Ðẩy mạnh hợp tác kinh tế Việt Nam - Cam-pu-chia với tầm nhìn chiến lược giai đoạn 2015-2020
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ hai nước về việc thành lập Hiệp hội Ngành nghề nhằm đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư của Việt Nam vào Cam-pu-chia theo mục tiêu định hướng của hai Chính phủ và khắc phục những hạn chế hiện có, Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Cam-pu-chia (AVIC) được thành lập tháng 12-2009.
Hiệp hội gồm các tập đoàn, doanh nghiệp nòng cốt của Việt Nam gồm: Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Vietnam Airline, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Tập đoàn Cao-su Việt Nam, Tổng công ty Phân bón Năm sao; Ngân hàng TMCP Ðầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Tổng Công ty 15. BIDV giữ vai trò chủ tịch AVIC.
Ðầu tư của Việt Nam góp phần phát triển kinh tế Cam-pu-chia
Từ khi AVIC được thành lập, trong giai đoạn 2009-2014, quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại và du lịch Việt Nam và Cam-pu-chia có sự chuyển biến mạnh mẽ cả về số lượng, chất lượng và hiệu quả. Dòng vốn đầu tư của Việt Nam sang Cam-pu-chia tăng mạnh về số dự án và vốn đầu tư. Việt Nam đứng thứ 5 trong số các nước đầu tư nhiều nhất vào Cam-pu-chia. Kim ngạch thương mại song phương liên tục tăng qua các năm với tốc độ bình quân hơn 30%/năm. Việt Nam đứng thứ 3 trong hợp tác thương mại với Cam-pu-chia; Khách du lịch Việt Nam sang Cam-pu-chia không ngừng tăng qua các năm và Việt Nam đứng đầu trong số các nước có lượng khách lớn nhất đến Cam-pu-chia.
Các dự án đầu tư trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán đóng vai trò là cầu nối thanh toán và hỗ trợ về vốn để thực hiện thành công các dự án trong các lĩnh vực khác, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư Việt Nam đầu tư vào Cam-pu-chia. Việc Vietnam Airlines mở đường bay thẳng, Viettel phủ sóng mạng viễn thông và nhiều dự án lớn, trọng điểm đã hoàn thành tại Cam-pu-chia (như Dự án Nhà máy sản xuất phân bón Năm sao Cam-pu-chia; Dự án Nhà máy sản xuất phức hợp đường, ethanol và nhiệt điện tại tỉnh Kratie; Dự án hệ thống kho chứa và dây chuyền chế biến gạo của Cavifoods; Bệnh viện Chợ Rẫy; các dự án trồng cây cao-su, trồng cọ dầu và chế biến cọ dầu của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và Tập đoàn Cao-su Việt Nam)… đã góp phần làm gia tăng nhanh chóng nguồn vốn đầu tư đạt hiệu quả của Việt Nam vào Cam-pu-chia. Các dự án quan trọng này đã: Giúp nâng cao đời sống, chăm sóc sức khỏe người dân Cam-pu-chia; Cải thiện môi trường, hạ tầng kỹ thuật và phát triển kinh tế địa phương; Củng cố, tăng cường mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa hai quốc gia.
Về hoạt động thương mại: Thương mại song phương Việt Nam – Cam-pu-chia trong giai đoạn 2009 – 2014 đạt mức tăng trưởng ấn tượng. Mức tăng bình quân trong 5 năm 2009 – 2013 đạt 30%/năm. Trong 10 tháng đầu năm 2014, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều giữa hai nước đạt 2,6 tỷ USD, bằng 76% mức thực hiện năm 2013. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Cam-pu-chia đạt hơn 2,1 tỷ USD; Xuất khẩu Cam-pu-chia sang Việt Nam đạt hơn 528 triệu USD. Dự kiến kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Cam-pu-chia cả năm 2014 đạt 3,5 tỷ USD, tăng 3% so với năm 2013.
