Đẩy mạnh phòng chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại
Mặc dù thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cố gắng, tích cực trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và đã đạt được một số kết quả song hoạt động này vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi... Để giải quyết triệt để vấn đề trên thực tế còn rất nhiều khó khăn, đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ và lâu dài giữa các ban ngành liên quan.
Ảnh mang tính minh hoạ. (Nguồn: vietnamplus.vn) |
Theo Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương) chỉ tính riêng năm 2013, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 161.239 vụ, xử lý 84.493 vụ vi phạm với tổng thu ngân sách 328,97 tỷ đồng. Điểm nổi bật trong công tác kiểm tra, xử lý năm 2013 là sự phối hợp của Cục quản lý thị trường với các Chi cục, các lực lượng chức năng để kiểm tra, xử lý các vụ vi phạm nổi cộm trên thị trường như xăng dầu, nhập lậu gia cầm trái phép, mũ bảo hiểm, phân bón, thuốc lá… Điển hình là vụ xác minh làm rõ nguồn gốc, xuất xứ lô hàng trên 400 tấn nguyên liệu thuốc lá của Công ty TNHH Sao Vàng tại Đồng Nai, tịch thu 85 tấn; phối hợp với Chi cục quản lý thị trường và Công an TP Hồ Chí Minh phát hiện, bắt giữ trên 6.000 gói thuốc lá nhập lậu. Cục Quản lý Thị trường đã chủ trì, tham gia 5 đoàn công tác liên ngành trực tiếp kiểm tra về kinh doanh xăng dầu và khí hóa lỏng, phát hiện 39 vụ vi phạm và chuyển cho các lực lượng chức năng xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 800 triệu đồng.
Đặc biệt, trong quý I/2014, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới diễn biến càng phức tạp do đây là thời điểm trùng với tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân tăng cao khiến các đối tượng buôn lậu tìm mọi cách để kiếm lợi phi pháp. Trong quý, toàn hệ thống đã phát hiện, bắt giữ 4.095 vụ vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 78 tỷ 340 triệu đồng (số vụ vi phạm giảm 14,72%, trị giá tăng 36,16% so với cùng kỳ năm 2013), trong đó có 107 vụ việc liên quan đến hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ các chất ma túy, tân dược.
Một số vụ việc điển hình đã được Hải quan kiểm tra, phát hiện, bắt giữ, như: ngày 05/3/2014, Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh – Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Cục Kỹ thuật nghiệp vụ II – Tổng cục An ninh I đã tiến hành kiểm tra một số lô quà biếu gửi từ Đức, Úc về Việt Nam cho 7 đối tượng. Kết quả phát hiện lẫn trong kiện quà biếu có 7 cuốn sách, 2 đĩa DVD, 2 tờ báo có nội dung gây mâu thuẫn, chia rẽ trong nhân dân, nói xấu nhà nước Việt Nam, nội dung chiến tranh biên giới Việt – Trung. Ngày 12/02/2014, Chi cục Hải quan chuyển phát nhanh – Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh tiến hành kiểm tra kiện hàng từ Pháp. Kết quả kiểm tra phát hiện có 2 chiếc ngà voi Châu Phi – Loxodonta africana và 1 chiếc màu trắng ngà có hình dáng ngà voi, trọng lượng 4,18 kg. Ngày 10/03/2014, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và Đội Kiểm soát hải quan phối hợp với Công an cửa khẩu Sân Bay Tân Sơn Nhất tiến hành kiểm tra 1 hành khách đi trên chuyến bay QR966. Qua kiểm tra phát hiện 5 khúc sừng tê giác và 1 gói gồm các mẩu vụn sừng tê giác, tổng trọng lượng 13,1 kg.
Đáng lưu ý, tình trạng hàng giả xuất xứ đang có chiều hướng gia tăng, hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sau đó thay đổi nhãn ghi là hàng xuất xứ Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản… Đặc biệt, việc sản xuất, kinh doanh các loại hàng giả gây nguy hại đến sản xuất, sức khỏe người tiêu dùng như tân dược, phân bón giả, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi giả… vẫn liên tục được phát hiện, xử lý.
