Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh để thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tình hình kinh tế những tháng đầu năm 2014 đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều thách thức, khó khăn. Vì vậy, để thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế năm 2014, các ngành, các cấp, các địa phương cần nỗ lực hơn nữa nhằm thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Nền kinh tế tiếp tục phục hồi
Thực tiễn cho thấy, trong bối cảnh nền kinh tế nước ta phải chịu tác động trực tiếp của khủng hoảng kinh tế thế giới, nhưng chỉ bị suy giảm, chứ không rơi vào tình trạng suy thoái như nhiều nước khác. Chúng ta đã thực hiện được mục tiêu ngăn chặn suy giảm kinh tế. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2014 ước tính tăng 4,96% so với cùng kỳ năm 2013, cao hơn mức tăng cùng kỳ của 3 năm trở lại đây (mức tăng GDP quý I so với cùng kỳ năm trước của năm 2012 là 4,75%; năm 2013 là 4,76%). Về cơ bản, trong toàn nền kinh tế, cả ba khu vực đều đạt mức tăng cao hơn mức tăng cùng kỳ năm trước: Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,37%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,69%; khu vực dịch vụ tăng 5,95%. Từ số liệu này cho thấy, khu vực dịch vụ tiếp tục đóng góp nhiều nhất vào mức tăng trưởng chung. Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, tuy mức tăng của cả khu vực không cao, ở mức 4,69% so với cùng kỳ năm 2013, nhưng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng khá với 7,3%, cao hơn nhiều mức tăng cùng kỳ một số năm trước, đã góp phần tác động lớn đến mức tăng trưởng chung. 4 tháng đầu năm 2014, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,4%, cao hơn mức tăng 4,8% của cùng kỳ năm trước.
Ngành nông, lâm, thuỷ sản cũng phát triển ổn định. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản quý I ước tính đạt 165 nghìn tỷ đồng, tăng 2,43% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp đạt 126,7 nghìn tỷ đồng, tăng 2,01%; lâm nghiệp đạt 5,7 nghìn tỷ đồng, tăng 4,8%; thủy sản đạt 32,6 nghìn tỷ đồng, tăng 3,71%. Có thể thấy, sự phát triển ổn định của ngành nông, lâm, thuỷ sản đã tạo điều kiện quan trọng để phát triển kinh tế, khắc phục những thiệt hại do thiên tai gây ra, ổn định xã hội và nâng cao đời sống nhân dân. Đồng thời, sự phát triển ổn định của ngành nông, lâm, thuỷ sản cũng góp phần quan trọng trong việc mở rộng thêm thị trường tiêu thụ sản phẩm của công nghiệp và dịch vụ.
Kinh tế vĩ mô về cơ bản được ổn định, các cân đối thu chi ngân sách, tiền tệ, cán cân thanh toán, lạm phát được kiềm chế ở mức thấp. Giá tiêu dùng tháng 4 so với tháng 12/2013 tăng 0,88%, thấp nhất trong 4 năm qua. Theo Vụ Chính sách tiền tệ, tình hình tiền tệ và hoạt động ngân hàng diễn biến hết sức tích cực. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đã giảm mạnh, thanh khoản và an toàn hoạt động của hệ thống được đảm bảo, tỷ giá ổn định, niềm tin vào đồng Việt Nam được nâng cao. Những ngày gần đây, trước diễn biến phức tạp trên Biển Đông, thị trường tiền tệ và hoạt động ngân hàng vẫn diễn ra thông suốt. Tính đến ngày 16/5, huy động của hệ thống tăng 0,55% so với cuối tháng 4 và tăng 3,96% so với cuối năm 2013. Mặt bằng lãi suất huy động ổn định, lãi suất cho vay tiếp tục có xu hướng giảm nhẹ, lãi suất liên ngân hàng trong tầm kiểm soát. Việc hỗ trợ lãi suất cũng góp phần tạo thuận lợi giúp cho doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, phục hồi sản xuất, vừa hỗ trợ cho việc phát triển ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Điểm đáng chú ý, trước những thiệt hại của các doanh nghiệp trước diễn biến phức tạp trên Biển Đông, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài bị ảnh hưởng do các hành động quá khích trong các ngày 13 – 14/5 vừa qua, Việt Nam đã có những hành động cụ thể để giúp đỡ, hỗ trợ các doanh nghiệp khắc phục thiệt hại, phát triển sản xuất kinh doanh. Những chính sách miễn, giảm, giãn thuế đã giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động, góp phần phục hồi và từng bước đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu, kích cầu đầu tư và kích cầu tiêu dùng.
