Đẩy mạnh quản lý dự án giao thông đường bộ hình thức BOT
Thủ tướng Chính phủ vừa có ý kiến chỉ đạo một số bộ, ngành, địa phương liên quan đẩy mạnh công tác quản lý đối với các dự án hạ tầng giao thông đường bộ đầu tư theo hình thức Hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Cụ thể, chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư trong quá trình triển khai các dự án hạ tầng giao thông đường bộ cần chủ động thực hiện theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định; phối hợp rà soát các Dự án hạ tầng giao thông đường bộ đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT thuộc phạm vi quản lý của mình, bảo đảm tăng cường vai trò quản lý nhà nước. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát, tổng hợp, đánh giá toàn bộ các dự án hạ tầng giao thông đường bộ đã, đang và sẽ triển khai theo hình thức Hợp đồng BOT, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 9 tới. Đồng thời, yêu cầu Bộ Giao thông vận tải khẩn trương hoàn thiện đề án Quy hoạch trạm thu phí BOT trên các tuyến quốc lộ, trình Thủ tướng Chính phủ.
Quảng Nam khởi công hai nhà máy dệt may, tổng vốn đầu tư 80 triệu USD
Ngày 30-7, tại Khu công nghiệp Tam Thăng, TP Tam Kỳ (Quảng Nam), Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam, Hội Hữu nghị Hàn – Việt, Tập đoàn Panko (Hàn Quốc) và Công ty Duck San Enterprise (Hàn Quốc) phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức khởi công Nhà máy Dệt may Panko Tam Thăng và Nhà máy Dệt, phụ kiện Duck San Vina, với tổng nguồn vốn đầu tư 80 triệu USD.
Trong đó, Nhà máy dệt may Panko Tam Thăng (do Tập đoàn Panko làm chủ đầu tư) được xây dựng trên diện tích 33,5 ha với tổng vốn đầu tư 70 triệu USD. Nhà máy Dệt, phụ kiện Duck San Vina (do Công ty Duck San Enterprise làm chủ đầu tư) được xây dựng trên diện tích gần 7 ha với tổng vốn đầu tư 10 triệu USD.
PV
Khai mạc Hội chợ quốc tế Thương mại – Du lịch và Đầu tư
Ngày 30-7, tại Đà Nẵng, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương) và Sở Công thương TP Đà Nẵng phối hợp tổ chức Hội chợ quốc tế Thương mại – Du lịch và Đầu tư hành lang kinh tế Đông Tây – Đà Nẵng 2015.
Trong 200 doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức xúc tiến thương mại trong nước tham gia, góp mặt tại Hội chợ lần này có nhiều doanh nghiệp và tổ chức nước ngoài như: Nam Phi, Ấn Độ, Cam-pu-chia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái-lan, Lào. Hội chợ với 400 gian hàng sẽ giới thiệu đến du khách và người dân các sản phẩm, dịch vụ du lịch; các dự án kêu gọi đầu tư và bất động sản; điện, điện tử, công nghệ thông tin; thực phẩm; đồ gỗ, nội thất; dệt may, phụ kiện thời trang…; dụng cụ và thiết bị trường học; ẩm thực…
Hội chợ diễn ra đến hết ngày 4-8.
PV
Hoàn thành cổ phần hóa chín tổng công ty, công ty ngành nông nghiệp
Ngày 30-7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết đã hoàn thành cổ phần hóa chín tổng công ty, công ty, trong tổng số 12 doanh nghiệp là tập đoàn, tổng công ty phải thực hiện cổ phần hóa trong năm nay.
Tuy nhiên, công tác thoái vốn đầu tư ngoài ngành vẫn còn hạn chế. Đến ngày 30-6, các doanh nghiệp thực hiện thoái vốn được 1.718 tỷ đồng đạt 52%, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao và 34% so kế hoạch thoái vốn các đơn vị đăng ký; tổng số vốn còn tiếp tục thoái là 3.308 tỷ đồng. Cả nước vẫn còn 21 trong số 42 tỉnh, thành phố chưa gửi hồ sơ thẩm định sắp xếp, đổi mới công ty nông, lâm nghiệp quốc doanh.
PV
Quảng Bình phê duyệt 17 hồ sơ đóng tàu vỏ thép và vỏ gỗ
Đến ngày 30-7, tỉnh Quảng Bình đã thẩm định và phê duyệt 17 hồ sơ, trong đó có sáu tàu vỏ thép và 11 tàu vỏ gỗ theo Nghị định 67/2014/NĐ- CP. Hiện, đã có 10 hợp đồng được ký kết để vay vốn với số tiền 73,64 tỷ đồng để đóng mới tám tàu.
Các ngân hàng đã giải ngân hơn 21 tỷ đồng cho các dự án. Toàn tỉnh có hai tàu đã hoàn thành và ra khơi. Từ nay đến năm 2016, tỉnh Quảng Bình sẽ đóng mới năm tàu dịch vụ hậu cần khai thác và 80 tàu khai thác hải sản.
PV
Từ năm 2021, người dân sẽ sử dụng phổ biến xe hơi
Chiều 30-7, tại Hà Nội, Hiệp hội các nhà sản xuất ô-tô Việt Nam (VAMA) tổ chức họp báo nhân kỷ niệm 15 năm thành lập. Theo nhận định của VAMA, với khả năng tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 6%/năm, việc sở hữu, sử dụng xe hơi của người dân sẽ trở nên phổ biến trong giai đoạn 2021 – 2022, khi GDP đầu người dự báo đạt 3.000 USD/năm. Dự kiến, từ ngày 28-10 đến 1-11 tới, VAMA sẽ tổ chức triển lãm ô-tô Việt Nam lần thứ 11 tại TP Hồ Chí Minh, giới thiệu 16 thương hiệu ô-tô sản xuất trong nước và nhập khẩu. Đầu tháng 8-2000, VAMA được thành lập với 11 thành viên, sản lượng và doanh số bán đạt 14 nghìn xe/năm. Hiện, VAMA gồm 17 thành viên, doanh số bán vượt mốc 130 nghìn xe/năm, giải quyết việc làm cho hơn 100 nghìn lao động, nộp ngân sách hơn 44 nghìn tỷ đồng (năm 2014). Sáu tháng đầu năm 2015, doanh số bán của VAMA đạt hơn 91.700 xe, tăng 67% so cùng kỳ năm trước.
PV
Loại 34 doanh nghiệp khỏi danh sách nợ thuế
Sau khi rà soát chính xác danh sách doanh nghiệp (DN) nợ thuế trong toàn quốc, cơ quan thuế đã phát hiện một số chênh lệch nợ thuế của DN và điều chỉnh danh sách DN nợ thuế đã công bố. Cụ thể, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh có 26 trường hợp được loại khỏi danh sách, hai trường hợp điều chỉnh lại số nợ thuế; Cục Thuế TP Hà Nội có tám trường hợp được loại khỏi danh sách và 27 trường hợp được điều chỉnh lại số nợ thuế. Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các cục thuế địa phương tiếp tục rà soát đối chiếu số nợ thuế với từng DN để xác định số liệu chính xác.
PV
VJA tăng tần suất bay hằng ngày chặng TP Hồ Chí Minh – Chu Lai
Ngày 30-7, Hãng hàng không Vietjet Air (VJA) cho biết, từ ngày 4-8 tới, VJA sẽ tăng tần suất khai thác chặng bay giữa TP Hồ Chí Minh – Chu Lai từ bốn chuyến khứ hồi/tuần lên bảy chuyến khứ hồi/tuần, thời gian bay mỗi chặng 1 giờ 15 phút. Tạo điều kiện cho hành khách ở Quảng Nam và Quảng Ngãi di chuyển thuận tiện đến sân bay, VJA có bố trí phương tiện đưa đón khách miễn phí. Vé đã được hãng mở bán trên tất cả các kênh cùng chương trình khuyến mại giờ vàng.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()