Thứ 5, 28/11/2024 14:47 [(GMT +7)]
Ðẩy mạnh phong trào sinh viên nghiên cứu khoa học ở TP Hồ Chí Minh
Thứ 5, 04/02/2010 | 09:06:00 [(GMT +7)] A A
Phong trào sáng tạo, nghiên cứu khoa học (NCKH) của tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh những năm gần đây phát triển khá mạnh và lan tỏa sâu rộng, tới từng cơ sở. Tiêu biểu là các cuộc thi “Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học – Eureka”, “Cuộc vận động tuổi trẻ sáng tạo TP Hồ Chí Minh năm 2010”, cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo trẻ lần thứ hai năm 2010″… Từ những chiếc nôi đó, nhiều ý tưởng sáng tạo, đề tài, công trình NCKH của tuổi trẻ ở thành phố mang tên Bác đã được chắp cánh vươn xa, thật sự mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng, xã hội nói chung và cho sự phát triển của thành phố nói riêng.
Từ vai trò của Đoàn, Hội và “vườn ươm” của các trường…
Đánh giá về vai trò, hoạt động của tổ chức đoàn trong hoạt động NCKH của sinh viên, đồng chí Lê Quốc Phong, Phó Bí thư thường trực Thành Đoàn, Chủ tịch Hội Sinh viên TP Hồ Chí Minh, cho biết: Thành Đoàn, Hội Sinh viên xem hoạt động NCKH của đoàn viên, sinh viên là không thể tách rời với hoạt động của Thành Đoàn, của các trường. Tổ chức đoàn thành phố phải đưa được đề tài, công trình có chất lượng tốt của sinh viên đến các sở, ngành, doanh nghiệp có nhu cầu. Hy vọng, tới đây các khoa trong các trường đều có câu lạc bộ (CLB) học thuật, lồng ghép, giải quyết một số vấn đề mang tính ứng dụng cao.
CLB nghiên cứu khoa học trẻ của Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh đã có quá trình hoạt động năm năm. Theo thạc sĩ Lê Tấn Cường, giảng viên Khoa Cơ khí chế tạo máy, các đề tài, công trình nghiên cứu của sinh viên đều được thực hiện tại CLB. CLB kết nối được giữa nhà trường với các đơn vị, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thông qua những cam kết nghiên cứu, chế tạo máy móc theo đơn đặt hàng. Công tác này giúp sinh viên luôn luôn nắm bắt được những thông tin, tiến bộ mới trong ngành nghề của mình, thực tế ngoài xã hội, tránh tình trạng học “chay”, học mà không có thực hành, đồng thời mang lại kinh phí hoạt động cho các bạn trẻ.
Tại Trường đại học Tôn Đức Thắng, hoạt động NCKH của sinh viên luôn gắn liền và là một phần trong mục tiêu, chất lượng giảng dạy, đào tạo của nhà trường. Mỗi năm trường đều cấp kinh phí và tổ chức Hội nghị sinh viên NCKH để đánh giá chất lượng, khuyến khích, khen thưởng kịp thời những sinh viên có đề tài chất lượng, mang tính ứng dụng cao… Sự quan tâm của Ban giám hiệu nhà trường tạo thêm động lực, thu hút nhiều sinh viên tham gia NCKH.
“Giải thưởng sinh viên NCKH Eureka” do sáng kiến của Thành Đoàn TP Hồ Chí Minh, đã qua 11 lần tổ chức, có uy tín, được giới khoa học, các nhà quản lý giáo dục ghi nhận. Tính đến nay, những cuộc thi Eureka đã nhận được gần bốn nghìn đề tài. Riêng năm 2009, có 502 đề tài, công trình của hơn một nghìn sinh viên đến từ 27 trường đại học, học viện, cao đẳng gửi đến dự thi. Ngay tại Vòng chung kết Eureka 2009, tổ chức đầu tháng 1-2010, có 64 đề tài NCKH của sinh viên được các sở, ngành chức năng chấm, nghiệm thu, chuyển giao tức thì. Trong năm 2009, có 28 đề tài, công trình NCKH được chuyển giao thành công và năm 2008 có 20 đề tài được ứng dụng vào cuộc sống. Trong khi những sáng tạo, đề tài, công trình này đến tận tay các đơn vị, doanh nghiệp, sở, ngành có nhu cầu thì Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ thuộc Thành Đoàn TP Hồ Chí Minh trở thành vai trò đầu mối, kết nối thành công.
