Đẩy mạnh hợp tác đào tạo nhân lực giữa Sơn La với các tỉnh của Lào
Theo Sở Ngoại vụ tỉnh Sơn La, hằng năm, tỉnh đã tiếp nhận lưu học sinh từ 9 tỉnh của Lào sang đào tạo. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh Sơn La đã tiếp nhận, đào tạo cho gần 1.700 lưu học sinh Lào.
Hợp tác đào tạo nguồn nhân lực giữa tỉnh Sơn La với 9 tỉnh của Lào là một trong những trọng tâm ưu tiên trong chính sách đối ngoại giữa hai bên.
Trong nhiều năm qua, công tác đào tạo đội ngũ nhân lực trình độ cao cho nước bạn Lào của Sơn La đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần quan trọng vào xây dựng, phát triển mối quan hệ hữu nghị láng giềng tốt đẹp giữa tỉnh Sơn La với 9 tỉnh nước bạn Lào cũng như giữa hai Nhà nước nói chung.
Trường Cao đẳng Y tế Sơn La là một trong những cơ sở giáo dục đầu tiên thực hiện nhiệm vụ đào tạo cán bộ, sinh viên cho các tỉnh của Lào. Bắt đầu từ năm 1971, nhà trường thực hiện đào tạo khóa y sỹ đa khoa đầu tiên cho tỉnh Hủa Phăn (Lào) với hai lưu học sinh.
Đến giai đoạn 1973-1985, với yêu cầu đào tạo cán bộ y tế phục vụ cho chiến trường và chăm sóc sức khỏe nhân dân, hàng năm, các tỉnh phía Bắc Lào đều gửi lưu học sinh sang đào tạo chuyên ngành y sỹ đa khoa tại nhà trường.
Đặc biệt, bắt đầu từ năm 2010 sau khi nâng cấp lên thành Trường Cao đẳng, số lượng lưu học sinh theo học tại đây ngày càng tăng lên.
Chuyên ngành về y, dược là nghề học khó, khối lượng kiến thức lớn, cần tư duy nhiều và đòi hỏi phải có kĩ năng tốt trong quá trình học thực hành. Trong khi đó, các sinh viên Lào dù đã được học 1 năm tiếng Việt nhưng còn hạn chế về ngôn ngữ chuyên ngành.
Nhiều sinh viên còn chưa tự tin trong giao tiếp, nhất là khi đi thực hành ở bệnh viện còn ngại hoặc gặp khó khăn với người bệnh.
Trước thực tế đó, Trường Cao đẳng Y tế Sơn La đã thường xuyên nắm bắt kịp thời những khó khăn của các lưu học sinh, đổi mới phương pháp giảng dạy để giúp sinh viên tiếp thu hiệu quả hơn.
Thạc sỹ Tòng Thị Thanh, giảng viên bộ môn Sản-Nhi, Trường Cao đẳng Y tế Sơn La chia sẻ trước tiên, giáo viên phải gần gũi, chia sẻ với các bạn lưu học sinh Lào để rút ngắn khoảng cách giữa giáo viên và sinh viên.
Ngoài ra, trong quá trình giảng dạy, giáo viên cần hướng dẫn các em nghiên cứu trước tài liệu và khi thực hành sẽ uốn nắn từng thao tác. Cùng với đó, giáo viên nên thiết kế các bài giảng ngắn gọn, đưa ra các ví dụ, hình ảnh minh họa phù hợp với phong tục tập quán của nước bạn Lào để các em dễ tiếp thu.
Trường Cao đẳng Y tế Sơn La đang đào tạo cho hơn 200 lưu học sinh Lào với ba ngành nghề chính là dược sỹ, điều dưỡng và hộ sinh.
Em Komphan Soukhalak, lưu học sinh lớp Dược sỹ K9A cho biết lúc đầu, khó khăn lớn nhất với em là học tiếng Việt chuyên ngành. Tuy nhiên, em đã nhanh chóng làm quen được với trường lớp và các bạn.
Nhà trường quan tâm, tạo điều kiện cho chúng em về nơi ăn ở. Đồng thời, các thầy cô luôn tận tình hướng dẫn sinh viên, nhất là trong những giờ thực hành. Đặc biệt, chúng em còn được các bạn sinh viên Việt Nam thường xuyên hỗ trợ học tiếng Việt chuyên ngành.
Từ năm 1971 đến nay, Trường Cao đẳng Y tế Sơn La đã đào tạo được gần 900 lưu học sinh theo học các trình độ Sơ cấp, Trung cấp và Cao đẳng. Ở bất kỳ giai đoạn nào, nhà trường luôn xác định việc đào tạo đội ngũ cán bộ cho nước bạn Lào là một nhiệm vụ quan trọng.
