Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn
– Thời gian qua, người dân trên địa bàn tỉnh không chỉ mở rộng diện tích cây trồng mà còn chú trọng phát triển theo hướng sản xuất nông nghiệp sạch, theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, sản xuất an toàn. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường, gia tăng giá trị cho sản phẩm.
Từ năm 2012, gia đình ông Nguyễn Văn Báo, thôn Tân Nhiên, xã Nhật Tiến, huyện Hữu Lũng bắt đầu trồng bưởi Diễn với diện tích 0,5 ha. Tuy nhiên, thời điểm đó, ông trồng và chăm sóc theo phương pháp truyền thống, hiệu quả kinh tế chưa được cao. Đến năm 2019, theo định hướng của UBND xã và được sự hướng dẫn của cán bộ chuyên môn, ông chuyển sang trồng và chăm sóc bưởi theo quy trình VietGAP. Ông Báo cho biết: Tham gia mô hình trồng, chăm sóc bưởi theo quy trình VietGAP, tôi được Nhà nước hỗ trợ phân bón, hệ thống tưới nhỏ giọt và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc an toàn nên 0,5 ha bưởi Diễn cho quả đẹp hơn, thị trường tiêu thụ thuận lợi hơn. Từ năm 2019 đến nay, trung bình mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình tôi thu về trên 150 triệu đồng, cao hơn 10% so với những năm trước đó.
Người dân xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng chăm sóc cây na
Ông Lương Văn Bính, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hữu Lũng cho biết: Toàn huyện có trên 4.800 ha cây ăn quả. Chúng tôi khuyến khích bà con duy trì diện tích và chú trọng áp dụng các quy trình VietGAP, GlobalGAP nhằm đem lại giá trị kinh tế cao và đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Đến nay, diện tích cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP toàn huyện đạt trên 460 ha (tăng hơn 200 ha so với năm 2019. Trong năm 2020, tổng doanh thu từ cây ăn quả của huyện đạt khoảng 800 tỷ đồng, tăng khoảng 20% so với năm 2018; thu nhập của người trồng cây ăn quả tăng từ 15 đến 20% so với năm 2018.
Còn tại huyện Chi Lăng, tính đến hết năm 2020, toàn huyện có khoảng 3.400 ha cây ăn quả. Riêng đối với cây na có hơn 1.900 ha, trong đó diện tích na sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP 35 ha (tăng 30ha so với năm 2018); diện tích na theo tiêu chuẩn VietGAP 410,7 ha (tăng hơn 250 ha so với năm 2018); diện tích cây có múi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP 138 ha. Để nâng cao giá trị sản phẩm, huyện Chi Lăng đã chú trọng triển khai các biện pháp nhằm phát triển sản xuất na theo hướng nông nghiệp tốt. Theo đó, trung bình mỗi năm, các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức khoảng 20 lớp chuyển giao khoa học, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn quả (trong đó có kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP) cho hơn 1.000 lượt người tham gia.
Không chỉ có huyện Hữu Lũng, Chi Lăng, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh cũng đã tập trung phát triển cây ăn quả, rau màu theo hướng sản xuất nông nghiệp tốt. Như tại huyện Cao Lộc, thời gian qua, huyện đã quan tâm phát triển vùng sản xuất rau an toàn, tập trung ở xã Gia Cát và Tân Liên. Riêng năm 2020, huyện đã hình thành chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau, củ, quả giữa Công ty Đầu tư phát triển nông nghiệp xanh An Gia với 2 HTX, gồm: HTX Rau, củ, quả sạch Gia Cát và HTX Rau, củ, quả sạch Tân Liên. Theo đó, tổng diện tích rau sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 12 ha, sản lượng đạt trên 144 tấn, giá trị đem lại đạt trên 1,7 tỷ đồng.
Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, toàn tỉnh có trên 1.350 ha diện tích cây ăn quả, rau đặc sản được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, gồm các loại cây ăn quả như: táo, na, bưởi, dứa, hồng và một số loại cây khác như: rau xanh, chè…
Thời gian qua, công tác đào tạo, tập huấn, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã được các cơ quan chuyên môn triển khai tích cực. Từ năm 2016 đến nay, các cơ quan chuyên môn đã tổ chức được hơn 6.700 lớp tập huấn kỹ thuật (trong đó có nội dung sản xuất nông nghiệp an toàn) với hơn 254.700 lượt người tham dự. Cùng đó, để phát triển diện tích cây trồng áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến đó, các cơ quan chuyên môn của tỉnh đã hỗ trợ các huyện triển khai các mô hình trên cây ăn quả, rau màu. Điển hình như Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, trong giai đoạn 2018-2020, Chi cục đã triển khai thực hiện được 8 mô hình sản xuất cây ăn quả như: na, quýt, hồng, chanh rừng theo tiêu chuẩn VietGAP. Địa điểm thực hiện tại các huyện: Văn Lãng, Tràng Định, Chi Lăng, Hữu Lũng, Bắc Sơn, Lộc Bình với diện tích trên 261 ha, tổng kinh phí trên 1,7 tỷ đồng. Cùng đó, tổ chức tuyên truyền về sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, chuyển giao khoa học kỹ thuật được 55 cuộc, trên 1.800 lượt người tham gia.
Bà Hoàng Thị Ái, quyền Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết: Qua theo dõi về năng suất, các vườn cây ăn quả thực hiện mô hình VietGAP đạt năng suất cao hơn các vườn ngoài mô hình. Bên cạnh đó, chi phí đầu tư cho sản xuất trong mô hình thấp hơn bởi các hộ kiểm soát được sâu bệnh ngay từ đầu vụ, giảm được số lần phun thuốc bảo vệ thực vật, giảm số lượng công lao động. Mặt khác, giá bán sản phẩm được chứng nhận VietGAP cao hơn và dễ tiêu thụ hơn sản phẩm chưa được chứng nhận VietGAP.
Việc đẩy mạnh sản xuất theo hướng nông nghiệp tốt, an toàn, đảm bảo môi trường trên địa bàn tỉnh, giúp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hiện nay, các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh không chỉ tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh mà còn vươn xa ra các tỉnh bạn. Qua đó, tăng thu nhập cho các hộ dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 15,83% năm 2018 xuống còn 7,89% năm 2020
Ý kiến ()