Đẩy mạnh phát triển ngân hàng bán lẻ trên nền tảng công nghệ số
Nhiều năm trở lại đây, người dân đã tiếp cận tốt hơn tới dịch vụ ngân hàng. Tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán trung bình giảm dần qua các năm, về 11,6% vào cuối quý 3 năm 2018. Mục tiêu đặt ra là đến cuối năm 2020, con số này dưới 10%.
Các đại biểu tham dự hội thảo. |
Đây là thông tin được Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam công bố tại Hội thảo Phát triển ngân hàng bán lẻ trên nền tảng công nghệ số diễn ra ngày 29/11 tại TPHCM, do IDG Vietnam phối hợp cùng với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng Việt Nam, cho biết trong thời gian qua, các ngân hàng Việt Nam đã có những chuyển hướng sang ngân hàng bán lẻ. Đây cũng là bước đi phù hợp với xu hướng phát triển và chủ trương của nhà nước nhằm giảm thanh toán không dùng tiền mặt. Cùng với đó là sự xuất hiện của hàng loạt các tổ chức Fintech cũng đòi hỏi các ngân hàng thương mại tại Việt Nam cần chú trọng đầu tư và hợp tác phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại.
Ngân hàng số – xu thế tất yếu
Cùng quan điểm này, ông Trần Thanh Nam, Giám đốc Công ty Công nghệ và dịch vụ Moca cho rằng, trong xu thế phát triển hiện nay, internet vạn vật, mobile banking phát triển mạnh, việc hình thành hệ sinh thái cho thị trường ngân hàng bán lẻ trên nền tảng công nghệ số đang là xu hướng được các ngân hàng hướng tới.
Nói về xu hướng phát triển ngân hàng số, ông Trần Quốc Anh, Giám đốc Khối khách hàng cá nhân, Ngân hàng HD Bank cho biết, cạnh tranh bán lẻ trên nền tảng công nghệ số sẽ tạo ra nhiều cơ hội hơn cho các ngân hàng, khi chúng ta có nhiều công cụ tiếp xúc khách hàng hơn, vấn đề làm sao để thu hút khách hàng.
“Tìm hiểu nhu cầu của khách hàng, xây dựng các sản phẩm đáp ứng nhu cầu từng nhóm khách hàng cũng như hợp tác hỗ trợ thanh toán với các chuỗi bán lẻ và phân phối lớn như Saigon Co.op, Vinamilk, coca cola, từ đó tiếp cận khách hàng qua các đơn vị này… đang là hướng đi của HD Bank trong việc tiếp cận và phục vụ khách hàng”, ông Quốc Anh cho biết.
Đón đầu xu thế này, thời gian qua, nhiều ngân hàng đã cho ra mắt nhiều ứng dụng, dịch vụ tiện ích nhằm phục vụ nhu cầu đa dạng của khách hàng, góp phần đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ. Tiêu biểu như Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) với không gian ngân hàng số Digital Lab, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (Vietinbank) với corebank thế hệ mới và kho dữ liệu doanh nghiệp (EDW) hiện đại…
Mới đây nhất, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) chính thức ra mắt ngân hàng số tích hợp tiện ích sành điệu cho thế hệ mới với tên gọi “YOLO” tạo ra một hệ sinh thái phục vụ mọi tiện ích của người tiêu dùng, từ các dịch vụ tài chính, thanh toán đến các dịch vụ tiện ích khác như giải trí, gọi xe taxi hay thậm chí là đặt chỗ trước tại các nhà hàng hoặc theo dõi tin tức…
Mục tiêu giảm tỷ lệ thanh toán tiền mặt dưới 10%
Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán cho biết nhiều năm trở lại đây, người dân đã tiếp cận tốt hơn tới dịch vụ ngân hàng. Tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán trung bình giảm dần qua các năm về 11,6% vào cuối quý 3 năm 2018. Mục tiêu đặt ra là đến cuối năm 2020, con số này dưới 10%.
Số lượng ATM quý đến hết quý 3 năm 2018 tăng 4,5% số lượng; máy POS tăng 13,2% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị giao dịch qua ATM tại thời điểm cuối quý 3/2018 tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. Số món giao dịch qua POS (máy bán hàng chấp nhận thẻ ngân hàng để thanh toán hóa đơn dịch vụ) cũng tăng 29%.
Theo thống kê từ Vụ Thanh toán, toàn thị trường có 78 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán qua internet, 41 ngân hàng triển khai thanh toán điện thoại di động. Thanh toán di động hiện đang dần trở thành xu hướng mới. Các công nghệ như mã QR, thanh toán phi tiếp xúc và số hóa thông tin thẻ (tokenization) ngày càng gia tăng. Có 16 ngân hàng đã triển khai dịch vụ thanh toán QR Code, toàn thị trường có hơn 30.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code.
Toàn thị trường có giá trị thanh toán qua di động tăng 126%, qua internet tăng 18% và qua ví điện tử tăng 161% so với cùng kỳ, tính đến hết quý 3 năm 2018.
Ông Sơn cho biết, để hỗ trợ các ngân hàng phát triển cũng như bảo đảm quyền lợi cho khách hàng, NHNN luôn ưu tiên, quan tâm tâm đặc biệt tới tình hình bảo đảm an ninh, an toàn trong thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo đó, Thống đốc NHNN đã ban hành kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin của các tổ chức tín dụng giai đoạn 2017-2020; ban hành kế hoạch áp dụng các giải pháp về an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngành ngân hàng.
NHNN cũng đã hoàn thành xây dựng Bộ Tiêu chuẩn thẻ chip dành cho thẻ thanh toán nội địa cho thẻ tiếp xúc và phi tiếp xúc. Bên cạnh đó, Thống đốc NHNN cũng đã ban hành Chỉ thị 03/CT-NHNN 2018 chỉ đạo các ngân hàng thực hiện các giải pháp bảo đảm, an ninh, an toàn trong thanh toán điện tử, thanh toán thẻ…
Theo Chinhphu
Ý kiến ()