Đẩy mạnh kết nối giao thông Thái Nguyên-Bắc Giang
Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” yêu cầu phát triển kinh tế vùng phải có trọng tâm, trọng điểm đã xác định phát triển hạ tầng giao thông gắn với các hành lang kinh tế là một trong những khâu đột phá quan trọng. Để tăng cường liên kết, bổ sung, hỗ trợ cho nhau cùng phát triển, thời gian qua, hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Giang đã đẩy mạnh kết nối giao thông và đây đều là những tuyến đường lớn, trọng điểm.
Thái Nguyên và Bắc Giang là hai tỉnh liền kề, sản xuất công nghiệp, xây dựng, dịch vụ phát triển; tuy nhiên, những tuyến đường kết nối hai tỉnh hiện có đều đã bị quá tải, hoặc nhỏ hẹp, không đáp ứng được nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa. Những năm gần đây, kinh tế, xã hội, nhất là thu hút đầu tư công nghiệp của hai tỉnh phát triển sôi động, lưu lượng người và phương tiện đi lại, vận chuyển hàng hóa tăng cao. Trong khi đó, kết nối giao thông giữa hai tỉnh chủ yếu là Quốc lộ 37 với nhiều đoạn đường nhỏ hẹp, đi qua khu dân cư đông đúc, cho nên không đáp ứng nhu cầu phát triển. Bên cạnh đó, Quốc lộ 17 kết nối hai tỉnh đang trong tình trạng xuống cấp.
Trước thực trạng đó, Thường trực Tỉnh ủy hai tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang đã ký Biên bản ghi nhớ số 234-BB/TUBG-TUTN ngày 29/3/2023 giữa Ban Thường vụ hai tỉnh và kế hoạch của hai địa phương về triển khai các biện pháp phối hợp, liên kết phát triển giai đoạn 2023-2025 và những năm tiếp theo. Tiếp đó, Sở Giao thông vận tải hai tỉnh cũng đã có những cuộc làm việc, ký kết kế hoạch tăng cường kết nối giao thông để tạo động lực thúc đẩy hợp tác phát triển kinh tế, xã hội.
Tuyến đường vành đai 5- Vùng Thủ đô Hà Nội đoạn qua tỉnh Thái Nguyên dài gần 20 km, rộng bốn làn xe, được xây dựng hiện đại, đồng bộ, có điểm đầu kết nối với cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên đi qua vùng trọng điểm công nghiệp, đô thị, xây dựng và dịch vụ của tỉnh, đã và đang được khẩn trương hoàn thành. Cụ thể, đoạn kết nối với cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên tại nút giao Yên Bình, đi qua thành phố Phổ Yên, huyện Phú Bình kết nối với Quốc lộ 37 đã hoàn thành, đưa vào sử dụng từ đầu năm 2023; đoạn tiếp theo từ Quốc lộ 37 qua huyện Phú Bình dài gần 7 km, mặt đường rộng 21,5m với bốn làn xe, vốn đầu tư gần 700 tỷ đồng được xây dựng đến địa giới hành chính huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2024.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bắc Giang Nguyễn Thanh Tùng cho biết, theo quy hoạch giai đoạn 2026-2030, tuyến đường vành đai 5-Vùng Thủ đô sẽ trở thành cao tốc sáu làn xe; tỉnh đã nghiên cứu phương án xây dựng đường kết nối tuyến cao tốc này với đường tỉnh 294 tại huyện Tân Yên. Hiện nay phương án thiết kế đã được trình các cơ quan chức năng để xin phê duyệt chủ trương đầu tư.
Tương tự, tuyến đường liên kết Thái Nguyên-Bắc Giang-Vĩnh Phúc trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên dài 42,55 km, trong đó tuyến chính dài 36,5 km,
tuyến nhánh dài hơn 6 km, rộng từ 12 đến 47m, trong đó chủ yếu là rộng 22,5m, vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, kết nối với tỉnh Bắc Giang tại cầu Hòa Sơn (huyện Hiệp Hòa) sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng từ cuối năm nay. Đối với tuyến đường kết nối này, phía tỉnh Bắc Giang đã cơ bản hoàn thành, trong đó cầu Hòa Sơn bắc qua sông Cầu dài 439m và hơn 10 km kết nối với Quốc lộ 37 tại khu vực xã Lương Phong, huyện Hiệp Hòa. Quy mô là đường cấp III đồng bằng, chiều rộng mặt đường 11m, vận tốc thiết kế 80 km/giờ, tổng mức đầu tư hơn 543 tỷ đồng.
Đoạn tuyến từ ĐT 265 tỉnh Thái Nguyên dài hơn 12 km, rộng 9m, tiêu chuẩn đường giao thông cấp III kết nối với tuyến Việt Yên-Yên Thế (Bắc Giang) đã được tỉnh Thái Nguyên phê duyệt chủ trương đầu tư, giao chủ đầu tư, sẽ được khởi công thời gian tới và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025. Về phía Bắc Giang, tuyến đường kết nối này được tỉnh đầu tư hơn 1.450 tỷ đồng, hiện đã cơ bản hoàn thành, bao gồm xây dựng mới 42,07 km đường, cải tạo tuyến nhánh là 14,96 km. Tỉnh Bắc Giang kỳ vọng tuyến đường này sẽ tạo điều kiện thu hút các nhà đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh, nhất là huyện miền núi Yên Thế.
Trong những năm tới, hai tỉnh tiếp tục quy hoạch các tuyến đường kết nối gồm: Qua đường vành đai 5-Vùng Thủ đô Hà Nội; tuyến ĐT 294D nối thị trấn Phồn Xương, xã Tam Tiến, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang (theo quy hoạch tỉnh Bắc Giang là ĐT 294D) đi xã Tân Hòa, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên (theo quy hoạch tỉnh Thái Nguyên chưa có quy hoạch kết nối), tuyến nhánh ĐT 294B (theo quy hoạch tỉnh Bắc Giang đã có) qua khu du lịch sinh thái cộng đồng bản Ven thuộc xã Canh Nậu, huyện Yên Thế (Bắc Giang) kết nối với đường giao thông xóm Nác tại ngã ba Xoan nối ra ĐT 269D tại Km 24+500 thuộc địa phận xã Liên Minh, huyện Võ Nhai (Thái Nguyên).
Ngoài ra, hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Giang thường xuyên trao đổi, phát triển mạng lưới tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các đơn vị vận tải hành khách tuyến cố định trên địa bàn hai tỉnh, xây dựng, phát triển và công bố mạng lưới tuyến buýt liền kề từ thành phố Thái Nguyên đến thành phố Bắc Giang và từ trung tâm hai thành phố này đi qua các khu công nghiệp, để phục vụ nhu cầu đi lại của công nhân.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Thái Nguyên Phạm Quang Anh cho biết: Ba tuyến đường mới đang và sẽ được xây dựng, nhất là tuyến đường vành đai 5-Vùng Thủ đô Hà Nội và tuyến đường liên kết Thái Nguyên-Bắc Giang-Vĩnh Phúc sẽ được đưa vào sử dụng từ cuối năm nay, đi qua vùng trọng điểm công nghiệp, đô thị, dịch vụ phía nam tỉnh Thái Nguyên, kết nối với tỉnh Bắc Giang, nhất là các huyện Hiệp Hòa và Việt Yên là các trọng điểm kinh tế của Bắc Giang, không chỉ tăng cường liên kết về giao thông, mà còn thúc đẩy liên kết kinh tế, xã hội, phát huy tiềm năng, thế mạnh của mỗi tỉnh. Đây là những nền tảng quan trọng để hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Giang thực hiện thành công Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Ý kiến ()