Ðẩy mạnh tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế
Ngày 15-2, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Thường trực Chính phủ làm việc với các tập đoàn, Tổng công ty 91 về triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2011. Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, đại diện lãnh đạo Đảng ủy Khối các doanh nghiệp T.Ư, một số bộ, ngành, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước (TĐ-TCTNN).Báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết: Năm 2010, tổng hợp tình hình của 21 tập đoàn, tổng công ty 91 (ngoại trừ Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam-Vinashin), quy mô vốn chủ sở hữu đạt 540.701 tỷ đồng, tăng 11,75% so năm 2009; tổng doanh thu ước đạt 1.173.489 tỷ đồng, bằng 122% kế hoạch năm, tăng 36% so năm 2009; 20/21 TĐ-TCTNN có lãi, tổng lợi nhuận trước thuế ước đạt 70.778 tỷ đồng.Về phương hướng, nhiệm vụ của các TĐ-TCTNN trong năm 2011, Ban chỉ đạo kiến nghị các đơn vị tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp (DN) theo tinh...
Ngày 15-2, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Thường trực Chính phủ làm việc với các tập đoàn, Tổng công ty 91 về triển khai nhiệm vụ, kế hoạch năm 2011. Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, đại diện lãnh đạo Đảng ủy Khối các doanh nghiệp T.Ư, một số bộ, ngành, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước (TĐ-TCTNN).
Báo cáo của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho biết: Năm 2010, tổng hợp tình hình của 21 tập đoàn, tổng công ty 91 (ngoại trừ Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam-Vinashin), quy mô vốn chủ sở hữu đạt 540.701 tỷ đồng, tăng 11,75% so năm 2009; tổng doanh thu ước đạt 1.173.489 tỷ đồng, bằng 122% kế hoạch năm, tăng 36% so năm 2009; 20/21 TĐ-TCTNN có lãi, tổng lợi nhuận trước thuế ước đạt 70.778 tỷ đồng.Về phương hướng, nhiệm vụ của các TĐ-TCTNN trong năm 2011, Ban chỉ đạo kiến nghị các đơn vị tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp (DN) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2011 của Chính phủ, trong đó, nêu nhiều giải pháp cụ thể đối với các bộ, ngành, TĐ-TCTNN, phấn đấu đạt mức tăng trưởng bình quân cả khối ở mức 15%. Hội nghị cũng đã nghe báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình triển khai Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ, trong đó nhấn mạnh tám nhóm giải pháp đối với các TĐ-TCTNN trong năm 2011.
Cũng tại hội nghị, các lãnh đạo TĐ-TCTNN báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh, phương hướng nhiệm vụ, kế hoạch năm 2011, cũng như kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) kiến nghị Chính phủ cho phép đơn vị được thực hiện giá bán than theo giá thị trường. Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) kiến nghị việc kinh doanh xăng dầu cần kiên định theo tinh thần của Nghị định số 84/2009/NĐ-CP, đồng thời đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng thương mại bán đủ lượng ngoại tệ cần thiết theo giá thị trường để đơn vị nhập khẩu xăng dầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân. Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) kiến nghị Chính phủ cần có các cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi cho các DN Việt Nam đầu tư ra nước ngoài đạt hiệu quả cao. Tập đoàn Công nghiệp Xi-măng Việt Nam (Vicem) kiến nghị TKV bán đủ lượng than cần thiết để các đơn vị thành viên Vicem hoàn thành kế hoạch sản xuất năm 2011. Nhiều DN khác cũng kiến nghị Chính phủ thúc đẩy quá trình cổ phần hóa (CPH) DN…
Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương và đánh giá cao các TĐ-TCTNN đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đạt nhiều thành tựu to lớn trong năm 2010. Thủ tướng mong muốn các TĐ-TCTNN, tiếp tục phát huy những thành tích đạt được, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ, mục tiêu và kế hoạch năm 2011. Các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đóng góp gần 40% GDP, thực sự đóng vai trò chủ đạo, làm nòng cốt cho phát triển kinh tế của đất nước. Nhìn lại năm năm qua, khi kinh tế thế giới suy thoái, thiên tai, dịch bệnh hoành hành thì nhờ có các DNNN mới bảo đảm cân đối vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, góp phần kiềm chế lạm phát, duy trì mức tăng trưởng khá cao. Cùng với tăng trưởng kinh tế, các DNNN còn đóng góp tích cực vào việc bảo đảm an sinh xã hội, phát triển các lĩnh vực y tế, giáo dục, tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm ổn định chính trị xã hội, an ninh quốc phòng, chủ quyền quốc gia, góp phần nâng cao vị thế của đất nước ở khu vực và quốc tế…
