thực hiện để các cơ quan, đơn vị cung cấp dịch vụ công có đủ căn cứ pháp lý và điều kiện công nhận chứng từ nộp ngân sách nhà nước có chữ ký số của ngân hàng, trung gian thanh toán là cơ sở để thực hiện các bước tiếp theo trong thực hiện dịch vụ công cho người dân, doanh nghiệp – đồng chí Mai Tiến Dũng nhấn mạnh.
Hơnn 38 nghìn giao dịch được thực hiện sau tám tháng
Bắt đầu đưa vào triển khai từ tháng 3-2020, đến nay, Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã có 51/63 địa phương (81%), 12 bộ, ngành, cơ quan (58%) hoàn thành kết nối với hệ thống thanh toán trực tuyến của Cổng Dịch vụ công Quốc gia và đang tiếp tục triển khai với các bộ, ngành, địa phương khác; đồng thời, cũng đã bảo đảm việc thanh toán thông qua tài khoản của 43/46 (93,5%) ngân hàng đang hoạt động tại Việt Nam.
Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã cung cấp các nhóm dịch vụ thanh toán trực tuyến gồm: (1) Phí, lệ phí dịch vụ hành chính công; (2) Thuế cá nhân, doanh nghiệp; (3) Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người dân và tổ chức sử dụng lao động; (4) Nộp phạt xử lý vi phạm hành chính; (5) Thanh toán tiền điện.
Theo thống kê, sau tám tháng triển khai, đã có hơn 38 nghìn giao dịch thanh toán trực tuyến trên Cổng. Trong đó, nhiều dịch vụ mới triển khai nhưng đã nhận được sự tin tưởng, đáp ứng đúng nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân như: Đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế cho hộ gia đình, cá nhân (hơn 16 nghìn giao dịch); Nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (hơn 5,3 nghìn giao dịch); Thanh toán phí, lệ phí dịch vụ hành chính công (hơn 10,6 nghìn giao dịch)…
“Đây là một tín hiệu tích cực, tôi tin với việc tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp về lợi ích của thanh toán trực tuyến và sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, thời gian tới kết quả này chắc còn phát triển hơn nữa” – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng chia sẻ.
Theo đồng chí Mai Tiến Dũng, thời gian tới, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng phục vụ với dịch vụ thanh toán trực tuyến; bảo đảm 100% bộ, ngành, địa phương hoàn thành việc tích hợp và triển khai cung cấp thanh toán trực tuyến phí, lệ phí trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, với ít nhất 50% số lượng thủ tục hành chính có yêu cầu nghĩa vụ tài chính trong năm 2021 và nâng dần tỷ lệ trong các năm tiếp theo;
Đồng thời mở rộng các nhóm dịch vụ thanh toán trực tuyến, nhất là các dịch vụ thanh toán thiết yếu liên quan đến thuế nội địa, xử lý vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý, viện phí, học phí; nâng tỷ lệ thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia tối thiểu 25% trên tổng số giao dịch thanh toán của dịch vụ công trong năm 2021.
Ý kiến ()