Về du lịch: Hai nước có bảy cửa khẩu đường bộ quốc tế. Việc hai bên mở các đường bay thẳng đã góp phần tăng nhanh lượng khách du lịch Việt Nam sang Cam-pu-chia và ngược lại. Tổng lượng khách du lịch hai chiều giữa hai nước năm 2009 chỉ đạt 485.000 lượt. Năm 2013, con số này đã tăng lên 1,2 triệu lượt. Ðến hết tháng 9-2014, số lượng khách du lịch Việt Nam đến Cam-pu-chia đạt 632 nghìn lượt, tương đương cùng kỳ 2013, và bằng 74% mức thực hiện cả năm 2013 (chiếm gần 20% tổng lượng khách quốc tế đến Cam-pu-chia).
Về hoạt động an sinh xã hội: Cùng với hoạt động đầu tư, kinh doanh, doanh nghiệp Việt Nam (DNVN) đã thể hiện trách nhiệm cao với cộng đồng người dân Cam-pu-chia thông qua thực hiện hoạt động an sinh xã hội. Hoạt động này góp phần ổn định xã hội, nâng cao đời sống nhân dân Cam-pu-chia, đặc biệt là với người dân tại các vùng biên giới gặp nhiều khó khăn.
Những kết quả đạt được về đầu tư, thương mại và du lịch nêu trên góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng thu ngân sách, tạo việc làm cho người dân và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế của Cam-pu-chia nhiều năm qua.
Phấn đấu đến năm 2020, FDI của Việt Nam vào Cam-pu-chia đạt 6 tỷ USD
Về đầu tư: DNVN phấn đấu đến năm 2020 đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam vào Cam-pu-chia đạt 6 tỷ USD, gấp hai lần so với năm 2013. Trong đó, năm 2015 đạt từ 4 đến 4,2 tỷ USD. Việt Nam giữ vị trí là một trong những quốc gia đầu tư lớn nhất vào Cam-pu-chia. DNVN tập trung đầu tư vào các lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh, Cam-pu-chia có tiềm năng lớn. Riêng về thương mại và du lịch sẽ tạo nhiều đột phá: Kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều đến năm 2020 đạt 6,5 tỷ USD, trong đó năm 2015 đạt 5 tỷ USD, gấp 1,9 lần so với năm 2013; Khách du lịch hai chiều Việt Nam – Cam-pu-chia tăng trưởng hơn 30%/năm, đạt 2,5 triệu lượt vào năm 2020 và 1,6 triệu lượt vào năm 2015.
Một số lĩnh vực trọng điểm mà DNVN tập trung đầu tư gồm: Lĩnh vực tài chính ngân hàng: Mở rộng hoạt động của các ngân hàng Việt Nam tại Cam-pu-chia, tăng nguồn lực tài chính và mạng lưới để tạo điều kiện cung ứng vốn, cung cấp dịch vụ thanh toán thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào Cam-pu-chia; Lĩnh vực nông nghiệp: Ðây là lĩnh vực bạn muốn Việt Nam đầu tư và được ưu tiên hàng đầu trong chính sách phát triển của Cam-pu-chia. Do đó, cần tập trung đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất và chế biến lúa gạo, trồng và chế biến nông sản, sản xuất phân bón, máy nông cụ…; Lĩnh vực khai khoáng: Việt Nam lựa chọn doanh nghiệp đầu mối tập trung nghiên cứu, khai thác nguồn tài nguyên phong phú của Cam-pu-chia như khai thác vàng, đá quý, phốt-pho, đồng, kẽm, dầu khí… Ðầu tư theo hướng gắn khai thác với chế biến, bảo đảm vệ sinh môi trường…
Lĩnh vực trồng cây công nghiệp: Tích cực triển khai mạnh mẽ các dự án đã được cấp phép, cấp đất, nhanh chóng giải quyết khó khăn, bất cập nhất là trong giải tỏa đền bù, giải phóng mặt bằng, khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Cam-pu-chia Hunxen về hình thức đầu tư “da báo” gắn đầu tư với an sinh xã hội. Với Du lịch: DNVN phát huy thế mạnh hai nước (danh lam, thắng cảnh, du lịch tâm linh…) tiếp tục hợp tác tốt trong phát triển du lịch, đẩy mạnh hoạt động kết nối du lịch 3 trong 1 (Việt Nam – Lào – Cam-pu-chia) để đẩy mạnh phát triển du lịch giữa hai nước dưới mọi hình thức: quảng bá văn hóa, giao lưu thể thao, nghệ thuật…
Về thương mại: Ðẩy mạnh hoạt động giao thương, hội chợ giới thiệu sản phẩm giữa các doanh nghiệp hai nước; nghiên cứu xây dựng các kho ngoại quan, trung tâm thương mại tại các cửa khẩu và khu vực biên giới hai nước.
