Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người
Mua bán người được xác định là vấn đề hệ trọng, liên quan đến bảo đảm an ninh con người. Bộ Công an xác định phòng, chống loại tội phạm này không chỉ là nhiệm vụ riêng của lực lượng công an, mà cần có sự tham gia, huy động sức mạnh, sự phối hợp của các ban, bộ, ngành, các tổ chức quốc tế và người dân. Trong đó, có tầm quan trọng của hợp tác quốc tế.
Trước diễn biến phức tạp với nhiều phương thức thủ đoạn tinh vi, hình thái mới của tội phạm mua bán người, việc phát hiện sớm các dấu hiệu phạm tội có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phòng ngừa, điều tra các vụ án mua bán người.
Về phương thức thủ đoạn, hoạt động phạm tội mua bán người có tổ chức, mang tính xuyên quốc gia, ngày càng tinh vi, chặt chẽ hơn.
Triệt để lợi dụng công nghệ cao trong mua bán người
Những xu thế mua bán người mới nổi trong thời gian qua bao gồm các loại tội phạm mua bán người trực tuyến, lừa đảo cưỡng bức lao động, đối tượng nạn nhân tiềm năng đã mở rộng ra nhiều thành phần trong xã hội không còn trong phạm vi truyền thống như trước đây là phụ nữ và trẻ em.
Các đối tượng phạm tội triệt để lợi dụng công nghệ cao, các mạng xã hội để tìm kiếm, lừa gạt nạn nhân hoặc tìm kiếm, liên lạc với người có nhu cầu mua nội tạng hoặc mua con nuôi. Bên cạnh đó cũng xuất hiện hiện tượng đưa người từ một số nước khác trung chuyển qua Việt Nam để đến nước thứ ba.
Theo đánh giá của cơ quan chức năng, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, đa dạng. Nổi lên là: Các đối tượng lợi dụng mạng xã hội bằng các nick giả để kết bạn, làm quen, tán tỉnh yêu đương, hứa hẹn tìm việc làm thu nhập cao, lấy chồng nước ngoài...
Trong 5 năm (2018 đến 2022), cả nước phát hiện 394 vụ, 837 đối tượng vi phạm pháp luật và tội phạm về mua bán người, chủ yếu là mua bán người ra nước ngoài, chiếm hơn 80% số vụ.
Thời gian gần đây xuất hiện ngày càng nhiều vụ mua bán người ở trong nước.
Các đối tượng trong nước cấu kết với đối tượng là người Việt Nam cư trú ở nước ngoài và người nước ngoài hình thành các đường dây khép kín.
Đáng chú ý, một số xu thế mới như hình thức tổ chức đưa người xuất cảnh, đi lao động ở nước ngoài trái phép hoặc “núp bóng” các tổ chức đưa người đi lao động nước ngoài để cưỡng bức lao động; bán vào các cơ sở đánh bạc trực tuyến, cơ sở kinh doanh massage, karaoke ép bán dâm. Khi nạn nhân muốn quay về nước phải trả một khoản tiền chuộc lớn.
Hoặc hình thành các đường dây đưa người ra nước ngoài để mang thai hộ, đẻ thuê hoặc mua bán bộ phận cơ thể...
Tại Họp báo thông báo tình hình kết quả công tác công an quý III năm 2024, Thiếu tướng Phan Mạnh Trường, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Bộ Công an, cho biết: Từ cuối năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024, tình hình tội phạm mua bán người diễn biến hết sức phức tạp trên khắp các tuyến biên giới Việt Nam-Campuchia, Việt Nam-Trung Quốc và Việt Nam-Lào.
Về kết quả điều tra, xử lý, trong 6 tháng đầu năm 2024, cả nước đã xảy ra 39 vụ án liên quan đến hành vi mua bán người, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, lực lượng Công an đã khởi tố 35 vụ, 104 đối tượng.
Cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong phòng, chống mua bán người
Hợp tác quốc tế đang là xu hướng tất yếu trong cuộc đấu tranh trước những mối đe dọa về an ninh của các loại tội phạm xuyên quốc gia nói chung, tội phạm mua bán người nói riêng. Không có bất kỳ một quốc gia đơn lẻ nào có thể tự giải quyết được mà cần sự phối hợp giữa các quốc gia, sự hợp tác giữa các tổ chức quốc tế.
