Đẩy mạnh sản xuất vật liệu xây không nung
(LSO) – Với nhiều ưu điểm như: giá thành rẻ, độ bền cao, cách âm, cách nhiệt tốt… trong những năm gần đây, vật liệu xây không nung đã được nhiều người dân ưa chuộng, lựa chọn để xây dựng nhà, công trình phụ trợ… Đây là hướng đi phù hợp với chủ trương của Chính phủ, mang tới nhiều lợi ích cho xã hội.
Vật liệu xây không nung gồm các loại như: gạch bê tông xi măng; gạch bê tông khí chưng áp, gạch silicat… Tại Lạng Sơn, vật liệu xây không nung được sản xuất và sử dụng nhiều nhất là gạch bê tông xi măng gồm: gạch bê tông đặc, gạch bê tông rỗng và gạch block bê tông…
Thực tế, từ những năm 2006 – 2008, trên địa bàn tỉnh đã có một số cơ sở sản xuất và sử dụng gạch không nung. Tuy nhiên, thời điểm đó, các cơ sở sản xuất theo phương thức thủ công với công suất nhỏ, chủ yếu phục vụ gia đình và các hộ xung quanh. Vì vậy, gạch sản xuất ra nhưng mẫu mã chưa phong phú, chưa thực sự được người tiêu dùng ưa chuộng.
Người dân xã Chiến Thắng, huyện Chi Lăng sản xuất gạch bê tông xi măng
Đến năm 2010, khi có Quyết định số 567/QĐ-TTg ngày 28/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển vật liệu xây không nung đến năm 2020, cùng với chủ trương của tỉnh, phong trào sản xuất gạch không nung trên địa bàn tỉnh mới bắt đầu phát triển. Từ đó, nhiều cơ sở sản xuất vật liệu xây không nung theo quy chuẩn được thành lập và đi vào hoạt động như: Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư và xây dựng Phú Lộc; Công ty TNHH MTV Sơn Đức Bắc Sơn; Công ty Cổ phần ACC 78; Công ty TNHH Hồng Phong….
Theo thống kê của Sở Xây dựng, toàn tỉnh hiện có 9 doanh nghiệp sản xuất gạch bê tông đã thực hiện chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy sản phẩm phù hợp với các quy định kỹ thuật của Bộ Xây dựng, đáp ứng điều kiện lưu thông trên thị trường với công suất thiết kế 150 triệu viên/năm.
Đặc biệt, ngoài các công ty sản xuất quy mô lớn, hiện nay, toàn tỉnh còn có gần 300 cơ sở sản xuất quy mô nhỏ (hộ gia đình) với sản lượng trung bình trên 80 triệu viên/năm. Các cơ sở này có ở tất cả các huyện, trong đó, tập trung nhiều nhất tại một số huyện như: Chi Lăng, Hữu Lũng, Bắc Sơn, Văn Quan, Bình Gia, Cao Lộc…
Ông Hoàng Doãn Mỵ, thôn Đon Úy, xã Tân Hương, huyện Bắc Sơn cho biết: Nắm bắt nhu cầu của thị trường, năm 2015, tôi đầu tư xưởng sản xuất gạch bê tông với 1 máy, công suất 1.500 viên/ngày. Thế nhưng vào những tháng cao điểm (tháng giêng, tháng 2 và từ tháng 8 âm lịch đến Tết Nguyên đán), cơ sở sản xuất không đủ cung cấp cho bà con nên năm 2017, tôi đã lắp thêm 2 máy, nâng công suất sản xuất lên gần 4.000 viên/ngày. Hiện nay, bình quân mỗi tháng, tôi bán được từ 1,5 đến 2 vạn viên (tăng từ 500 – 700 viên/tháng so với năm 2015).
Với nhiều ưu điểm, hiện gạch không nung được rất nhiều gia đình lựa chọn để xây dựng nhà ở; bếp; nhà kho; xưởng chế biến; cửa hàng; chuồng trại chăn nuôi hay công trình vệ sinh…
Ông La Văn Sơn, thôn Nà Dạ, xã Chiến Thắng, huyện Chi Lăng cho biết: Năm 2009, tôi đặt mua gạch bê tông xi măng để xây nhà cấp 4. Tôi thấy nhà xây bằng gạch bê tông xi măng thi công nhanh, giá thành hợp lý, chất lượng được đảm bảo nên từ đó xây cửa hàng, bếp… tôi đều chọn loại gạch này.
Không chỉ gia đình ông Sơn, hiện nay, tại hầu hết các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều đã có các công trình từ tư nhân đến nhà nước sử dụng gạch bê tông không nung cho các công trình xây dựng của mình. Đặc biệt, tại các huyện, phong trào sản xuất và sử dụng gạch không nung ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Ông Đỗ Minh Tuấn, Trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Văn Lãng cho biết: Thực hiện chủ trương của Chính phủ, từ năm 2010, phòng đã tham mưu cho UBND huyện tăng cường tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng vật liệu xây không nung để xây dựng các công trình dân sinh; hướng dẫn các đơn vị sản xuất vật liệu xây không nung chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường. Đồng thời, thực hiện các thủ tục công bố hợp quy, hợp chuẩn theo quy định. Từ đó đến nay, hoạt động sản xuất vật liệu không nung trên địa bàn huyện ngày càng được mở rộng. Toàn huyện hiện có 16 cơ sở sản xuất; tỷ lệ sử dụng gạch không nung trên địa bàn chiếm 80%. Đặc biệt, 100% công trình của huyện (từ nguồn vốn công) đều sử dụng gạch không nung.
Việc sử dụng vật liệu xây không nung sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực như: tiết kiệm tài nguyên đất; tiết kiệm nhiên liệu, năng lượng, giảm khí thải; giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền cùng nhiều lợi ích thiết thực của vật liệu xây không nung, hiện nay, tỷ lệ sử dụng gạch không nung trên địa bàn tỉnh đã lên đến 60%. Đây là hướng đi tích cực, phù hợp với xu thế, góp phần quan trọng trong bảo vệ môi trường.
NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến ()