Ðẩy mạnh sản xuất, tham gia bình ổn giá giấy
Sản xuất giấy tại Công ty Giấy Bãi Bằng (Tổng công ty Giấy Việt Nam). ( Ảnh: Huy Hùng )Triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, Hội đồng thành viên (HĐTV) và lãnh đạo Tổng công ty Giấy Việt Nam (TCT) đã xây dựng, triển khai các giải pháp và chương trình hành động trong toàn TCT với mục tiêu phát triển sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng và tập trung nguồn vốn đầu tư phát triển cho các dự án trọng điểm, từ đó tạo đủ việc làm và thu nhập, ổn định đời sống người lao động.Đẩy mạnh sản xuất,giảm chi phí đầu vàoTrước những biến động bất lợi cho sản xuất giấy do chi phí đầu vào tăng, trong những tháng còn lại của năm 2011, để bảo đảm kế hoạch sản xuất giấy, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, giải pháp có tính căn cơ được áp dụng trong toàn TCT là phấn đấu giảm đến mức thấp nhất các yếu tố đầu vào, tăng hiệu quả...
|
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, Hội đồng thành viên (HĐTV) và lãnh đạo Tổng công ty Giấy Việt Nam (TCT) đã xây dựng, triển khai các giải pháp và chương trình hành động trong toàn TCT với mục tiêu phát triển sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng và tập trung nguồn vốn đầu tư phát triển cho các dự án trọng điểm, từ đó tạo đủ việc làm và thu nhập, ổn định đời sống người lao động.
Đẩy mạnh sản xuất,giảm chi phí đầu vào
Trước những biến động bất lợi cho sản xuất giấy do chi phí đầu vào tăng, trong những tháng còn lại của năm 2011, để bảo đảm kế hoạch sản xuất giấy, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, giải pháp có tính căn cơ được áp dụng trong toàn TCT là phấn đấu giảm đến mức thấp nhất các yếu tố đầu vào, tăng hiệu quả sản xuất. Trong quá trình sản xuất bột giấy và giấy cần tìm kiếm nhiều giải pháp kỹ thuật, tăng tỷ lệ sử dụng nước thu hồi và hơi thu hồi ở các lò hơi. Đối với Nhà máy giấy Bãi Bằng, trên cơ sở đầu tư công nghệ, khai thác, tận thu nhiệt từ lò hơi đốt than, vừa sản xuất hơi phục vụ sản xuất bột giấy và giấy, vừa tăng khả năng phát điện phục vụ sản xuất. Phấn đấu bảo đảm tự cung ứng 80% lượng điện cho nhà máy, giảm lượng điện mua từ lưới, khai thác triệt để vòng tuần hoàn nhiệt trong quá trình sản xuất, góp phần giảm chi phí, hạ giá thành để nâng cao sức cạnh tranh. Đồng thời, tăng tỷ lệ sử dụng máy móc, thiết bị, hóa chất, vật tư sản xuất trong nước, giảm lượng hóa chất nhập khẩu. Đây là yếu tố quan trọng trực tiếp làm giảm chi phí đầu vào, triệt để thực hành tiết kiệm trong sản xuất, đi đôi với tích cực áp dụng các biện pháp quản lý kỹ thuật, hạn chế đến mức thấp nhất các chi phí bảo dưỡng, sửa chữa thiết bị, nhập khẩu hàng hóa, vật tư phục vụ các công trình đang xây dựng.
Để bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng nguyên liệu giấy, TCT tăng cường công tác quản lý, kiểm tra giám sát chất lượng rừng trồng. Phấn đấu giảm tỷ lệ hao hụt về diện tích và sản lượng gỗ khi thu hoạch, phối hợp với địa phương xử lý kịp thời các vụ tranh chấp, lấn đất trồng rừng. Các công ty lâm nghiệp phối hợp các phòng chức năng của TCT và Viện nghiên cứu cây nguyên liệu giấy xây dựng phương án kinh doanh rừng bền vững hiệu quả, phấn đấu giảm tỷ lệ hao hụt diện tích rừng trồng xuống dưới 10%, tăng năng suất rừng trồng đạt từ 100 đến 120 m3/ha/chu kỳ trong thời gian tới.
Trong tình hình khó khăn như hiện nay, để bảo đảm lượng giấy cung ứng cho tiêu dùng, góp phần bình ổn thị trường mặt hàng giấy, các nhà máy phải đẩy mạnh sản xuất. Trong năm 2011, TCT phấn đấu đạt mục tiêu sản xuất và tiêu thụ 315 nghìn tấn giấy các loại.
Cùng với duy trì sản xuất, TCT triển khai kế hoạch phát triển và mở rộng thị trường trong nước thông qua xây dựng chính sách, cơ chế bán hàng linh hoạt. Xây dựng và hoàn thiện quy chế tiêu thụ sản phẩm, bảo đảm giá bán giấy ở mức hợp lý, tạo điều kiện cho người có thu nhập thấp có thể tiếp cận được sản phẩm của TCT. Tiếp tục nghiên cứu mở rộng thị trường xuất khẩu cho những mặt hàng truyền thống như giấy in, giấy viết, dăm mảnh, dụng cụ đồ dùng học sinh… Phấn đấu đạt giá trị xuất khẩu 45 triệu USD trong năm 2011.