Thời gian qua, nhằm đấu tranh hiệu quả với tội phạm mua bán người, công tác hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người giữa Việt Nam với các nước trong khu vực ASEAN và trên thế giới luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng nhằm ngăn ngừa những hành vi phạm tội có tính chất vượt ra ngoài lãnh thổ của một quốc gia.
Vấn đề hợp tác tư pháp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người bao gồm phối hợp trao đổi thông tin, phối hợp điều tra, tương trợ tư pháp trong việc thu thập chứng cứ, lấy lời khai, cung cấp tài liệu. Để đạt được điều này, cần có sự hợp tác song phương và đa phương giữa các quốc gia trong cùng khu vực cũng như trên toàn thế giới.
Bên cạnh đó, quy trình tố tụng và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm mua bán người đặt ra yêu cầu hợp tác quốc tế với quốc gia nơi chủ thể tội phạm mang quốc tịch, quốc gia là nơi trung chuyển tội phạm.
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, Bộ Công an, cho biết: Bộ Công an - cơ quan soạn thảo Dự án Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) đã tiếp thu, giải trình những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội vào Dự án Luật tại Kỳ họp thứ 7 và được trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Thiếu tướng Phạm Công Nguyên khẳng định, việc sửa đổi Luật Phòng, chống mua bán người nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng, chống mua bán người, thể hiện cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các điều ước quốc tế liên quan vấn đề phòng, chống mua bán người, nhằm khắc phục những hạn chế, khó khăn hiện nay, bảo đảm đáp ứng tốt hơn yêu cầu đẩy mạnh phòng, chống mua bán người trong tình hình mới.
Tại Chương VI, dự thảo đã quy định về hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người. Cụ thể:
Điều 58. Nguyên tắc hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người Nhà nước Việt Nam thực hiện điều ước quốc tế về phòng, chống mua bán người và điều ước quốc tế khác có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên trên nguyên tắc bình đẳng, tự nguyện, tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và các bên cùng có lợi; hợp tác với các nước, tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài trong hoạt động phòng, chống mua bán người.
Điều 59. Thực hiện hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người
1. Trên cơ sở điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan, thỏa thuận quốc tế đã ký kết, cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thực hiện chương trình hợp tác về phòng, chống mua bán người với cơ quan có liên quan của các nước, tổ chức quốc tế, tổ chức, cá nhân nước ngoài trong việc tăng cường năng lực pháp luật, thông tin, công nghệ và đào tạo về phòng, chống mua bán người.
2. Việc phối hợp giữa các cơ quan hữu quan của Việt Nam với các cơ quan hữu quan của nước ngoài để giải quyết vụ việc về mua bán người thực hiện theo quy định của các điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Trong trường hợp Việt Nam và nước có liên quan không cùng tham gia điều ước quốc tế thì các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thực hiện việc hợp tác quốc tế trên nguyên tắc có đi có lại, phù hợp với pháp luật của Việt Nam, pháp luật và tập quán quốc tế.
Điều 60. Hợp tác quốc tế trong việc giải cứu và hồi hương nạn nhân
1. Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện để các cơ quan chức năng của Việt Nam hợp tác với các cơ quan hữu quan của nước ngoài trong việc giải cứu, bảo vệ người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân bị mua bán.
2. Nhà nước Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi trong việc hồi hương nạn nhân là người nước ngoài trở về nước mà người đó có quốc tịch hoặc có nơi thường trú cuối cùng; áp dụng các biện pháp để việc hồi hương nạn nhân được tiến hành theo đúng pháp luật và thỏa thuận quốc tế giữa Việt Nam với các nước, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của người đang trong quá trình xác định là nạn nhân, nạn nhân.
Điều 61. Tương trợ tư pháp: Quan hệ tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và nước có liên quan được thực hiện trên cơ sở các điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước đó cùng là thành viên hoặc trên nguyên tắc có đi có lại phù hợp với pháp luật của Việt Nam, pháp luật và tập quán quốc tế. Nhà nước Việt Nam dành ưu tiên cho nước ký kết điều ước quốc tế song phương với Việt Nam sự tương trợ tư pháp trong hoạt động phòng, chống mua bán người.
Ý kiến ()