Hiện nay, nhiều tỉnh ĐBSCL có hai vùng sản xuất theo hai hệ sinh thái mặn – ngọt rõ ràng, nhưng do quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch chưa tốt, xây dựng hạ tầng chưa hoàn chỉnh, đồng bộ cho nên thường bị 'thủng' quy hoạch. Thí dụ, khi có chủ trương chuyển dịch nuôi tôm sú ở những vùng trồng lúa không hiệu quả tại một số tỉnh ven biển, nhiều vùng ngọt không thuộc diện ấy cũng bị nông dân đưa nước mặn vào đồng để nuôi tôm sú phá vỡ sản xuất vùng ngọt nhiều nơi. Hay khi quy hoạch vùng nuôi cá tra ven các sông lớn có điều kiện thì cũng bị nông dân các vùng khác ào ạt nuôi theo, đẩy giá cá giống, thức ăn lên cao đến phi lý, rồi đến mùa thu hoạch do dư thừa, không có thị trường, giá cá thương phẩm giảm mạnh, mọi người cùng không có lãi.
Thời gian qua, cũng do thiếu các thông tin cần thiết, nên khá nhiều loại cây, con khác cũng rơi vào tình trạng như trên. Không tạo được sự liên kết 'nhiều nhà', thiếu liên kết vùng và bố trí cây, con hợp lý nên nông dân không sản xuất theo quy hoạch, mà chạy theo giá cả thị trường.
Để hỗ trợ sản xuất, ổn định thị trường và tránh tình trạng rớt giá do quy luật cung cầu như trình bày trên, các tỉnh cần liên kết và có sự thống nhất những quy hoạch cụ thể, toàn diện cho các vùng sản xuất cây, con phù hợp với điều kiện tự nhiên, đất đai, thổ nhưỡng, trình độ sản xuất, khả năng đáp ứng về hạ tầng phục vụ, phải giám sát chéo việc thực hiện các quy luật đó và có hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, khuyến khích đầu tư hạ tầng cho đồng bộ.
Đối với vùng ngọt, cần khảo sát kỹ các điều kiện tự nhiên để phân vùng bố trí lại cây trồng, vật nuôi phù hợp, trên cơ sở có phân công và liên kết sản xuất vùng theo hướng đa cây, con, đa dạng hóa sản phẩm và rải vụ hợp lý để có nguồn nguyên liệu ổn định chứ không nên tập trung một mặt hàng hoặc một mùa vụ đơn lẻ, đồng thời xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng, hậu cần phục vụ, xúc tiến mạnh việc đầu tư chế biến, bảo quản, tìm hướng thị trường tiêu thụ và đẩy mạnh việc cơ giới hóa, công nghiệp hóa tất cả các khâu sản xuất trong mối liên kết 'nhiều nhà' phù hợp để phát triển bền vững.
Đối với các vùng chuyển dịch hay bị nhiễm mặn, tiến hành quy hoạch lại, chỉ giữ những vùng chuyển dịch còn hiệu quả và thực hiện quy hoạch, đầu tư hạ tầng phục vụ khép kín trên phạm vi từng tiểu vùng về thủy lợi cùng các công trình hạ tầng khác, rồi đào tạo tập huấn kỹ thuật đầy đủ cho việc nuôi tôm của bà con; bố trí lại đối tượng nuôi cho các vùng trên cơ sở xác định tiêu chuẩn, quy cách, sản phẩm cho từng thị trường bố trí mùa vụ chính, luân canh, rải vụ phù hợp. Còn vùng nào không có hiệu quả kinh tế – xã hội cần mạnh dạn và kiên quyết điều chỉnh, chọn cây, con mới phù hợp hơn. Làm được điều đó cũng chính là góp phần phân công sản xuất, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, tránh tập trung trùng lắp cùng một mặt hàng vậy!
Cùng với quy hoạch và liên kết lại, cần tăng cường quản lý chất lượng cây, con giống, kiên quyết ngăn chặn mọi hành vi gây ô nhiễm môi trường, nhất là đối với môi trường nước nuôi tôm, cá và các vùng chế biến thủy sản tập trung. Đầu tư cải tiến công nghệ, thiết bị để đẩy mạnh việc chế biến nông – lâm – thủy sản, nhằm giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm nguyên liệu ổn định giá vào mỗi mùa thu hoạch rộ, không để tư thương ép giá nông sản của nông dân và cũng chính là để đa dạng sản phẩm, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Trên cơ sở thế mạnh riêng về nguồn nguyên liệu tại chỗ, các địa phương cần phải đầu tư nghiên cứu các quy trình công nghệ sản xuất ra các mặt hàng mới xuất khẩu được, hoặc có thị trường riêng để tiêu thụ nông sản hàng hóa của tỉnh mình với những thương hiệu bảo đảm được uy tín về chất lượng, số lượng nguồn hàng, để qua đó hình thành một số mặt hàng, sản phẩm chủ lực của địa phương có tính ổn định, có thị trường tiêu thụ rõ ràng tránh những thua thiệt trên thương trường trong quá trình hội nhập sâu hơn trong thời gian sắp tới.
Ngoài ra, các tỉnh trong vùng ĐBSCL cũng cần đầu tư nghiên cứu ứng dụng, thúc đẩy phát triển thị trường khoa học công nghệ, để tiến tới hỗ trợ, trao đổi, thậm chí bán công nghệ, thiết bị thích hợp cho nông dân để họ có thể tự chế biến nông – lâm – thủy sản ở quy mô nông hộ, để hỗ trợ cho nông dân sản xuất, thúc đẩy CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn.
Ý kiến ()