Đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế từ những mô hình điểm
LSO-Theo thống kê chưa đầy đủ của Hội Nông dân tỉnh, trên địa bàn hiện có gần 400 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh, trên 20 hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp trung ương, trong đó có khoảng 40 mô hình điểm của tỉnh.
LSO-Theo thống kê chưa đầy đủ của Hội Nông dân tỉnh, trên địa bàn hiện có gần 400 hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh, trên 20 hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp trung ương, trong đó có khoảng 40 mô hình điểm của tỉnh. Thực tế cho thấy, nếu nhân rộng các mô hình kinh tế điểm sẽ góp phần đẩy mạnh phong trào thi đua lao động, sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Mô hình trồng cà chua đá ở xã Xuân Lễ, huyện Lộc Bình hiệu quả kinh tế cao |
Mô hình nuôi lợn rừng của ông Nguyễn Văn Định, thôn Cã Trong, xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng được xét là mô hình kinh tế tiêu biểu của tỉnh nhiều năm liền. Gia đình ông Định bắt đầu nuôi lợn rừng từ năm 2009, giống lợn được ông mua tận tỉnh Lâm Đồng về. Quá trình nuôi cho thấy lợn rừng phát triển rất tốt, phù hợp với điều kiện địa phương. Ông Định chia sẻ: Nuôi lợn rừng cũng đơn giản bởi chúng thích nghi với môi trường hoang dã và ăn tạp. Vì thế, gia đình tôi đã tận dụng địa hình vườn đồi sau nhà để nuôi nhốt lợn rừng. Thức ăn hàng ngày cho chúng rất phổ biến, thường là các loại củ, quả hoặc bẹ chuối, rau xanh các loại… Thời gian qua, có thời điểm đàn lợn rừng gia đình ông lên tới hàng trăm con, trừ chi phí trung bình thu về khoảng 200 triệu đồng/năm. Hiện tại, đàn lợn rừng của gia đình ông gồm 14 lợn nái, 1 lợn đực giống và 40 con lợn thịt. Trong đó có con lợn nái được tư thương trả tới 25 triệu đồng, còn lợn thịt với giá thị trường hiện nay cũng phải ngót chục triệu/con.
Đối với nông dân xã Xuân Lễ, huyện Lộc Bình, cây cà chua đá nhiều năm qua đã trở thành một trong những cây trồng chủ đạo, đem lại hiệu quả kinh tế cao và mô hình trồng cà chua đá cũng được coi là mô hình tiêu biểu của tỉnh. Gia đình chị Nguyễn Thị Hưởng, thôn Bản Lầy là một trong những hộ đi đầu trong phong trào trồng cà chua trên địa bàn. Chị Hưởng tâm sự: Không để đất “chết”, những năm gần đây, sau khi thu hoạch lúa, gia đình đã tranh thủ trồng thêm cà chua đá. Đây là giống cà chua dễ chăm sóc, bảo quản và nhất là được thương lái chuộng mua. Cùng trên một diện tích nhưng so với lúa thì cà chua mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, nhất là công chăm sóc và chi phí đầu tư cũng ít hơn hẳn. Nhiều năm qua, giá cà chua luôn dao động từ 10 – 12 nghìn đồng/kg; năm 2012, loại đẹp được tư thương trả tới 13 nghìn đồng/kg, thu về khoảng 15 triệu đồng/sào. Do đó, hiện nay trồng cà chua đá đã trở thành phong trào lan rộng ra toàn xã. Đặc biệt, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn giảm diện tích đất lúa để đầu tư vào trồng cà chua, có những hộ trồng tới 3 vụ/năm…
Có thể nói, mỗi địa phương đều có những mô hình kinh tế tiêu biểu và mang tính đặc thù riêng. Các mô hình kinh tế điểm có vai trò rất lớn trong việc định hướng và đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế tại cơ sở. Do sự tương đồng về khí hậu, thổ nhưỡng, địa hình… nên các mô hình kinh tế điểm có thể dễ dàng nhân rộng ngay tại địa phương. Ngoài ra, nếu xét thấy phù hợp, các địa phương khác cũng có thể học tập và áp dụng trên địa bàn mình. Trên cơ sở đó, những năm qua, việc tham quan thực tế, tổ chức tuyên truyền nhân rộng các mô hình điểm đã được các cấp hội nông dân chú trọng thực hiện, đặc biệt là đối với những mô hình mới. Gần đây nhất, trong tháng 2/2013, đoàn công tác của Tỉnh hội đã tổ chức đi tham quan thực tế mô hình trồng cây đi mi (còn gọi là cây mật gấu) tại xã Trung Thành, huyện Tràng Định; mô hình trồng bí bao tử tại xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng… Tuy nhiên, việc nhân rộng các mô hình điểm phải song song với tạo đầu ra cho sản phẩm. Để làm được điều này thì bên cạnh sự phối hợp để bao tiêu thì bản thân người dân cũng phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo được thương hiệu trên thị trường. Ông Hoàng Văn Quang, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh cho biết: Từ năm 2008 đến nay, Tỉnh hội đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ 2,4 tỷ đồng để xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế điểm trên diện rộng. Đồng thời, 5 năm qua, hội cũng đã phối hợp với các ban, ngành chức năng tổ chức được 4.635 lớp tập huấn lồng ghép giới thiệu và học tập các mô hình kinh tế cho thu nhập cao. Nhờ những biện pháp thiết thực, thời gian qua, các mô hình kinh tế điển hình không ngừng được hình thành và nhân rộng, góp phần phát triển kinh tế – xã hội tại các địa phương.
Có thể nói, đẩy mạnh phong trào phát triển kinh tế của nông dân từ những mô hình điểm chính là tận dụng những lợi thế của địa phương để lao động, sản xuất. Chính điều đó đã tạo ra tính đa dạng, phong phú cũng như tính đặc thù của mỗi mô hình. Hiệu quả tích cực mà các mô hình kinh tế điểm mang lại thì đã rõ song thực tế thì số lượng các mô hình này trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất hạn chế. Ông Vũ Trọng Bắc, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: Thời gian tới, mà trước mắt là trong nhiệm kỳ 2013 – 2018, hội tiếp tục chỉ đạo, xây dựng các mô hình kinh tế theo hướng hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm phù hợp với điều kiện cụ thể của từng mô hình, từng địa phương. Đồng thời tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp liên quan tổ chức các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm; tập huấn áp dụng công nghệ mới vào trong lao động, sản xuất; cung cấp thông tin thị trường, cung ứng vật tư nông nghiệp, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm…
HOÀNG HUẤN
Ý kiến ()