Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm trong thực hiện chuyển đổi số quốc gia
– Chiều 12/7, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công an và Văn phòng Chính phủ phối hợp tổ chức hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 của Chính phủ theo hình thức trực tuyến từ điểm cầu trụ sở Chính phủ đến các bộ, cơ quan trung ương và 63 tỉnh, thành phố.
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn
Dự hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số; Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành trung ương.
Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lạng Sơn có các đồng chí: Hồ Tiến Thiệu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh, Tổ trưởng Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh; các thành viên Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh, Tổ công tác triển khai Đề án 06 tỉnh và đại diện một số đơn vị liên quan.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế nhằm tạo lập hành lang pháp lý giúp kiến tạo sự phát triển trên không gian số, giải quyết các vấn đề phát sinh từ thực tiễn, giải quyết các “điểm nghẽn” về thể chế nhằm thúc đẩy chuyển đổi số nhanh tại Việt Nam.
Trong đó, mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 4 cấp hành chính tiếp tục được phát triển, tạo hạ tầng truyền dẫn ổn định, an toàn kết nối các hệ thống thông tin phục vụ Chính phủ số. Đến nay, mạng truyền số liệu chuyên dùng đã kết nối đến tất cả các huyện, xã trên toàn quốc; tốc độ truy cập mạng băng rộng cố định tăng 29,98% so với cùng kỳ năm 2022; các doanh nghiệp viễn thông di động đã triển khai phủ sóng được 2.416/3.924 thôn lõm sóng viễn thông.
Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chính thức với 13 bộ, ngành, 4 doanh nghiệp (3 tập đoàn và 1 tổng công ty) và 63/63 địa phương để phục vụ khai thác thông tin dân cư; toàn quốc đã có 12.434/13.068 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thực hiện tra cứu thông tin thẻ bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp…
Thực hiện Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung đôn đốc nhằm thực hiện mục tiêu “Xây dựng nền hành chính văn minh, phát triển kinh tế – xã hội và phòng chống tội phạm”. Nổi bật là Bộ Công an phối hợp với Văn phòng Chính phủ cung cấp 25/25 dịch vụ công mức độ 4 và 10/28 dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công (DVC) quốc gia; đã có trên 212 triệu hồ sơ đồng bộ, gần 17,5 triệu lượt thực hiện các dịch vụ tiện ích, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2022…
Tại Lạng Sơn, 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh đã tiếp nhận đăng ký tài khoản định danh điện tử đối với hơn 319.000 tài khoản, lũy kế đến nay đã thu nhận trên 453.000 tài khoản, đạt 133,5% chỉ tiêu; tỉnh đã hoàn thành việc thu nhận hồ sơ cấp CCCD cho 100% công dân đủ điều kiện, được Bộ Công an ghi nhận là 1 trong 25 đơn vị đầu tiên trong cả nước hoàn thành thu nhận hồ sơ cấp CCCD. Cùng đó, đã triển khai cung cấp được 1.809 DVC trực tuyến, trong đó có 392 DVC mức độ 2; 415 DVC trực tuyến một phần; 1.002 DVC trực tuyến toàn trình.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận nhằm đánh giá kết quả đạt được, chỉ ra các tồn tại, hạn chế, vướng mắc, rào cản, điểm nghẽn, phân tích nguyên nhân; chia sẻ những kinh nghiệm hay, những giải pháp cụ thể trong triển khai chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 thời gian qua.
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu, là đòi hỏi khách quan, do vậy các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa, vượt qua rào cản, điểm nghẽn, tư duy bảo thủ và phải có sự đột phá, tập trung ưu tiên đầu tư nguồn lực thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó tập trung vào 4 ưu tiên là: phát triển cơ sở dữ liệu; đẩy mạnh dịch vụ công trực tuyến; phát triển nền tảng số; đảm bảo an ninh mạng và an toàn thông tin. Quá trình thực hiện tập trung cải cách, hoàn thiện thể chế, tháo gỡ nút thắt, khó khăn, đảm bảo hài hoà lợi ích giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; huy động nguồn lực, sự tham gia của cả hệ thống chính trị, làm việc nào dứt việc đó, không để chung chung, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động. Cùng đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, nâng cao năng lực người được phân cấp, phân quyền.
Đồng chí lưu ý: Triển khai Đề án 06 là nhiệm vụ rất quan trọng, cần phải huy động nguồn lực, sự tham gia của cả hệ thống chính trị và người dân, doanh nghiệp; xây dựng cơ chế theo dõi, giám sát việc triển khai Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; vừa xây dựng, vừa phát triển, vừa khai thác có hiệu quả, với tinh thần tích cực, chủ động, đổi mới sáng tạo, vì lợi ích chung. Đồng chí cũng định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm để các bộ ngành, các địa phương thực hiện việc chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 trong thời gian tới.
Ý kiến ()