Đẩy mạnh phát triển kinh tế VAC
LSO-Những năm qua, Hội Làm vườn các cấp trong tỉnh đã chú trọng hỗ trợ hội viên quy hoạch, cải tạo vườn, ao, chuồng (VAC), bảo đảm phát triển sản xuất. Nhờ đó, nhiều mô hình VAC đạt kết quả tốt, cho thu nhập đến 100 triệu đồng/năm, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Mô hình nuôi gà ở thị trấn Cao Lộc |
Gia đình ông Vy Văn Chàng, khối 4, thị trấn Cao Lộc, huyện Cao Lộc là một điển hình phát triển thành công mô hình kinh tế VAC đem lại hiệu quả cao. Gần chục năm gây dựng mô hình, ban đầu chỉ là chăn nuôi nhỏ lẻ, sau khi tìm hiểu cách thức phát triển mô hình kinh tế tổng hợp VAC qua các lớp tập huấn và tham quan thực tế, ông đã mạnh dạn đầu tư, phát triển theo quy mô trang trại. Có quỹ đất rộng, ông trồng một số loại cây ăn quả, đào ao thả cá, kết hợp chăn nuôi gà, lợn, đến nay mỗi năm, trừ chi phí, thu nhập đạt trên 100 triệu đồng/năm. Bà Hứa Mai Hường, Chủ tịch Hội Làm vườn thị trấn Cao Lộc cho biết: đó chỉ là một trong những mô hình VAC đang cho thu nhập cao của hội. Các hội viên sau khi được học hỏi, tập huấn kỹ thuật đã chủ động cải tạo đất vườn, áp dụng mô hình kinh tế VAC. Ngoài diện tích vườn, ao tự nhiên, hằng năm, các hội viên còn đầu tư chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh. Hiện toàn hội đang có hơn 20 mô hình kinh tế VAC, trung bình mỗi năm đem lại nguồn thu từ 50 đến hơn 100 triệu đồng/hộ. Điển hình như mô hình của ông Hồ Hữu Hải, ông Giang Văn Lùng, ông Hà Xuân Viên phát triển chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả, đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Không chỉ ở Hội Làm vườn thị trấn Cao Lộc, đến nay, nhờ sự tư vấn, hỗ trợ của Hội Làm vườn tỉnh Lạng Sơn, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế VAC của hội viên hội làm vườn cho thu nhập cao. Trong đó điển hình như mô hình trồng hồng, mận, chăn nuôi gà, lợn của ông Lý Ký Slay ở Văn Lãng; mô hình ươm cây giống, chăn nuôi lợn, gà ông Lâm Văn Cao ở Lộc Bình; mô hình nuôi lợn rừng, gà, dê, trồng cây ăn quả của ông Hướng Xuân Thái ở Hữu Lũng… là những mô hình VAC tổng hợp cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Các hội viên khi có vốn, có giống lại nắm chắc kỹ thuật sản xuất đã mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại, sản xuất tập trung theo quy mô trang trại, đem lại nguồn lợi lớn, tạo nên bước đột phá trong phát triển kinh tế hộ gia đình.
Bà Trình Thị Luyến, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh cho biết: Trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế của tỉnh. Từ đó, Hội Làm vườn đã tuyên truyền, vận động hội viên tận dụng khai thác tiềm năng, thế mạnh sẵn có để phát triển các mô hình kinh tế VAC, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Để hỗ trợ hội viên, trong năm 2014, hội đã tổ chức hơn 130 lớp tập huấn, hội thảo chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên 5.400 lượt hội viên tham dự. Cùng với đó triển khai thí điểm một số mô hình VAC để hội viên học tập, áp dụng như mô hình chuyển dịch cơ cấu mùa vụ ở huyện Bắc Sơn; mô hình chăn nuôi gà an toàn sinh học ở huyện Cao Lộc… Các mô hình kinh tế VAC có thu nhập ổn định từ 100 triệu đồng/năm đang có xu hướng tăng lên, đó là cơ sở để các hội viên đến tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm, từ đó nhân ra diện rộng.
Từ những kết quả đã đạt được, trong năm 2015 và những năm tiếp theo, hội sẽ tiếp tục mở các lớp tập huấn, tham quan mô hình kinh tế tiêu biểu, khuyến khích hội viên chủ động học tập, áp dụng các mô hình kinh tế VAC phù hợp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên phát huy hơn nữa tiềm năng, thế mạnh sẵn có để phát triển kinh tế VAC tăng thu nhập, nâng cao đời sống, góp phần xây dựng nông thôn mới.
THANH TÙNG
Ý kiến ()