Đẩy mạnh kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi
Chăn nuôi theo mô hình kinh tế tuần hoàn là việc triển khai các loại hình, phương thức, công nghệ gắn với giảm tiêu hao nguyên liệu đầu vào, xử lý tối ưu chất thải chăn nuôi phục vụ trồng trọt, thủy sản và lâm nghiệp. Những năm gần đây, ở Việt Nam, việc áp dụng mô hình này đã nâng cao giá trị, gia tăng sản phẩm nông nghiệp, tận dụng đầu ra của chăn nuôi tạo nguồn phân bón hữu cơ cho trồng trọt, làm thức ăn cho gia súc.
Trang trại nuôi gà đẻ trứng của nông dân ở xã Thanh Nguyên, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. (Ảnh TRẦN HẢI) |
Theo ước tính của Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), giai đoạn 2018-2022, mỗi năm nước ta có trung bình 60 triệu tấn phân và hơn 290 triệu m3 nước thải chăn nuôi được thải ra từ các loại vật nuôi chính cần được xử lý, tái sử dụng để bảo vệ môi trường.
Hằng năm, Việt Nam sử dụng khoảng 11 triệu tấn phân bón cho gần 10 triệu ha đất nông nghiệp. Trong khi đó, ngành chăn nuôi với quy mô năm 2022 là 544 triệu con gia cầm, hơn 29 triệu con lợn và 8,6 triệu con trâu, bò. Mỗi năm, số lượng phân và nước thải chăn nuôi thải ra rất lớn nhưng chỉ một phần được xử lý làm phân hữu cơ hoặc làm nguyên liệu đầu vào cho khí sinh học tạo năng lượng tái tạo, còn hầu hết được thải ra môi trường gây lãng phí và ô nhiễm. Do đó, việc khai thác, sử dụng chất thải, phế phụ phẩm trong chăn nuôi không chỉ giúp xử lý, bảo vệ môi trường mà còn góp phần giúp ngành chăn nuôi gia tăng giá trị hiệu quả sản xuất từ việc sử dụng chất thải.
Vốn là hộ nghèo ở xã Quảng Nhâm, huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế), năm 2022, gia đình bà Nguyễn Thị Đời, dân tộc Tà Ôi được Trung tâm Khuyến nông quốc gia hỗ trợ mô hình chăn nuôi lợn thịt theo hướng hữu cơ với 95 con. Bà Đời cho biết: “Trước đây, gia đình tôi nuôi lợn nhưng số lượng ít và theo cách truyền thống cho nên hiệu quả không cao. Từ khi tham gia mô hình này, được hỗ trợ giống tốt, xây dựng chuồng trại thoáng mát và được hướng dẫn quy trình chăn nuôi, cung cấp thức ăn cho nên lợn sinh trưởng nhanh. So với chăn nuôi truyền thống trước đây, hiệu quả từ chăn nuôi theo hướng hữu cơ cao hơn. Đến nay, gia đình tôi đã bán được nhiều lứa và được Tập đoàn Quế Lâm thu mua, bình quân mỗi năm thu được 60 đến 70 triệu đồng. Các loại chất thải từ lợn được gia đình ủ làm phân hữu cơ bón cho cây trồng để quay lại cho chăn nuôi lợn theo hướng tuần hoàn”.
Ông Tôn Thất Thạnh, đại diện Tập đoàn Quế Lâm cho biết: “Để tham gia mô hình, nông dân được cung ứng thức ăn, con giống và chế phẩm sinh học, sau đó tập đoàn sẽ thu mua lại toàn bộ sản phẩm với giá 65.000 đồng/kg. Hiện nay, mô hình chăn nuôi lợn theo hướng hữu cơ từng bước được đưa vào thực tiễn. Chúng tôi đang có hướng nhân rộng, nhất là ở huyện A Lưới, bởi nơi đây nhân dân còn nhiều khó khăn”.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện A Lưới Văn Lập cho biết, mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ đã giúp thay đổi nhận thức về chăn nuôi cho người dân trên địa bàn. Qua mô hình này, người dân được tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong chăn nuôi theo hướng hữu cơ, tuần hoàn nhằm cung cấp cho thị trường thịt lợn chất lượng cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và đầu ra ổn định.
Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã và đang triển khai một số mô hình phát triển chăn nuôi tuần hoàn, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để sử dụng phế phụ phẩm trong nông nghiệp như là một nguồn lợi nhằm nâng cao giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Trong đó, mô hình chăn nuôi lợn, trồng trọt theo hướng hữu cơ triển khai tại sáu tỉnh: Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Nam Định, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Đồng Nai quy mô 2.700 con lợn thịt. Mô hình tiết kiệm được 1.387 lít nước/con, chất thải được xử lý bằng chế phẩm sinh học tạo nguồn phân hữu cơ để bón cho cây trồng cung cấp thức ăn cho lợn, tạo vòng tuần hoàn trong sản xuất. Sản phẩm chăn nuôi một phần được Tập đoàn Quế Lâm trực tiếp thu mua, chế biến tiêu thụ, phần còn lại các hợp tác xã, hộ dân tiêu thụ với giá bán cao hơn chăn nuôi đại trà từ 25 đến 30% tùy từng thời điểm. Mô hình vỗ béo bò thịt và xử lý môi trường bằng chế phẩm sinh học kết hợp trồng trọt được triển khai tại các địa phương: Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Nam Định, Thái Bình, Hà Nội, Yên Bái… Nhờ tận dụng các phế phụ phẩm trong nông nghiệp, thân cây ngô, rơm… cho nên giảm chi phí thức ăn, tăng hiệu quả kinh tế từ 15 đến 20%. Chất thải chăn nuôi được ủ bằng chế phẩm tạo nguồn phân hữu cơ cho trồng trọt. Theo thống kê, hằng năm các mô hình nêu trên tạo ra khoảng 20 nghìn tấn phân hữu cơ bón cho cây trồng, nhất là trồng cỏ, ngô sinh khối làm thức ăn chăn nuôi.
Theo Cục Chăn nuôi, thời gian qua trên cả nước có nhiều mô hình chăn nuôi hữu cơ, tuần hoàn đã hình thành và đang được nhân rộng; nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào sản xuất chăn nuôi theo chuỗi khép kín với quy mô lớn và sản xuất theo hướng tuần hoàn. Tuy nhiên, chăn nuôi tuần hoàn ở nước ta cũng đang gặp nhiều khó khăn như: Chưa có chính sách riêng để thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư cho nông nghiệp tuần hoàn. Quy định pháp luật riêng về tái chế, tái sử dụng chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp theo hướng tuần hoàn chưa đầy đủ. Vùng nguyên liệu đầu vào để thực hiện tuần hoàn chất thải chăn nuôi, phụ phẩm nông nghiệp chưa ổn định; thiếu hệ thống dữ liệu thông tin phụ phẩm nông nghiệp cho nên việc đánh giá tiềm năng sử dụng ở Việt Nam còn hạn chế.
Hà Nội hiện có 158 nghìn con trâu, bò, 1,38 triệu con lợn, 39,7 triệu con gia cầm. Theo thống kê, chất thải rắn phát sinh trong hoạt động chăn nuôi khoảng 3,9 triệu tấn/năm, hoạt động giết mổ khoảng 20.744 tấn/năm và hơn 2.664 triệu lít nước thải/năm từ hoạt động chăn nuôi ra môi trường gây ra nguy cơ ô nhiễm môi trường đất, nguồn nước và không khí… Tuy nhiên, kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi cũng đang vấp phải trở ngại bởi nhận thức của người dân, doanh nghiệp về vai trò, lợi ích về vấn đề này chưa đầy đủ; chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ cao gây khó khăn cho việc kiểm soát dịch bệnh, chất thải; việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trong chăn nuôi còn hạn chế, chưa đồng bộ nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ xử lý chất thải… ■
Theo nhandan.vn
Ý kiến ()