Đẩy mạnh phát triển thương mại biên giới
LSO-Do chính sách biên mậu thời gian qua của Trung Quốc thường xuyên thay đổi, nên tình hình phát triển thương mại khu vực biên giới của tỉnh trong năm 2016 và quý I/2017 tăng trưởng không cao. Để thúc đẩy thương mại biên giới, lãnh đạo tỉnh đã có sự chỉ đạo cụ thể. Theo đó cần vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách, đồng thời linh hoạt cả trong cách làm để thu hút thêm nhiều doanh nghiệp đầu tư, cũng như hoạt động xuất, nhập khẩu.
Hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu Tân Thanh (Văn Lãng) luôn nhộn nhịp |
Ông Nguyễn Quốc Hải, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Lạng Sơn có 5 huyện biên giới, 21 xã biên giới, 2 cửa khẩu quốc tế, 1 cửa khẩu chính và 9 cửa khẩu phụ. Chính lợi thế này đã tạo cho tỉnh thế mạnh về phát triển hoạt động thương mại biên giới. Để đẩy mạnh hoạt động thương mại biên giới, thời gian qua, các ngành, các cấp của tỉnh đã tập trung cải thiện môi trường thông thoáng cho hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu; tăng cường cải cách, công khai minh bạch thủ tục hành chính, đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu khu vực cửa khẩu; mở thêm một số điểm xuất, nhập khẩu hàng hóa ở những nơi có đủ điều kiện như: Co Sâu, Bình Nghi, Pò Nhùng; giải quyết kịp thời việc ách tắc hàng hóa cục bộ ở một số cửa khẩu, thúc đẩy xúc tiến thương mại, thu hút nhiều hơn các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn..
Những năm qua, nhờ nguồn vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách trung ương, hạ tầng khu vực cửa khẩu có chuyển biến rõ rệt. Một số khu vực trước đây là khu vực vùng sâu, vùng xa (Na Hình, Nà Nưa), nay đã có nhiều sự đổi thay, qua đó tạo động lực phát triển của vùng biên giới. Tuy nhiên, qua trao đổi với lãnh đạo Sở Công thương, Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, Cục Hải quan, vẫn còn một số tồn tại đặc thù trong quản lý thương mại biên giới hiện nay. Đó là việc quản lý, điều hành chủ yếu vẫn thực hiện theo cơ chế chính sách chung về xuất, nhập khẩu nên chưa phát huy được những tiềm năng, lợi thế riêng của loại hình thương mại biên giới. Chính sách thương mại của Trung Quốc có nhiều lúc thay đổi nên hoạt động xuất, nhập khẩu, trao đổi hàng hóa bị ảnh hưởng. Tại các cửa khẩu phụ, lối mở, nhìn chung hạ tầng còn hạn chế… Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thương mại biên giới của tỉnh chưa thực sự khởi sắc.
Từ đầu năm 2017 đến nay, làm việc với một số ngành chức năng, đồng chí Nguyễn Công Trưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ rõ: Các ngành cần chủ động tham mưu, đề xuất với tỉnh các giải pháp điều hành xuất, nhập khẩu cũng như hoạt động trao đổi thương mại biên giới theo hướng thuận lợi, thông thoáng. Cùng với đó là đẩy nhanh việc thực hiện dự án đầu tư khu trung chuyển hàng hóa trong khu kinh tế cửa khẩu. Ngoài ra, cần đẩy mạnh phối hợp với chính quyền, các ngành chức năng của Quảng Tây (Trung Quốc), qua đó tháo gỡ các khó khăn về điều kiện kho tàng, bến bãi của hai bên cũng như nâng cấp hạ tầng các khu vực cửa khẩu.
Năm 2017, Lạng Sơn đặt mục tiêu phấn đấu tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 4.100 triệu USD (xuất khẩu 2.150 triệu USD, nhập khẩu 1.950 triệu USD), xuất khẩu của địa phương đạt 114,5 triệu USD. Với phương hướng đã đề ra, Lạng Sơn đã và đang nỗ lực thực hiện mục tiêu này.
TRÍ DŨNG
Ý kiến ()