Ðẩy mạnh ngăn chặn hàng gian, hàng giả dịp cuối năm
Dịp cuối năm, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa của người dân tăng cao cũng là cơ hội để các đối tượng sản xuất, buôn bán hàng gian, hàng giả, thực phẩm “bẩn” lũng đoạn thị trường, thu lợi bất chính. Các cơ quan chức năng tại TP Hồ Chí Minh đang triển khai nhiều giải pháp tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm lành mạnh hóa thị trường, bảo vệ người tiêu dùng…
Phát hiện, xử lý nhiều vụ vi phạm
Ngày 3-11, Ðội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế (PC 03) Công an TP Hồ Chí Minh kiểm tra điểm kinh doanh chứa hàng tại địa chỉ 136/9 đường Tô Hiệu, phường Hiệp Tân, quận Tân Phú. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện 3.318 đơn vị sản phẩm son môi có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu M.A.C, Estee Lauder và 10.869 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm gồm: sữa tắm, kem chống nắng, mặt nạ, nước hoa, lăn khử mùi… Toàn bộ số hàng hóa này không có hóa đơn chứng từ. Lực lượng chức năng đã lập biên bản tạm giữ hàng để xử lý theo quy định pháp luật.
Trước đó, ngày 24-9, Ðội QLTT số 7 kiểm tra cửa hàng Minh Trang, địa chỉ 50 đường Phan Huy Thực, phường Tân Kiểng, quận 7, phát hiện 135 túi xách, bóp nhãn hiệu Chanel, LV có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu; 921 túi xách không nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra, còn phát hiện cửa hàng kinh doanh công cụ hỗ trợ, áo giáp chống đạn, khiên các loại. Ðội đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu để xử lý, đồng thời chuyển giao toàn bộ hàng hóa là công cụ hỗ trợ cho Công an phường Tân Kiểng thụ lý để điều tra làm rõ.
Ngày 5-10, Ðội QLTT số 2 kiểm tra chi nhánh Công ty Thương mại tin học Phương Nam, địa chỉ 26 đường 92, ấp Bến Ðò 2, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, phát hiện chứa trữ hơn ba triệu khẩu trang; ba triệu găng tay cao-su và hơn 25 nghìn hộp đựng khẩu trang, găng tay có dấu hiệu vi phạm nhãn hàng hóa, hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ; không xuất trình được đầy đủ hóa đơn chứng từ. Ðội đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng để tiếp tục làm rõ…
Cục QLTT TP Hồ Chí Minh xác định, hàng lậu được vận chuyển từ biên giới rồi tập kết tại nhiều kho hàng lớn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Hàng hóa được các chủ hàng thuê xe vận chuyển nên khi kiểm tra không xác định được chủ sở hữu. Việc vận chuyển chủ yếu vào ban đêm, không theo thời gian nhất định và phương tiện vận tải thay đổi biển kiểm soát gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát. Ðặc biệt, các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã chuyển từ mua bán công khai sang khai thác lĩnh vực thương mại điện tử. Hoạt động này ngày càng diễn biến phức tạp, nhất là trên các giao dịch thương mại điện tử lớn, có yếu tố đầu tư nước ngoài và các trang mạng xã hội phổ biến. Những vi phạm thương mại điện tử rất tinh vi, gây khó khăn trong nhận biết và xác định đối tượng vi phạm để kiểm tra, xử lý.
Thời gian qua, lực lượng hải quan TP Hồ Chí Minh cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động kiểm soát hàng lậu và gian lận thương mại. Theo thống kê từ ngày 1-1 đến 8-11-2020, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã xử lý 462 vụ vi phạm, xử phạt các đối tượng hơn 6,5 tỷ đồng.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 Nguyễn Thanh Long cho biết: “Tình hình buôn lậu qua cửa khẩu cảng Sài Gòn rất phức tạp, số vụ không giảm. Hiện nay, hàng xuất cũng như hàng nhập đều có những vụ vi phạm lớn, chủ yếu là về gian lận khai sai tên hàng, mã số thuế để trốn thuế. Ngay từ đầu năm, cơ quan hải quan đã lập kế hoạch kiểm soát riêng đối với từng ngành hàng để chống gian lận thương mại. Ðến nay, về cơ bản việc thực hiện kế hoạch đặt ra khá ổn, riêng việc kiểm soát hàng ma túy rất phức tạp vì hành vi gian lận rất tinh vi, khó phát hiện. Nhờ tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng nên cơ quan hải quan đã phá được nhiều vụ buôn lậu ma túy lớn”.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát
Theo dự báo của Cục QLTT TP Hồ Chí Minh, tình hình hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong thời gian tới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là dịp cuối năm. Thực hiện sự chỉ đạo của cấp trên, Cục QLTT thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn nhằm ổn định thị trường, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân an tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Theo đó, xây dựng và triển khai kế hoạch cao điểm tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn thành phố trước, trong và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021; kế hoạch cao điểm kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về kinh doanh mặt hàng đường cát; kế hoạch tuyên truyền pháp luật, triển khai ký cam kết đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh về không tham gia, không tiếp tay cho buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại. Tiếp tục phối hợp các đoàn liên ngành thành phố và quận, huyện trong các lĩnh vực phòng, chống dịch bệnh gia cầm, gia súc, ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi; an toàn thực phẩm; xăng dầu; hóa chất; ga; vật liệu xây dựng; văn hóa xã hội; tiêu chuẩn đo lường chất lượng hàng hóa…
Cơ quan hải quan tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Theo ông Nguyễn Thanh Long, trọng tâm là kiểm soát chặt các nhóm mặt hàng ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội như: Vũ khí, ma túy, vật liệu nổ, pháo nổ, tài liệu phản động, động vật hoang dã…; nhóm mặt hàng tiêu dùng: Lương thực, thực phẩm, sữa, rượu, bia, nước ngọt, bánh kẹo, thực phẩm chức năng, các sản phẩm gia súc, gia cầm, thực phẩm tươi sống…; nhóm mặt hàng trị giá cao: Mỹ phẩm, rượu, thuốc lá, điện thoại, các mặt hàng có thuế tự vệ… Chủ động phát hiện các trường hợp sửa chữa, làm giả chứng từ điện tử kèm hồ sơ hải quan. Kiên quyết đấu tranh với hiện tượng lợi dụng hệ thống thông quan tự động để khai báo không đúng so với thực tế hàng hóa: Không khai báo, hoặc khai báo sai tên hàng, số lượng, trọng lượng, xuất xứ, mã số thuế… Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan trao đổi, thu thập xử lý thông tin…
Ngày 18-11, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã ban hành kế hoạch triển khai công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn. Theo đó, yêu cầu các cơ quan chức năng tập trung tăng cường công tác quản lý, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại trong thương mại điện tử. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật của các thương nhân, tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh về thương mại điện tử…
Ý kiến ()