Đẩy mạnh kết nối liên thông, phát huy hiệu quả đường cao tốc
Trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông đã hình thành những trục cao tốc dài hàng trăm ki-lô-mét, đi qua nhiều địa phương. Những kinh nghiệm rút ra trong quá trình triển khai các đoạn tuyến thành phần của cao tốc Bắc-Nam giúp công tác thực hiện các dự án đường cao tốc tiếp theo thuận lợi hơn, nhìn nhận rõ điểm nghẽn để kịp thời tháo gỡ.
Cùng với đó, những địa phương nơi có đường cao tốc đi qua cần hoàn chỉnh các nút giao, tuyến đường kết nối với cao tốc để thúc đẩy giao thương, phát huy hiệu quả các dự án.
Rõ hình hài trục cao tốc huyết mạch
Từ đầu tháng 9-2023, hai dự án thành phần trên cao tốc Bắc-Nam gồm đoạn Quốc lộ 45-Nghi Sơn và Nghi Sơn-Diễn Châu được đưa vào khai thác, hình thành trục cao tốc xuyên suốt từ Pháp Vân (Hà Nội) đến Nghệ An với tổng chiều dài 251km. Theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải (GTVT), việc hoàn thành cao tốc đoạn từ Ninh Bình đến Nghệ An giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Diễn Châu (Nghệ An) chỉ còn khoảng 3 đến 3,5 giờ, giải quyết nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa giữa các tỉnh khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ, giảm tai nạn, ùn tắc giao thông trên Quốc lộ 1. Các đoạn tuyến mới được hoàn thành đã nâng tổng chiều dài tuyến đường bộ cao tốc đang khai thác trên cả nước lên 1.822km.
Theo ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), quá trình thực hiện các dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020, Bộ GTVT đã quyết liệt chỉ đạo các chủ thể tham gia áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp để đẩy nhanh tiến độ, bảo đảm chất lượng. Cụ thể, đã lên kế hoạch chi tiết để kiểm soát tiến độ từ bước lập dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, dự toán, lựa chọn nhà thầu đến thi công chi tiết. Sau khi dự án đầu tư được duyệt, đã cắm cọc giải phóng mặt bằng, bàn giao cho địa phương thực hiện để rút ngắn thời gian giải phóng mặt bằng.
Phương tiện lưu thông trên cao tốc Bắc-Nam đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45. Ảnh: TẠ HẢI |
Quá trình thi công, Bộ GTVT đã kịp thời điều chỉnh giải pháp thiết kế cho phù hợp thực tế, đẩy nhanh thủ tục, tiến độ giải ngân. Đồng thời, nhận diện các khó khăn, vướng mắc để kịp thời báo cáo, đề xuất giải pháp, trong đó có tình trạng thiếu vật liệu đất đắp. Chính phủ đã ban hành các nghị quyết cho phép áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công dự án. Cùng với đó là sự quyết tâm, cố gắng của các chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế, đề xuất các giải pháp kỹ thuật phù hợp, tổ chức thi công “3 ca, 4 kíp”, xuyên lễ, Tết trên công trường.
Tham gia thi công dự án thành phần đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45, Công ty Cổ phần Phát triển hạ tầng 319 thuộc Tổng công ty 319 (Bộ Quốc phòng) là một trong những đơn vị hoàn thành sớm nhất phân đoạn được giao, góp phần vào tiến độ chung của dự án. Trung tá Nguyễn Quang Hưng, Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển hạ tầng 319 cho biết, giai đoạn cao điểm nhất, Công ty tập trung hơn 40 đầu máy, thiết bị, huy động hơn 100 cán bộ, công nhân, làm việc liên tục cả ngày và đêm. Đơn vị cũng thường xuyên phát động các đợt thi đua trên công trường để khích lệ, động viên người lao động.
“Một trong những khó khăn lớn nhất khi triển khai dự án là xử lý nền đất yếu, mất nhiều thời gian, công sức. Trước những thách thức đặt ra, đòi hỏi đơn vị luôn sát sao với công việc, đáp ứng những yêu cầu kỹ thuật khắt khe của dự án, vật liệu đầu vào được giám sát chặt chẽ, thi công bảo đảm chất lượng từng khâu, từng bước”, Trung tá Nguyễn Quang Hưng chia sẻ.