…Đến ứng dụng thành công các công trình NCKH của sinh viên
Bùi Thị Kim Hoàng, sinh viên bộ môn công nghiệp, Trường đại học Nông lâm TP Hồ Chí Minh đã đoạt giải nhì cuộc thi Eureka năm 2009 với đề tài: “Nghiên cứu, thử nghiệm quy trình sản xuất giấy từ lục bình”. Xuất phát từ nỗi lo cần tiết kiệm khi nguồn nguyên liệu cho ngành giấy đang thiếu, sinh viên Bùi Thị Kim Hoàng nảy ra ý tưởng này và bắt tay vào hoàn thiện đề tài mất một năm ròng. Kim Hoàng cho biết: Vì học ngành công nghiệp giấy và quê ở Tiền Giang, vùng sông nước miền Tây Nam Bộ có nhiều lục bình, đây lại là nguồn nguyên liệu rất sẵn, rẻ mà chỉ dùng để sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ thì hoài phí quá, cho nên em quyết làm bằng được. Tờ giấy sản xuất ra từ nguyên liệu lục bình của Kim Hoàng bền, dai, có tính năng tốt, đạt yêu cầu chất lượng. Một số công ty, đơn vị thuộc ngành giấy đã liên hệ, tiếp xúc với Kim Hoàng do tính khả thi của công trình.
Kỹ sư nông nghiệp Nguyễn Thị Trang Nhã, vừa tốt nghiệp thủ khoa Đại học Nông lâm đã đoạt giải nhì cuộc thi Eureka 2009 với đề tài khoa học độc đáo, thú vị: Tạo cây ghép giữa cà chua và khoai tây. Hai năm ròng, với bao lao tâm khổ tứ, Trang Nhã đã ghép ngọn cây cà chua trên gốc cây khoai tây và cho ra đời loại cây vừa cho thu hoạch củ khoai tây, vừa cho trái cà chua, đều có năng suất cao. Loại cây “hai trong một” này cho năng suất cao hơn so với cây đơn (19 tấn củ khoai tây/ha… khi trồng thử trên đồng ruộng tại Đà Lạt). Đồng thời hàm lượng các chất vi-ta-min, khoáng trong củ và quả trên “cây của Nhã” đều đạt và vượt tiêu chuẩn của cây đơn.
Góp phần khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, kẹt xe trong thời gian gần đây, nhóm sinh viên năm thứ tư, Khoa Cơ khí chế tạo máy, Trường đại học Sư phạm Kỹ thuật, đưa ra rô-bốt thông minh điều khiển giao thông. Rô-bốt mô hình cao 1,75 m, có chín bậc nấc điều khiển, cổ tay, khuỷu tay có khả năng thực hiện một số động tác. Hệ thống ca-mê-ra ở bốn góc đường sẽ truyền tín hiệu cho máy tính, máy tính xử lý vi-đê-ô clip rồi truyền tín hiệu xuống rô-bốt, đưa ra các thao tác xử lý. Khi giao lộ có lưu lượng phương tiện giao thông lớn hoặc kẹt xe, rô-bốt sẽ được điều khiển từ xa. Người máy này có thể đưa ra những cảnh báo khi cấm đường hay sự nguy hiểm khi gần công trường đang thi công. Dù chưa thể ứng dụng nhưng điểm ghi nhận của công trình này là sự nhanh nhạy, ứng phó với tình trạng “nóng” – ùn tắc giao thông tại các đô thị.
Hiệu quả ứng dụng các công trình NCKH của sinh viên
Có thể nói, mặc dù đã phần nào ứng dụng có hiệu quả những công trình, đề tài NCKH của sinh viên trong ba năm gần đây, nhưng dường như chưa sử dụng một cách triệt để chất xám của đoàn viên, sinh viên, tạo điều kiện cho lớp trẻ cống hiến, xây dựng vào sự phát triển của thành phố. Một số nguyên nhân của thực trạng trên là: thông tin sinh viên giới thiệu đến các đơn vị, doanh nghiệp có nhu cầu còn thiếu và chưa toàn diện; các đơn vị sản xuất, kinh doanh tìm đến các nhà khoa học, viện nghiên cứu chủ yếu là do đặc thù, chứ chưa trực tiếp đến nhiều hơn với sinh viên, do đó số đơn vị “đặt hàng” trực tiếp với sinh viên còn ít. Vậy làm thế nào để khuyến khích sinh viên NCKH và định hướng gì để những công trình nghiên cứu của sinh viên không phải “nằm trong tủ”? Theo Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh Phan Minh Tân, sắp tới, Sở đề xuất lập Quỹ cho hoạt động NCKH của sinh viên. Quỹ này sẽ trích từ ngân sách chương trình “Vườn ươm”, vận hành theo cơ chế riêng, phối hợp với các tổ chức khác, nhằm hỗ trợ, đẩy mạnh phong trào NCKH trong sinh viên. Giám đốc Phan Minh Tân cho rằng: Vấn đề gợi mở, để những đề tài, công trình NCKH của sinh viên gắn với thực tế; trước khi tiến hành, các bạn trẻ nên xác định rõ mục đích của đề tài là gì, xuất phát từ đâu? Khi sinh viên còn đang học tập dưới mái trường, mà đưa ra vấn đề “đặt hàng” thì không dễ triển khai. Hiện tại, website của Sở đã đưa ra 15 chương trình quy tụ những vấn đề khoa học mà thành phố cần tập trung giải quyết. Sinh viên có thể tham khảo tìm các đề tài phù hợp để nghiên cứu, góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội của TP Hồ Chí Minh nói riêng, cả nước nói chung.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()