Trước tình hình trên, Cục Quản lý thị trường tiếp tục tập trung thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, các chỉ đạo của Bộ Công Thương, liên quan đến công tác quản lý thị trường nhằm hạn chế tối đa tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu như hiện nay… Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã yêu cầu Cục Quản lý thị trường cần tập trung xây dựng cơ chế chính sách, hoàn thiện các văn bản pháp luật để tạo cơ sở pháp lý cho việc kiểm tra, kiểm soát. Đồng thời, cần tăng cường xử lý, kiểm tra, kiểm soát thị trường thông qua việc tổ chức hoạt động kiểm tra theo kế hoạch chuyên đề. Mặt khác, Thứ trưởng cũng yêu cầu Cục Quản lý thị trường cần xây dựng chương trình phổ biến, tuyên truyền pháp luật để người dân hiểu và tuân thủ theo các quy định của pháp luật. Ở địa phương, lực lượng quản lý thị trường cần tranh thủ sự ủng hộ của các cấp chính quyền, sự phối hợp của các cơ quan chức năng liên quan để hoạt động được thông suốt.
Về vấn đề này, ông Đỗ Thanh Lam, Cục phó Cục Quản lý thị trường cũng cho biết, từ đầu năm đến nay Cục Quản lý Thị trường vẫn chú trọng các lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm tác động lớn đến kinh tế – xã hội như xăng dầu, khí hóa lỏng lưu thông trên thị trường; vi phạm về sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm; vấn nạn sản xuất kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng; buôn lậu, vận chuyển, kinh doanh thuốc lá điếu ngoại nhập lậu… Bên cạnh đó, Cục Quản lý Thị trường cũng tiến hành so sánh và phân tích sự khác biệt so với cùng kỳ để tìm ra những mặt hàng mới, nguyên nhân của sự gia tăng, suy giảm đối với những mặt hàng đó, đặc biệt tập trung vào những địa bàn biên giới, địa bàn nóng. Làm rõ phương thức, thủ đoạn của từng đối tượng cụ thể đối với từng loại hàng, từng tuyến; xác định các vướng mắc phát sinh và đề ra giải pháp khắc phục trong quá trình kiểm tra, kiểm soát…
Ngoài ra, dựa trên cơ sở pháp lý mới, để thực hiện tốt nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, các chuyên gia kinh tế cho rằng chúng ta cần tập trung một số nội dung, giải pháp mang tính đồng bộ như: Kịp thời rà soát lại mô hình tổ chức của các đơn vị chức năng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hoàn thiện quy chế, quy trình, thủ tục với tinh thần cải cách hành chính nhưng phải chặt chẽ, cụ thể hóa trách nhiệm của đơn vị, cá nhân; lựa chọn, sắp xếp cán bộ phải bảo đảm đủ năng lực, phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị. Ðồng thời, trang bị phương tiện, điều kiện làm việc để các đơn vị có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Song song với đó, chúng ta cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, xây dựng đường biên giới đoàn kết, hợp tác, hữu nghị với các nước láng giềng. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật đồng bộ, cụ thể, phù hợp thực tiễn. Các ngành chức năng cần khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi giúp doanh nghiệp xây dựng, bảo vệ thương hiệu, nhãn mác, kiểu dáng sản phẩm, giúp nâng cao sức cạnh tranh, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; xây dựng chính sách phát triển thương mại mậu dịch khu vực biên giới kết hợp phòng, chống, gắn với giải quyết việc làm và cải thiện thu nhập để người dân không tham gia, không tiếp tay cho hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, tiêu thụ hàng giả.
Với quyết tâm chính trị và các giải pháp đồng bộ trên sẽ là động lực để chúng ta có thể từng bước ngăn chặn và đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đang diễn ra hết sức phức tạp hiện nay, qua đó lấy lại niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng, góp phần khôi phục môi trường kinh doanh lành mạnh, hiệu quả, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp của người dân Việt Nam.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()