Để cao tốc giúp địa phương cất cánh
Không chỉ góp phần tăng năng lực lưu thông và bảo đảm tốt hơn an toàn giao thông, các tuyến đường cao tốc còn tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội các địa phương và cả nước. Đơn cử như trục cao tốc từ Hà Nội đến Nghệ An sau khi hoàn thành hứa hẹn sẽ thúc đẩy các khu công nghiệp, trung tâm văn hóa, du lịch của các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An và khu vực Bắc Trung Bộ.
Theo ông Mai Xuân Liêm, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, để phát huy hiệu quả của cao tốc, tỉnh ưu tiên bố trí gần 8.300 tỷ đồng đầu tư các tuyến đường kết nối từ vị trí nút giao của cao tốc với các tuyến đường trọng điểm tại địa phương. Tỉnh Nghệ An cũng triển khai quy hoạch khu vực hai bên cao tốc với kỳ vọng cao tốc Bắc-Nam sẽ góp phần phát triển các lĩnh vực quan trọng như công nghiệp, đô thị, du lịch. Nhờ có cao tốc, dịch vụ vận tải, logistics sẽ thuận lợi hơn, góp phần tăng sức hấp dẫn cho các địa phương trong thu hút đầu tư.
Hiện nay, Bộ GTVT và các địa phương đang tích cực triển khai xây dựng những đoạn còn lại trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông, các tuyến vành đai vùng Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tuyến cao tốc kết nối khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long. Mục tiêu đặt ra là phấn đấu đến cuối năm 2025 sẽ cơ bản hoàn thành toàn bộ tuyến đường cao tốc Bắc-Nam phía Đông từ Lạng Sơn đến Cà Mau và cả nước sẽ có 3.000km đường bộ cao tốc.
Sau khi hoàn thành dự án Mai Sơn-Quốc lộ 45, Tổng công ty 319 tiếp tục được giao nhiệm vụ tham gia thi công dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 đoạn Bãi Vọt-Hàm Nghi qua tỉnh Hà Tĩnh với giá trị gấp 5 lần so với dự án cao tốc trước đó. Theo Trung tá Nguyễn Quang Hưng, nhiều kinh nghiệm trong thi công cao tốc đã được đơn vị triển khai hiệu quả tại dự án Bãi Vọt-Hàm Nghi. Trong đó, đường công vụ hiện đã cơ bản hoàn thành, tiếp cận được những vị trí có mặt bằng thi công, triển khai một số hạng mục trên tuyến, các hầm chui dân sinh, xử lý nền đất yếu. Công tác giải phóng mặt bằng của địa phương cũng khá thuận lợi, giá cả vật liệu được kiểm soát, nhà thầu đang tiến hành các thủ tục để được giao khai thác đất đắp phục vụ cho dự án.
Từ những bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình triển khai cao tốc Bắc-Nam, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh yêu cầu cần bám sát thực tiễn, chủ động, kịp thời phát hiện các khó khăn, vướng mắc để đề xuất những giải pháp, cơ chế, chính sách theo hướng giảm thủ tục hành chính và các khâu trung gian. “Tinh thần như Chính phủ đã quán triệt là khó khăn ở đâu thì giải quyết ở đó, ở cấp nào thì cấp đó giải quyết, tránh các hiện tượng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, ảnh hưởng đến tiến độ và mục tiêu chung của các dự án”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nêu rõ.
Công tác giải phóng mặt bằng luôn được xác định là đường găng của các dự án đường bộ nên cần phải đi trước một bước. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị các địa phương tập trung chỉ đạo triển khai đồng thời một số công việc để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật, xây dựng khu tái định cư, giao mỏ vật liệu, xác định bãi đổ thải, hạn chế tối đa việc bàn giao mặt bằng “xôi đỗ” gây khó khăn trong quá trình thi công…
Đối với các chủ đầu tư, tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế, nhà thầu, lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu xây dựng kế hoạch, phương án thi công khoa học, chi tiết, phù hợp điều kiện thực tế, huy động đầy đủ nhân lực, tài chính, máy móc thiết bị hiện đại, bám sát tiến độ, bảo đảm chất lượng, an toàn, giữ gìn vệ sinh môi trường. Đồng thời, chú trọng chăm lo quyền lợi chính đáng, đời sống tinh thần, động viên, cổ vũ người lao động.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/day-manh-ket-noi-lien-thong-phat-huy-hieu-qua-duong-cao-toc-743033
Ý kiến ()