Thủ tướng nhấn mạnh: Nhiệm vụ trọng tâm của năm 2011 là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP từ 7 đến 7,5%. Điều đó đặt ra hàng loạt khó khăn, thách thức đối với các DNNN trong việc nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, cơ cấu lại nền kinh tế để đạt được sự tăng trưởng bền vững gắn với bảo đảm an sinh xã hội. Bên cạnh những mặt được, Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém của các DNNN, đó là năng suất, chất lượng, hiệu quả còn thấp, có DN còn làm ăn thua lỗ. Do đó, Thủ tướng chỉ đạo các DNNN năm 2011 phải thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
Xây dựng, tính toán kế hoạch sản xuất kinh doanh bám sát diễn biến tình hình; thực hiện chỉ đạo, điều hành quyết liệt ngay từ đầu năm 2011, năm đầu tiên của kế hoạch năm năm 2011-2015, với tinh thần trách nhiệm và đạt kết quả, hiệu quả cao, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Trong đó vai trò của người lãnh đạo (chủ tịch, tổng giám đốc) của các TĐ-TCTNN có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Đẩy mạnh quá trình CPH các DNNN, từ các công ty mẹ đến các công ty thành viên. Khâu trọng tâm trong đổi mới DNNN là CPH, đi liền quá trình cơ cấu lại DN. Tái cấu trúc nền kinh tế chính là tái cấu trúc DN. Điều này đòi hỏi các DN cần đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ, phương pháp quản lý tiên tiến để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh. Tiến hành CPH phải đạt hiệu quả cao, khắc phục tình trạng DN đầu tư tràn lan, dàn trải, kém hiệu quả.
Hoàn thiện các cơ chế quản trị DN, trong đó sớm ban hành điều lệ, quy chế nội bộ (tài chính, đầu tư, cán bộ…), hoàn thiện cơ chế về tổ chức bộ máy. Tất cả nhằm gắn quyền với trách nhiệm, kiểm tra, giám sát chặt chẽ.
Quan tâm, xây dựng sự đoàn kết, nhất trí trong nội bộ; quan tâm công tác xây dựng Đảng trong DNNN; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có năng lực, phẩm chất, tâm huyết và trách nhiệm với công việc, chấp hành pháp luật của nhà nước.
Đối với vấn đề Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam là quốc gia biển, phải phát triển ngành đóng tàu biển, đi lên làm giàu từ biển. Do đó, Vinashin cần phải nỗ lực vượt mọi khó khăn, vươn lên, phấn đấu năm 2012 hết lỗ và bắt đầu có lãi trong sản xuất kinh doanh.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, về phía Chính phủ và các bộ, ngành sẽ có trách nhiệm tập trung bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô (tỷ giá, lãi suất, kiểm soát lạm phát, ổn định giá cả…) để tạo điều kiện cho các DN phát triển sản xuất kinh doanh và nâng cao sức cạnh tranh trong nước cũng như thế giới. Thủ tướng cũng khẳng định, giá xăng dầu, than sẽ thực hiện nhanh theo cơ chế thị trường. Trước mắt, giá than bán cho các hộ sản xuất xi-măng, phân bón, giấy sẽ thực hiện ngay theo giá thị trường. Còn giá than bán cho các nhà máy điện cần phải tính toán bởi giá điện sẽ phải thực hiện theo lộ trình, đi từng bước, phù hợp khả năng của nền kinh tế. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng khẳng định, giá điện bao cấp mãi sẽ làm 'méo mó' nền kinh tế, thậm chí không khuyến khích tiết kiệm điện, không đầu tư đổi mới thiết bị tiết kiệm năng lượng.
Hoàn thiện các cơ chế, thể chế quản lý của chủ sở hữu đối với DNNN. Tăng cường phân cấp trên cơ sở giao quyền tự chủ cho DN, không gây phiền hà cho DN nhưng tăng cường sự quản lý, giám sát của chủ sở hữu bảo đảm các DNNN hoạt động đúng pháp luật, tuân thủ các quy định…
Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ tập hợp các ý kiến đóng góp tại hội nghị để báo cáo Chính phủ và giao các bộ, ngành xem xét, xử lý, giải quyết nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các DNNN.
Theo Nhandan
Ý kiến ()