Tập trung vốn cho bốn dự án trọng điểm
Năng lực sản xuất giấy trong nước hiện nay vẫn chưa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Hằng năm lượng giấy nhập khẩu phục vụ các nhu cầu giấy in, giấy viết vẫn còn khá lớn, khoảng từ 240 đến 250 nghìn tấn. Lượng giấy nhập khẩu này có liên quan trực tiếp đến vấn đề nhập siêu. Để bảo đảm cân đối cung – cầu, góp phần thực hiện chủ trương giảm nhập siêu trong những năm tới, hiện nay theo chỉ đạo của Chính phủ, TCT đang triển khai khẩn trương bốn dự án nhóm A gồm: Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy bột giấy Phương Nam, dự án mở rộng Nhà
máy giấy Bãi Bằng giai đoạn 2 và hai dự án đầu tư phát triển vùng nguyên liệu. Để đạt được mục tiêu tiến độ, sớm có thêm nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng, chủ động bình ổn giá giấy trong nước năm 2011, TCT tập trung ưu tiên vốn để thực hiện bốn dự án trọng điểm này. Đặc biệt từ đầu năm đến nay với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Bộ Công thương, tiến độ xây dựng Nhà máy bột giấy Phương Nam được đẩy nhanh. Đến nay đã xây dựng xong nhiều hạng mục công trình như: nhà ở, nhà làm việc, đang khẩn trương lắp đặt dây chuyền sản xuất bột giấy chính, TCT phấn đấu đến tháng 9 sẽ đưa nhà máy vào vận hành, đồng thời lập dự án bổ sung dây chuyền sản xuất bột giấy từ gỗ cứng trình Chính phủ xem xét. Tổng vốn đầu tư xây dựng dự án hơn 4.000 tỷ đồng, khi đi vào sản xuất hằng năm sẽ sản xuất hơn 100 nghìn tấn bột giấy.
Dự án mở rộng Nhà máy giấy Bãi Bằng giai đoạn 2 do TCT làm chủ đầu tư với số vốn hơn 5.000 tỷ đồng. Dự án đang thi công san lấp mặt bằng, xây dựng khu tái định cư và hệ thống đường vào nhà máy… Công suất của Nhà máy giấy Bãi Bằng hiện nay đạt đến 120 nghìn tấn/năm, khi hoàn thành đầu tư giai đoạn 2 sẽ nâng công suất bột giấy lên 320 nghìn tấn/năm. Đây là dự án có ý nghĩa quan trọng, liên quan tới mở rộng năng lực và quy mô sản xuất các loại giấy in, giấy viết, giảm nhập siêu. Để bảo đảm tiến độ, TCT đã ký hợp đồng mua thiết bị, trình Chính phủ phương án xin bảo lãnh phần vốn vay nước ngoài để nhập khẩu thiết bị.
Quá trình xây dựng các nhà máy luôn gắn chặt với chiến lược phát triển vùng nguyên liệu. Dự án đầu tư vùng nguyên liệu giấy thuộc sáu tỉnh miền núi phía bắc và tỉnh Thanh Hóa đã được Chính phủ phê duyệt và đang triển khai kế hoạch trồng rừng hằng năm. Hiện nay, dự án đã hình thành vùng nguyên liệu ổn định lâu dài cho hai nhà máy giấy Bãi Bằng và Thanh Hóa. Hằng năm diện tích trồng mới của TCT từ 3.500 đến 4.000 ha theo hai hình thức: TCT đầu tư cho các đơn vị lâm nghiệp và liên kết với hộ dân trồng rừng. Trong năm 2011, trước những khó khăn về đời sống, giá cả hàng hóa tăng, để bảo đảm thu nhập và đời sống cho người trồng rừng ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, góp phần thực hiện công tác an sinh xã hội theo tinh thần của Nghị quyết 11/NQ-CP, TCT tiếp tục tăng cường đầu tư trồng rừng đến các hộ dân sống trong vùng nguyên liệu… Đi đôi với đầu tư trồng rừng, tăng cường công tác quản lý, kiểm tra giám sát chất lượng để nâng cao hiệu quả đầu tư trồng rừng nguyên liệu. Hiện nay, kế hoạch trồng rừng theo chỉ đạo của Chính phủ đang được triển khai khẩn trương. Năm 2010 đã trồng xong 3.800 ha với số vốn đầu tư 113 tỷ đồng. Theo đánh giá, chất lượng rừng trồng tốt, đang vào thời kỳ chăm sóc, bảo vệ. Năm 2011, tình hình vốn vay cho trồng rừng phát triển vùng nguyên liệu gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, kế hoạch trồng mới với lượng vốn cần 130 tỷ đồng cho diện tích 3.800 ha nhưng đến nay nguồn vốn vay từ cân đối của Nhà nước chưa được xác định. Vì thế, TCT đang tập trung huy động thông qua nhiều kênh: vay của cán bộ, công nhân, viên chức, vay ngân hàng thương mại… để bảo đảm huy động đủ 30% cơ cấu vốn cho trồng rừng năm nay. Đây là cố gắng rất lớn để phát triển vùng nguyên liệu cho lâu dài, đồng thời trực tiếp tạo ra việc làm cho hàng nghìn hộ dân trồng rừng ở vùng sâu, vùng xa. Để thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển công nghiệp giấy và phát triển vùng nguyên liệu năm 2011, đề nghị Chính phủ sớm quan tâm giải quyết nguồn vốn cho trồng rừng và bảo lãnh cho Tổng công ty vay phần vốn mua thiết bị máy móc cho dự án mở rộng nhà máy giấy Bãi Bằng giai đoạn 2.
Theo Nhandan
Ý kiến ()