Đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể trong lĩnh vực nông nghiệp
Ngày 20/5, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Thế giới và các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo “Hợp tác xã và các tổ chức kinh tế hợp tác khác trong lĩnh vực nông nghiệp”.
|
Hội thảo “Hợp tác xã và các tổ chức kinh tế hợp tác khác trong lĩnh vực nông nghiệp” |
Báo cáo tại Hội thảo, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho biết, tính đến cuối năm 2014, trong 142.800 tổ hợp tác (THT) có khoảng 2/3 hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. THT đã và đang đáp ứng yêu cầu trợ giúp lẫn nhau trong sản xuất, đời sống của các hộ thành viên; giúp hội viên thực hiện một số dịch vụ đầu vào trong sản xuất như: thủy lợi, làm đất, mua bán vật tư, cây con giống,…và dịch vụ đầu ra tiêu thụ sản phẩm, chuyển giao kỹ thuật. Đồng thời, trong tổng số 10.204 Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp có khoảng 800 HTX hoạt động trong lĩnh vực thủy sản và làm muối; số còn lại hoạt động trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Tuy nhiên, theo Liên minh HTX Việt Nam, tổ chức và quản lý của THT trong nông nghiệp có quy mô nhỏ, vốn ít, hoạt động theo mùa vụ. Phần lớn các THT tổ chức thiếu chặt chẽ, quan hệ hợp tác còn lỏng lẻo, địa vị pháp lý THT chưa rõ ràng. Hiện tại, có khoảng trên 75% các THT không đăng ký hoạt động với UBND xã, phường, thị trấn theo quy định.
Theo TS. Nguyễn Minh Tú – Vụ trưởng Vụ Hợp tác xã, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, HTX có vai trò quan trọng trong việc cung ứng các sản phẩm, dịch vụ đầu vào, đầu ra chung cho sản xuất của thành viên, liên kết chuỗi giá trị sản xuất; tạo ra giá trị gia tăng, tăng vị thế thị trường cho thành viên. Tuy nhiên, hoạt động của HTX vẫn còn nhiều thách thức, cụ thể, nhận thức về bản chất HTX vẫn còn nhiều sai lệch, triển khai tổ chức thực hiện Luật HTX còn yếu; chưa có bộ máy quản lý nhà nước chuyên trách, chuyên nghiệp, hiệu quả. Bởi vậy, rất cần giải pháp nâng cao nhận thức của toàn xã hội về bản chất, tổ chức HTX và quy định pháp luật về HTX thông qua các hình thức tuyên truyền, giáo dục, đào tạo, xây dựng được các mô hình hiệu quả. Kiện toàn bộ máy quản lý nhà nuớc từ Trung ương tới địa phương, chuyên nghiệp, tinh gọn, hiệu quả, tập trung ở khâu đăng ký HTX, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về HTX. Đồng thời, huy động sự quan tâm, tham gia của toàn xã hội, phát huy năng lực nội tại của HTX, THT.
TS. Đào Thế Anh – Phó Chủ tịch Hội khoa học Phát triển nông thôn Việt Nam cho rằng, để thúc đẩy sự phát triển của kinh tế hợp tác trong nông nghiệp, cần đẩy nhanh việc ban hành Nghị định HTX nông nghiệp, trong đó, tạo môi trường thuận lợi cho các HTX nông nghiệp ra đời. Trước mắt cần củng cố hệ thống quản lý nhà nước về HTX và kinh tế hợp tác đơn giản thuận tiện cho nông dân; củng cố chương trình đào tạo kinh doanh và lãnh đạo HTX, kinh tế hợp tác; nghiên cứu về kinh doanh và quản lý nông nghiệp theo hướng chuyên nghiệp; phát triển tư vấn HTX, kinh tế tập thể tại địa phương.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()