Ðề xuất, kiến nghị
Ðề xuất chung đối với Chính phủ hai nước: AVIC đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xây dựng các chiến lược hợp tác song phương dài hạn, bao gồm cả chiến lược mang tính tổng thể và chiến lược trong từng lĩnh vực trọng điểm cụ thể để tiếp tục kết nối bền chặt hai nền kinh tế Việt Nam – Cam-pu-chia.
Rà soát các hiệp định kinh tế giữa hai nước đã ký kết và có hướng dẫn cụ thể, hiệu quả triển khai các hiệp định. Trước mắt, sớm hoàn thiện các thủ tục để Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa hai nước và Nghị định thư sửa đổi Hiệp định này sớm có hiệu lực chính thức; Chính phủ hai nước chỉ đạo các bộ, ngành hai bên thống nhất và sớm ký kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần; Tiếp tục thực hiện và hoàn thành sửa đổi bổ sung Hiệp định Thương mại và Hiệp định về mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ ở khu vực biên giới giữa hai nước trong năm 2014.
Thống nhất quy hoạch xây dựng hệ thống hạ tầng cửa khẩu (đường giao thông, hệ thống chợ, kho ngoại quan…) và có các cơ chế thông thoáng về thủ tục hải quan. Mở rộng danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước được hưởng ưu đãi thuế quan… Thành lập Tổ công tác liên Bộ có sự tham gia của AVIC và thiết lập cơ chế làm việc định kỳ để rà soát, trao đổi, đánh giá các hoạt động đầu tư của Việt Nam tại Cam-pu-chia; Tổ công tác sẽ giải quyết hoặc kiến nghị Thủ tướng hai nước kịp thời giải quyết vướng mắc của doanh nghiệp.
Ðề xuất với Chính phủ Việt Nam:
Xem xét ban hành sửa đổi các nghị định, cơ chế tạo điều kiện thúc đẩy hoạt động đầu tư nước ngoài, cải tiến theo hướng thông thoáng, nhanh gọn về thủ tục cấp hoặc điều chỉnh giấy phép đầu tư ra nước ngoài.
Chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu, hình thành quỹ đầu tư nước ngoài, để hỗ trợ cho các dự án trọng điểm mà DNVN đang đầu tư tại Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma; Có cơ chế hỗ trợ các DNVN trong việc miễn giảm thuế xuất nhập khẩu đối với sản phẩm được đưa về Việt Nam chế biến.
Chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty rà soát tiến độ triển khai dự án được giao triển khai theo hiệp định, hiệp ước của hai nước. Xem xét thu hồi, giao cho doanh nghiệp khác có năng lực, kinh nghiệm triển khai các dự án chậm tiến độ do nguyên nhân chủ quan.
Ðề nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại nhằm tăng cường hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp về tài chính triển khai đầu tư các dự án cũng như cung cấp dịch vụ tài chính; Tiếp tục xây dựng quy định thông thoáng, rõ ràng về việc cho phép các nhà đầu tư Việt Nam chuyển tiền ra nước ngoài để thực hiện giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()