Thị trường chứng khoán đang có sự phục hồi với giao dịch sôi động hơn. Kết quả sản xuất, kinh doanh sơ bộ quý I năm 2014 của các công ty niêm yết đều cho thấy khả quan hơn, tỷ lệ doanh nghiệp bị lỗ đã giảm. Các tổ chức nước ngoài đều có đánh giá tích cực về sự phục hồi của kinh tế Việt Nam. Dòng vốn đầu tư gián tiếp của quý I tăng gần gấp 2 lần cả năm 2013, trong những ngày gần đây nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục có xu thế mua ròng. Mặc dù trong phiên giao dịch thị trường chứng khoán sáng ngày 8/5/2014, các chỉ số chứng khoán có sự sụt giảm khá mạnh, nhưng thanh khoản thị trường vẫn có sự cải thiện mạnh, một số quỹ đầu tư lớn vẫn tích cực mua vào. Nhiều ý kiến cho rằng, phiên giao dịch này, thị trường đi xuống có thể do tác động về tâm lý từ thông tin về Biển Đông. Vì vậy, các nhà đầu tư cần bình tĩnh, thận trọng, tránh bị lợi dụng khiến ảnh hưởng tới quyết định đầu tư.
Ra sức thúc đẩy sản xuất
Bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế nước ta vẫn còn những bất cập và khó khăn, thách thức tiếp tục phải đối mặt trong năm 2014. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lạm phát ở mức an toàn nhưng còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Cân đối ngân sách tiếp tục gặp khó khăn trong điều kiện tốc độ phục hồi của sản xuất kinh doanh trong nước còn chậm. Sức cầu của nền kinh tế yếu. Khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp thấp. Hàng tồn kho tuy giảm nhưng vẫn ở mức cao. Xuất khẩu mặc dù có nhiều cải thiện nhưng ưu thế thuộc về khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với những mặt hàng gia công là chủ yếu, giá trị gia tăng thấp. Tốc độ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước diễn ra chậm. Năng lực quản lý, điều hành sản xuất của nhiều doanh nghiệp còn yếu dẫn đến hiệu quả sản xuất thấp hoặc thua lỗ khi phải đương đầu với khó khăn, thử thách.
Để từng bước vượt qua những khó khăn, thách thức, thực hiện tốt mục tiêu phát triển kinh tế năm 2014, các ngành, các cấp, các địa phương cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, đó là: Đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cần xây dựng và triển khai cơ chế điều hành và phối hợp chung của toàn bộ hệ thống chính trị nhằm đẩy nhanh tiến độ và hiệu quả của quá trình tái cơ cấu. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bao gồm khó khăn từ thủ tục đầu tư, đến triển khai dự án, giải phóng mặt bằng, tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa… Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận dòng vốn tín dụng để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Nhanh chóng triển khai hiệu quả quỹ hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa. Các văn bản về thuế cần thống nhất và phù hợp, không trái với luật và các văn bản khác có liên quan để không ảnh hưởng đến doanh nghiệp.
Tích cực và chú trọng giải quyết vấn đề nợ xấu để tạo điều kiện hạ thấp lãi suất một cách ổn định, đồng thời không làm gia tăng lạm phát. Tăng tín dụng phải đồng thời với thực hiện phân bổ vốn hợp lý theo hướng ưu tiên cho lĩnh vực kinh doanh hiệu quả, góp phần giảm hàng tồn kho và giải quyết nợ xấu. Tránh hiện tượng cho các doanh nghiệp vay vốn để đầu cơ vào các lĩnh vực kém hiệu quả và nguy cơ đối mặt với nhiều rủi ro. Mặc dù Công ty quản lý tài sản Việt Nam để xử lý nợ xấu khu vực ngân hàng được thành lập, nhưng quy mô và cách thức xử lý nợ xấu chưa rõ ràng, do đó cần cải thiện khuôn khổ pháp lý và bảo đảm đủ nguồn vốn để xử lý.