Thạc sỹ, bác sỹ Hoàng Thị Thúy Hà, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Sơn La thông tin trong quá trình đào tạo, nhà trường còn chú trọng giúp các em rèn luyện về phẩm chất đạo đức, tác phong nghề nghiệp và ý thức tổ chức kỷ luật.
Vì vậy, khi ra trường, các em đều đảm nhiệm được công việc theo yêu cầu thực tiễn, có khả năng học tập và nâng cao trình độ sau khi tốt nghiệp. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc hình thành đội ngũ cán bộ, phát triển nguồn nhân lực cho nước bạn Lào.
Nhiều lưu học sinh sau khi ra trường giữa vị trí trọng trách trong bộ máy chính quyền cũng như ngành y tế Lào. Trong thời gian tới, nhà trường tiếp tục quan tâm tới công tác giáo dục tuyên truyền về mối quan hệ truyền thông tốt đẹp giữa hai nước, giữa Sơn La với các tỉnh bắc Lào bằng nhiều hình thức phong phú hơn.
Từ khi thành lập đến đến nay, Trường Đại học Tây Bắc đã đào tạo cho gần 1.000 lưu học sinh Lào ở các trình độ cử nhân, thạc sỹ.
Tiến sỹ Đinh Thanh Tâm, Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Bắc cho biết việc đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh của Lào được Ủy ban Nhân dân tỉnh Sơn La triển khai trong những năm qua là đúng đắn.
Qua nhiều năm thực hiện nhiệm vụ đào tạo sinh viên Lào, nhà trường nhận thấy, vấn đề then chốt để năng cao chất lượng là phải tăng cường đào tạo tiếng Việt cho các em.
Vì thế, nhà trường luôn tạo điều kiện để trong thời gian 1 năm học tiếng Việt các em tiếp thu tốt và đủ năng lực để vào học chuyên ngành.
Ngoài ra, trong quá trình giảng dạy, các giảng viên có phương pháp giảng dạy riêng đối với từng nhóm lưu học sinh Lào. Đối với những em có năng lực còn hạn chế, nhà trường có kế hoạch giao cho các khoa thành lập các nhóm hỗ trợ những lưu học sinh này.
Theo Sở Ngoại vụ tỉnh Sơn La, hàng năm, tỉnh đã tiếp nhận lưu học sinh từ 9 tỉnh của Lào sang đào tạo trình độ Cao học, Đại học, Cao đẳng, Trung cấp.
Ngoài ra, các cơ sở giáo dục còn đào tạo tiếng Việt ngắn hạn cho cán bộ các cơ quan đảng, đoàn thể, chính quyền và lực lượng vũ trang của Lào. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh Sơn La đã tiếp nhận, đào tạo cho gần 1.700 lưu học sinh Lào.
Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Sơn La Nguyễn Văn Chiến đánh giá trong quan hệ hợp tác toàn diện giữa tỉnh Sơn La với 9 tỉnh của Lào, hợp tác về đào tạo nguồn nhân lực là một trong những nội dung hợp tác trụ cột, luôn được lãnh đạo tỉnh và các ngành, các cấp quan tâm, coi trọng và cũng là nội dung hợp tác đạt được kết quả tốt, được các tỉnh nước bạn đánh giá cao.
Minh chứng cho điều đó chính là số lượng lưu học sinh Lào được cử sang học tại các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh Sơn La cơ bản ngày càng tăng. Không chỉ là các lưu học sinh hệ ngân sách tỉnh tài trợ, mà số lượng sinh viên tự túc cũng tăng rất nhanh.
Hầu hết, lưu học sinh được cử đi học tại tỉnh Sơn La là những người thuộc diện dự kiến nguồn tuyển dụng vào công tác trong bộ máy Nhà nước và cán bộ, công chức, viên chức trong diện quy hoạch giữa các chức danh lãnh đạo, quản lý.
Điều đó cho thấy sự tin tưởng rất đáng trân trọng mà các tỉnh của Lào dành cho tỉnh Sơn La. Qua đó, phản ánh những nỗ lực, kết quả rất tích cực trong hoạt động hợp tác về giáo dục, đào tạo nói riêng và quan hệ hợp tác toàn diện giữa tỉnh Sơn La với 9 tỉnh bạn Lào.
Đây là niềm tự hào, có ý nghĩa hết sức quan trọng để duy trì và phát triển mối quan hệ quý báu đang có giữa tỉnh Sơn La với các tỉnh của Lào, khẳng định vị thế, vai trò của tỉnh trong sự nghiệp chung bảo vệ và vun đắp cho mối quan hệ Việt Nam-Lào ngày càng bền chặt./.
Ý kiến ()