Thúc đẩy phát triển thị trường trong nước và tiếp tục khai thác tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa mang lại hiệu quả cao cho nền kinh tế. Trong những năm tới, cần xác định đầy đủ thách thức và lợi thế khi Việt Nam gia nhập Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) để từ đó tập trung đầu tư phát triển mạnh những mặt hàng có lợi thế cạnh tranh với thuế suất giảm sâu như: Sản phẩm dệt may, da giày, đồ gỗ, nông sản. Bên cạnh đó, trước thách thức của việc nước ta nhập khẩu tỷ lệ lớn nguyên liệu và máy móc từ các nước và các đối tác không phải là thành viên TPP để sản xuất các mặt hàng xuất khẩu thì việc phát triển nhanh những ngành công nghiệp phụ trợ và củng cố hạ tầng để giảm thiểu thách thức đối với Việt Nam là việc làm cấp bách.
Thực hiện nghiêm việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Theo đó, các cơ quan quản lý cần kiểm tra và rà soát kỹ các quy định, văn bản trước khi ban hành để tránh có lỗ hổng làm thất thu, làm lọt thuế. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm đối với các doanh nghiệp thực hiện hành vi chuyển giá gây thất thu cho ngân sách nhà nước, ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế. Thực hiện tiết kiệm chi tiêu sao cho phù hợp với tình hình khó khăn hiện nay theo hướng ưu tiên cho các chương trình giảm nghèo, nông thôn mới. Bội chi ngân sách cần được kiểm soát chặt chẽ, nâng bội chi phải đi đôi với đầu tư công hiệu quả để tránh lạm phát. Rà soát những khoản chi thường xuyên không hợp lý, gây lãng phí. Bảo đảm tính hiệu quả và nâng cao chất lượng các khoản chi trong chi cho phúc lợi xã hội.
Việc điều chỉnh giá các mặt hàng cơ bản và dịch vụ công cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành liên quan và lộ trình hợp lý về thời điểm tăng giá, mức tăng giá… Thực hiện nghiêm việc tăng cường công tác quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường. Quản lý, điều hành các mặt hàng thiết yếu, dịch vụ công phù hợp nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp và giảm áp lực tăng giá. Xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đầu cơ, găm hàng đẩy giá lên cao hoặc tăng giá đột biến.
Tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cùng với triển khai Chương trình đưa hàng bình ổn về nông thôn. Mở rộng các nhóm hàng bình ổn cũng như thời gian phục vụ cùng với cải tiến phương thức thực hiện nhằm mang lại hiệu quả tốt hơn. Tăng cường kiểm tra các điểm bán hàng bình ổn giá về mặt hàng, giá bán. Kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm. Nhân rộng mạng lưới các điểm bán hàng bình ổn và tập trung nhiều hơn đến các vùng nông thôn, khu vực đông dân cư, khu công nghiệp.
Phát triển và đẩy mạnh hoạt động của các ngân hàng chính sách xã hội tại các địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa để người nghèo trên cả nước tiếp cận được với dịch vụ tài chính. Tăng cường đào tạo tay nghề cho người lao động cùng với đào tạo kỹ năng mềm để tăng cơ hội xin việc làm. Rà soát sửa đổi, bổ sung một số luật liên quan đến người lao động để khắc phục những tồn tại, bất cập, bảo đảm phù hợp với thực tiễn nhằm bảo vệ lợi ích, quyền lợi cho người lao động. Tập trung triển khai hiệu quả các biện pháp hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, nhanh chóng phục hồi sản xuất và ổn định đời sống; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi. Tạo điều kiện cho các hộ dân bị thiệt hại do bão, lũ tiếp tục vay vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()